Cẩn trọng với tình trạng lừa đảo "khóa thuê bao điện thoại"
Lợi dụng thời điểm gần hết thời gian chuẩn hóa thuê báo với lượng lớn người dân chưa kịp chuẩn hóa thuê bao, một số đối tượng đã mạo danh nhà mạng gọi điện thoại dọa khóa tài khoản và khóa thuê bao. Các đối tượng này đã yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số CCCD và một số nội dung khác. Một số người dân đã nhận được thông tin: "Thông báo, số thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong hai giờ tiếp theo". Sau đó, đối tượng mạo danh sẽ trực tiếp liên lạc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu chuyển tiền để thực hiện các thủ tục đăng ký, gia hạn cho người bị hại.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Kim Dung (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, chiều 14-3, chị đã nhận được cuộc gọi xuất phát từ một đầu số lạ, gọi đến thông báo: "Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa. Vui lòng liên hệ tổng đài để biết thêm chi tiết...". Cách thức cuộc gọi làm rất tinh vi như một cuộc gọi tự động từ tổng đài nhưng lại bắt đầu từ số điện thoại lạ: 0828.566.xxx. Trong cuộc gọi là một giọng nữ tương tự như các "chị tổng đài". Vì thấy số điện thoại lạ, không giống với số tổng đài nên chị Dung nhận định đây là cuộc gọi lừa đảo, nên đã tắt máy. Cũng với chiêu thức tương tự, chị Trần Phương Thảo (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng nhận được thông tin: "Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa sau hai giờ nữa nếu không chuyển khoản thanh toán cước, để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím...". Hiểu ngay đây là chiêu thức lừa đảo qua cuộc gọi chị Thảo cũng nhanh chóng tắt máy. Tuy nhiên, theo chị Dung và chị Thảo, không phải người dân nào cũng có thể nắm bắt được thông tin trên để tránh bị lừa đảo.
Được biết, đối với việc khóa 1 chiều, 2 chiều, các nhà mạng đều có thông báo, không có chuyện bị khóa ngay lập tức. Theo đó, các nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cập nhật dữ liệu. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (thực hiện cuộc gọi đi, gửi tin nhắn) nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Để kiểm tra thông tin đã được cập nhật như thế nào, chủ thuê bao di động đang sở hữu điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có thể tải ứng dụng quản lý do nhà mạng cung cấp (trên cả 2 hệ điều hành iOS, Android) về thiết bị cá nhân. Sau đó, đăng ký tài khoản/đăng nhập theo số điện thoại đang sử dụng để kiểm tra dữ liệu trong phần Thông tin thuê bao (hoặc tương tự, có sự khác nhau ở từng phần mềm). Nếu thông tin chưa chính xác, người dùng cũng có thể trực tiếp cập nhật dữ liệu mới thông qua các chương trình này trực tiếp từ thiết bị cá nhân mà không cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng. Một kênh trực tuyến khác là sử dụng website chính thức của nhà mạng, đăng nhập tài khoản (theo số điện thoại đang sử dụng) để kiểm tra thông tin cá nhân đang gắn với thuê bao hiện tại.
Như vậy, có nhiều cách để chuẩn hóa thông tin khác nhau như ra quầy giao dịch, hoặc thông qua ứng dụng của nhà mạng. Tất cả việc chuẩn hóa thông tin này là hoàn toàn miễn phí không yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán. Theo ông Mai Đặng Duy Cương- Phó giám đốc Ban khách hàng cá nhân, Tổng Cty Dịch vụ viễn thông VNPT, ngoài việc ra quầy giao dịch, khách hàng có thể sử dụng app my VNPT để có thể cập nhật thông tin cá nhân. Nếu khách hàng không vào được app thì có thể lên trang web: my.vnpt.com.vn để cập nhật thông tin. "Thậm chí những khách hàng nào khó khăn, chúng tôi sẽ có nhân viên đến để hỗ trợ khách hàng tại nhà", ông Cương nhấn mạnh. Đối với mạng viễn thông MobiFone, có 4 cách để khách hàng MobiFone chuẩn hóa thông tin thuê bao như: đến cửa hàng nơi gần nhất, thực hiện qua website https://tttb.mobifone.vn/, thực hiện qua app My MobiFone. Đặc biệt, đối với khách hàng là người đặc thù, người cao tuổi, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến hỗ trợ tại nhà. Ông Nguyễn Phong Nhã- Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông cũng nhấn mạnh: "Đây là hoạt động không có bất kỳ việc thu phí nào, cũng không yêu cầu khách hàng cung cấp tài khoản ngân hàng đã sử dụng. Vì vậy, khi khách hàng nhận thấy có bất kỳ một hiện tượng lạ nào thì phải nhanh chóng liên lạc đến bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng đang sử dụng".
L.A.T