Kỷ niệm 62 năm ngày Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh ban hành pháp lệnh PCCC (4-10):

Cảnh sát PCCC Đà Nẵng với nỗ lực “giải bài toán khó” cho cơ sở

Thứ tư, 04/10/2023 07:02
Trên quy định, tiêu chuẩn về an toàn PCCC với đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên là “gỡ khó nhưng không hợp thức hóa sai phạm”, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng luôn nỗ lực đồng hành cùng cơ sở để từng bước tháo gỡ vướng mắc về PCCC cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nút thắt chính vẫn là khả năng khắc phục, theo kịp các tiêu chuẩn mới của các doanh nghiệp, cơ sở…

* Bài cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành cùng cơ sở

Tình hình cháy, nổ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do đó công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở vẫn phải dựa trên quy định và tiêu chuẩn an toàn về PCCC. Trong ảnh, vụ cháy nhà xưởng tại một công ty trong KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại với cơ quan, doanh nghiệp về công tác PCCC vào tháng 4-2023.

Trung tá Trần Lê Minh Dũng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng cho biết, không ít cơ sở rơi vào thế khó chồng khó, sau ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tinh hình kinh doanh rất khó khăn. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tham mưu Giám đốc Công an TP triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do quy chuẩn an toàn PCCC cao, tốn nhiều kinh phí trong điều kiện cơ sở gặp nhiều khó khăn; việc sửa chữa, cải tạo ảnh hưởng đến kết cấu xây dựng, kiến trúc đối với các công trình hoặc khó thực hiện trong thực tế…

Nhiều chủ đầu tư cho biết, các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện QCVN 06:2021/BXD. Lý do là nếu áp dụng thì doanh nghiệp sẽ không đủ tiền để triển khai dự án, ngược lại nếu không áp dụng thì không được cấp phép PCCC để hoạt động. Trường hợp khác, doanh nghiệp dù đã được cấp chứng nhận thẩm định và phê duyệt, thiết kế về PCCC nhưng khi áp dụng theo quy định mới thì không đáp ứng được, dẫn đến phải chỉnh sửa hệ thống PCCC, gây tốn kém. Doanh nghiệp rất khó theo kịp, chuyển đổi, gặp nhiều trở ngại trong hoạt động.

Từ sau Công điện 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, Công an TP Đà Nẵng tiến hành rà soát, qua đó có khoảng 1.122 cơ sở còn tồn tại vi phạm. Công an TP đã tiến hành phân loại tồn tại theo từng nhóm, loại hình cơ sở, đánh giá từng trường hợp có khả năng khắc phục, không có khả năng khắc phục từ đó nghiên cứu, đề ra một số biện pháp, giải pháp bổ sung, tăng cường công tác PCCC. Theo phân loại, có khoảng 349 cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC, 773 cơ sở đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC tuy nhiên vẫn còn tồn tại, vi phạm. Đối với những tồn tại vi phạm nêu trên, có gần 200 cơ sở có khả năng khắc phục được đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn, hỗ trợ để khắc phục. Nhiều cơ sở được thẩm duyệt, nghiệm thu đi vào hoạt động.

Tình hình cháy, nổ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do đó công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở vẫn phải dựa trên quy định và tiêu chuẩn an toàn về PCCC. Trong ảnh, vụ cháy nhà xưởng tại một công ty trong KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng.

Mặt khác, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động xin ý kiến Giám đốc Công an TP để tổ chức 3 buổi đối thoại với hơn 300 đại diện cho chủ doanh nghiệp, cơ sở để lắng nghe khó khăn vướng mắc đồng thời nghiên cứu các quy định của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn và các văn bản hướng dẫn về PCCC của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH để đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những tồn tại, vi phạm về PCCC. Kết quả đã hướng dẫn tháo gỡ 8 công trình liên quan đến sử dụng sơn chống cháy; hướng dẫn 39 công trình thực hiện khắc phục tồn tại liên quan đến nghiệm thu về PCCC; hướng dẫn 7 Ban quản lý đầu tư xây dựng tại 7 quận, huyện khắc phục tồn tại về PCCC tại các cơ sở giáo dục chưa được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC; hướng dẫn, đưa ra các giải pháp cụ thể đối với một số cơ sở trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao để cơ sở tiến hành triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thành lập nhiều Tổ công tác phối hợp với Ban quản lý dự án thuộc UBND 7 quận, huyện làm việc trực tiếp và khảo sát thực tế tại 105 điểm trường và trường học để nắm tình hình và đưa ra các giải pháp, biện pháp khắc phục. Kết quả đã khảo sát thực tế và hướng dẫn 100% cơ sở. Đối với cơ sở karaoke, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Công an các quận, huyện làm việc trực tiếp và khảo sát thực tế tại các cơ sở, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục đảm bảo các quy định về PCCC, đến nay có hơn 20 cơ sở karaoke đã được phục hồi hoạt động trở lại.

Ngoài ra, đối với các dự án, công trình còn tồn tại chưa được thẩm duyệt thiết kế, chưa được nghiệm thu về PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức làm việc, hướng dẫn chủ đầu tư và đơn vị liên quan giải pháp khắc phục đối với 100% các dự án, công trình. Đến nay 22 dự án, công trình đã được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; 9 dự án, công trình đã được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.

Đồng thời, Công an TP tập trung đẩy mạnh cải cách, rà soát cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng để rút ngắn thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, vấn đề tháo gỡ khó khăn về PCCC cho các cơ sở đang được xã hội rất quan tâm. Do đó, Giám đốc Công an TP thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt nhấn mạnh công tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC cho các cơ sở.

Với những động thái tích cực và nhiều giải pháp đồng bộ, Công an TP Đà Nẵng mong muốn sẽ sớm được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm củng cố niềm tin, tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.

M.VINH