Cảnh giác thủ đoạn hỗ trợ làm visa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ tư, 06/12/2023 08:18
Kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, thị trường xuất khẩu lao động sôi động trở lại khi một số nước, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Saudi Arabia và UAE ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn lao động từ Việt Nam. Do đó, nhu cầu của người lao động trong giải quyết các thủ tục pháp lý, hoạt động đào tạo hướng nghiệp… về xuất khẩu lao động cũng tăng cao. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã xuất hiện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đặc biệt là thủ đoạn hỗ trợ làm visa.
Một trang web giả mạo làm visa, đưa người đi xuất khẩu lao động.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Ia Pa lấy lời khai đối tượng Gương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn hỗ trợ làm visa.

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, vào tháng 10-2023, Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) nhận được đơn tố giác của chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (trú xã Ia Mrơn, H. Ia Pa), hiện đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trình báo về việc bị một đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng thủ đoạn thủ đoạn hỗ trợ làm visa.

Theo đó, do visa của chị Tuyết gần hết hạn nhưng chị muốn có thêm thời gian ở lại Nhật Bản để tiếp tục lao động nên đã đăng tải thông tin cần làm thủ tục xin cấp visa lên hội nhóm Facebook “Cộng đồng du học Việt Nhật”. Sau khi chị Tuyết đăng tải thông tin thì có 1 đối tượng liên hệ với chị để thỏa thuận để nhận làm thủ tục xin cấp Visa nhanh. Tin tưởng, chị Tuyết đã nhiều lần chuyển với số tiền 272 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, sau khi chị Tuyết chuyển tiền đối tượng không thực hiện theo thỏa thuận và cắt mọi liên lạc. Tiếp nhận tin tố giác của nạn nhân, Công an huyện Ia Pa đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Công an tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra, xác minh và xác định đối tượng lừa đảo là Trần Thị Kim Gương (1989, trú H. Bến Lức, tỉnh Long An) nên tiến hành bắt giữ. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ia Pa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Kim Gương để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước thực trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân, nhất là những người có nhu cầu xuất khẩu lao động cần cảnh giác trước các thủ đoạn hỗ trợ làm visa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ tạo các trang web, Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động có uy tín thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, hình ảnh chụp visa của các nước tiếp nhận được cấp… khiến nhiều người lao động cả tin, mất cảnh giác. Tiếp đó, chúng đưa ra các chương trình ưu đãi, chi phí làm visa thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với các công ty xuất khẩu lao động chính ngạch, yêu cầu người lao động phải đặt cọc chi phí trong thời gian ngắn. Với tâm lý “ham rẻ”, nhiều người lao động đã chấp nhận chuyển khoản để được ưu đãi, qua đó chúng dễ dàng chiếm đoạt tiền đặt cọc của người lao động. Đồng thời khi người lao động chuyển tiền, các đối tượng cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tiếp tục đóng các khoản phí khác. Sau khi nhận đủ tiền các đối tượng sẽ tìm cách chặn tài khoản, số điện thoại người lao động.

Một trang web giả mạo làm visa, đưa người đi xuất khẩu lao động.

Tinh vi hơn, các đối tượng tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội về xuất khẩu lao động để tìm kiếm các “con mồi” có nhu cầu làm visa, chúng đánh vào tâm lý, nhu cầu của người lao động về việc làm, gia hạn visa đơn giản, nhanh chóng, không cần tốn nhiều thời gian, để tiến hành câu nhử, tiếp cận các “con mồi”. Bên cạnh việc sử dụng các trang mạo danh các công ty xuất khẩu lao động, chúng còn sử dụng nhiều tài khoản ảo để tạo tương tác uy tín, nhắn tin cho người lao động để củng cố niềm tin về chất lượng dịch vụ hỗ trợ làm visa; thậm chí còn “gạ” cho người lao động mượn tiền để làm thủ tục, bằng thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt của những người nhẹ dạ, cả tin số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Do đó, người dân tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn hỗ trợ làm visa trên các website, trang Facebook, Zalo không chính thống. Khi có nhu cầu làm visa lao động cần đăng ký tại các địa chỉ uy tín thông qua Sở LĐ-TB&XH; nếu qua doanh nghiệp dịch vụ thì phải được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Người dân có thể tra cứu các doanh nghiệp được cấp phép tại trang web: www.dolab.gov.vn. Trường hợp người lao động cần phản ánh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo làm visa, đề nghị liên hệ Cơ quan Công an gần nhất.

G.L