Cần xử lý dứt điểm việc phụ huynh phản đối chủ trương sáp nhập trường ở Anh Sơn- Nghệ An
Không cho con đi học trường ngoài xã vì đường quá xa
Đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn, H.Anh Sơn thành Trường THCS Khai Lạng đóng tại xã Khai Sơn được thực hiện từ năm 2018. Mục đích việc sáp nhập là giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô trường lớp nhỏ. Quá trình thực hiện đề án, Huyện ủy Anh Sơn cũng đã có nhiều trăn trở bởi xã Lạng Sơn có vị trí địa lý khá dài, từ đầu đến cuối xã cách nhau khoảng 7- 8km, một phía tiếp giáp với xã Tào Sơn, phía khác tiếp giáp với xã Khai Sơn. Để giải quyết vấn đề HS phải đi học xa khi sáp nhập 2 trường thành một, H.Anh Sơn đã có phương án: Đối với các HS nhà gần xã Tào Sơn thì có thể học tại Trường THCS Tào Sơn (trường đạt chuẩn quốc gia), còn những HS có nhà giáp với xã Khai Sơn thì sáp nhập thành Trường THCS Khai Lạng để tạo điều kiện trong việc dạy- học.
Đề án này đã được phê duyệt, triển khai nhưng sau 4 năm học, mới chỉ có khối lớp 9 chuyển về trường chính THCS Khai Lạng ở xã Khai Sơn. Riêng các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn vẫn học ở cơ sở 2 (trường THCS Lạng Sơn cũ- P.V). Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường THCS Khai Lạng ở Khai Sơn. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin này, nhiều hộ dân đã đồng loạt gửi đơn thư phản đối vì cho rằng quãng đường quá xa, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Mặt khác, nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại HS trong xã phải chia ra học ở hai nơi sẽ thiếu tự tin khi học trường ở xã khác. Mặt khác, xã Lạng Sơn có truyền thống hiếu học, việc sáp nhập sẽ mất đi Trường THCS Lạng Sơn.
Trước thực trạng nhiều phụ huynh chưa đồng tình trên, ngày 15-7, Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã ra thông báo chưa sáp nhập các khối lớp còn lại của điểm trường Lạng Sơn về trường THCS Khai Lạng trong năm học 2022-2023. Song, nhiều người dân vẫn không bằng lòng và tiếp tục không cho con em đến trường để gây áp lực, yêu cầu phải hủy bỏ đề án sáp nhập trường đã ban hành từ 4 năm trước.
Vì những lý do này, nên dù khai giảng năm học mới đã được 4 ngày nhưng đến nay nhiều HS lớp 9 ở xã Lạng Sơn vẫn không đến lớp. HS các khối 6,7,8 cũng chỉ mới hơn nửa HS đến trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 học (trường THCS Lạng Sơn cũ - P.V). Tính đến sáng 8-9, chỉ có 82/153 HS các khối 6, 7, 8 đến trường học (ngày 7-9 chỉ 11 HS- P.V). Nguyên nhân chủ yếu là do phụ huynh tập trung ở cổng trường ngăn cản, không cho HS vào trường.
Ông Nguyễn Quang Huân, trú xóm 5, xã Lạng Sơn, là một trong những phụ huynh có con học lớp 9 khóa đầu tiên của xã Lạng Sơn chuyển sang học tại trường THCS Khai Lạng. Vì nhà cách trường 5- 6 km nên để thuận tiện hơn, ông đã mua cho con chiếc xe đạp điện tự đi học, hiện cháu vừa tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm học mới này, khi đứa con kế tiếp vào lớp 6, nhận được thông báo năm học này sẽ chuyển lớp 6, 7, 8 ra học ở cơ sở trường chính tại xã Khai Sơn thì ông cùng nhiều phụ huynh khác phản đối. Mục đích muốn con được học tại trường trong xã, khỏi đi xa vất vả. Theo ông Huân, hiện cơ sở vật chất của trường THCS Lạng Sơn (cũ) cũng đang rất tốt, có nhà 2 tầng kiên cố.
Đối lập quan điểm của các phụ huynh, HS rất muốn được đến trường. Em Võ Thị Anh Thư, nhà ở xóm 1, xã Lạng Sơn chia sẻ: “Dù có nhiều bạn không đến lớp nhưng em vẫn đi học, vì không muốn bỏ lỡ kiến thức. Nếu sau này chuyển sang xã Khai Sơn học thì em cũng sẽ theo học, bởi bố mẹ em luôn ủng hộ, dù trường ở đâu cũng không được nghỉ học ở nhà”.
Cần xử lý dứt điểm
Ông Lê Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cho biết, để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, nhà trường có tuyên truyền vận động nhân dân, làm công tác phổ cập, vận động đến từng HS, phụ huynh. Tuy nhiên, sau khai giảng, nhiều phụ huynh ngăn cản con em tới trường. Theo Hiệu trưởng Hà, những yêu cầu của phụ huynh thì các ngành, các cấp sẽ tháo gỡ, giải quyết dần dần, nhưng trước mắt nhà trường mong muốn HS được đến trường đi học. Bởi theo kế hoạch, nếu HS không đến trường thì việc dạy - học vẫn triển khai để đảm bảo quyền lợi của HS xã khác nữa. Cũng theo Hiệu trưởng Hà, việc ngăn cản HS đến trường là vi phạm quyền lợi được đi học của các em. Đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch dạy- học của nhà trường. Ông Hà mong muốn các cấp chính quyền có phương án giải quyết, xử lý dứt điểm để HS được đi học, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em.
Liên quan đến quá trình thực hiện sáp nhập, ông Đặng Xuân Quang – Phó Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho hay, trước mắt huyện sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, dân vận. Đối với khối lớp 9 do ở cơ sở 2 ở xã Lạng Sơn không chuẩn bị cơ sở vật chất dạy - học, nên quan điểm của huyện là đưa các em về cơ sở chính để học tập. Ông Đặng Xuân Quang cũng đề nghị nhà trường chuẩn bị, sẵn sàng đón HS và dạy bù kiến thức khi các em đi học trở lại. Còn đối với những cá nhân ngăn cản không cho HS đi học là sai trái, gây thiệt thòi cho HS.
Được biết, liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An, Sở GD-ĐT tỉnh đã tổ chức cuộc họp với H.Anh Sơn để đề ra phương án, giải pháp phù hợp nhất.
Dương Hóa