Cắt giảm hay tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân?

Thứ tư, 29/10/2008 00:00

Kỳ 1: Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân

Mỹ hiện cất giữ khoảng 350 quả bom nhiệt hạch ở các nước thuộc NATO. Trong ảnh: Bom nhiệt hạch B61. Ảnh: TIME 

(Cadn.com.vn) - Vấn đề vũ khí hạt nhân và an toàn hạt nhân đã trở thành yêu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế vì nếu không có các biện pháp ngăn chặn  hữu hiệu thì hậu quả của nó gây ra cho loài người vô cùng khủng khiếp. Ngày 1-6-1968 được chọn là ngày khởi đầu tham gia tiến trình ký kết Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hiệp ước được tóm tắt thành 3 nguyên tắc trụ cột: Không phổ biến, Giải giới, và Quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình, trong đó chủ yếu hạn chế việc sở hữu vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia có chủ quyền đã tham gia ký kết NPT, nhưng cũng có một số quốc gia sở hữu công nghệ và vũ khí hạt nhân lại không tham gia NPT. Điều đáng nói nữa là theo số liệu do ông El Baradei - Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hiện thế giới sở hữu tới 27.000 vũ khí hạt nhân sau 20 năm kết thúc Chiến tranh Lạnh, càng làm cho cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Ngày 24-10, tại hội nghị chuyên đề của LHQ với chủ đề “LHQ và an ninh trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phác thảo các bước nhằm thúc đẩy mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân, trong đó có lời kêu gọi Nga và Mỹ nối lại các cuộc đàm phán về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của họ.

Trong bài phát biểu với Viện Đông-Tây, một tổ chức quốc tế độc lập chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh, ông Ban Ki-moon nói: “Thế giới sẽ hoan nghênh việc nối lại đàm phán song phương giữa Mỹ và Liên bang Nga nhằm cắt giảm nhiều và có thể kiểm chứng các kho vũ khí hạt nhân của họ”. Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nước đã ký NPT, thực hiện các nghĩa vụ giải trừ vũ khí hạt nhân của họ và xem xét đàm phán “một hiệp ước về vũ khí hạt nhân, được sự hỗ trợ của một hệ thống kiểm chứng vững mạnh”. Ông Ban Ki-moon nêu mối quan ngại của thế giới về các hoạt động hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, đồng thời cho rằng “có sự ủng hộ rộng rãi đối với những nỗ lực nhằm giải quyết các mối quan ngại này bằng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại”.

Tổng Thư ký LHQ yêu cầu 5 nước thường trực HĐBA LHQ bắt đầu các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân và “đảm bảo rõ ràng với các nước không có vũ khí hạt nhân rằng họ sẽ không là đối tượng cho việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông cũng yêu cầu HĐBA LHQ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề này, đồng thời đề xuất những nỗ lực mới để Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) có hiệu lực và Hội nghị LHQ về giải trừ hạt nhân bắt đầu thảo luận ngay về một hiệp ước riêng về nguyên liệu hạt nhân. Ông Ban Ki-moon còn nhấn mạnh các nước có vũ khí hạt nhân cần phải có trách nhiệm và minh bạch hơn, trong đó có việc cung cấp thêm thông tin về quy mô các kho vũ khí hạt nhân của họ, các kho nguyên liệu hạt nhân và các thành tựu giải trừ hạt nhân cụ thể. Cuối cùng, ông thúc giục “những nỗ lực mới chống lại vũ khí hủy diệt, khủng bố, hạn chế sản xuất và buôn bán vũ khí thông thường và cấm vũ khí mới, trong đó có tên lửa và vũ khí sử dụng trong vũ trụ”.

 Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 được phóng từ bệ phóng Plesetsk,
phía tây bắc Nga ngày 29-5-2007. Ảnh: AP

Trong khi đó, dư luận hết sức chú ý về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Cuộc đàm phán giữa Liên Xô trước đây với Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I) diễn ra trong bối cảnh có nguy cơ lớn về một cuộc chạy đua sản xuất vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu. Đó là cuộc đàm phán đầy phức tạp để 2 cường quốc có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ chính thức đi đến ký kết Hiệp ước START I vào năm 1991. Theo đó, 2 bên sẽ cắt giảm kho vũ khí chiến lược của mình vào khoảng 80%, được phép duy trì không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân ngoài một số lượng nhất định các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom tính tại thời điểm đó.

4 năm trước đây, năm 2004, Tổng thống Mỹ G.W.Bush nói ông muốn kho dự trữ vũ khí hạt nhân của nước mình được giảm xuống còn một nửa so với thập niên 1950, hay tới một mức khoảng 1/4 con số vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh. Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia, thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, trong một  báo cáo hồi năm ngoái cho rằng nhịp độ tháo gỡ các đầu đạn hạt nhân đã gia tăng 146% trong tài khóa 2007. Theo thỏa thuận với Nga năm 2002, Mỹ cam kết sẽ giảm bớt con số các đầu đạn đã được bố trí chỉ còn từ 1.700-2.200 từ năm 2007 - 2012. Tuy nhiên, Mỹ cũng không ngừng phát triển các loại vũ khí hạt nhân thế hệ mới có cường độ công phá mạnh, có thể xuyên qua mọi tuyến phòng thủ của đối phương.

Gần đây, Nhà Trắng cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Đông Âu và đang làm cho Nga phẫn nộ. Đặc biệt, Quốc hội Mỹ chuẩn chi ngân sách để quân đội nước này tiến hành trở lại kế hoạch phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo trong không trung hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” có từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Trong khi đó, theo các nguồn tin được công khai, phía Nga cũng gia tăng các hoạt động nhằm giảm kho vũ khí hạt nhân như Hiệp ước START I quy định. Cũng theo thỏa thuận thì Hiệp ước START I hết hiệu lực vào tháng 12-2009, 2 nước  Nga - Mỹ sẽ đàm phán để có một số biện pháp kiểm soát vũ khí chiến lược hiệu quả.

Tuyết Minh

Kỳ cuối: Cuộc đối đầu Nga - Mỹ