Chậm xử lý nhiều kiến nghị bức xúc của người dân

Thứ sáu, 09/06/2023 06:55
Trong cuộc họp thường kỳ hôm 8-6, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu tập trung xử lý quyết liệt những vấn đề nổi cộm trên địa bàn, nhất là những kiến nghị bức xúc của cử tri về hạ tầng đô thị, tái định cư, nhà sinh hoạt cộng đồng, thiếu giáo viên...
Nhà sinh hoạt cộng đồng tại tổ 91 Hòa Xuân.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì phiên họp thường kỳ.

Tiến độ các khu tái định cư chậm

Hiện nay tiến độ triển khai các khu tái định cư (TĐC) phục vụ giải tỏa cho các dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng rất chậm. Đơn cử, tại khu TĐC phục vụ giải tỏa dự án vành đai phía Tây triển khai đã lâu nhưng hiện còn 12 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng; nhà thầu cũng mới san nền, thi công giao thông, thoát nước đạt khoảng 65% hợp đồng. Cũng phục vụ dự án đường vành đai phía Tây, khu TĐC tại xã Hòa Phú đạt 85%, tại Hòa Phong đạt 65% (nhà thầu thi công cầm chừng do thiếu vật liệu san lấp). Thậm chí, như khu TĐC phục vụ giải tỏa xây dựng tuyến đường DH2 hiện mới đang lập chủ trương đầu tư, dự kiến tới tháng 11-2023 mới khởi công. Trong khi đó, tuyến đường DH2 hiện đã xây dựng xong. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, tiến độ triển khai các khu TĐC phục vụ giải tỏa các dự án động lực, trọng điểm có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án. Hầu hết các dự án đều vướng công tác giải phóng mặt bằng do không có đất TĐC thực tế để bố trí cho người dân, trong khi đó tiến độ triển khai các khu TĐC quá chậm trễ, có dự án thi công đã xong nhưng khu TĐC chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị trong quá trình lập chủ trương đầu tư dự án phải xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai các khu TĐC tương ứng, phù hợp với việc triển khai các dự án động lực, trọng điểm.

Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến cho rằng, trong quy hoạch khu TĐC cần tính đến quỹ đất cho hạ tầng xã hội như giao thông, thoát nước, công viên và cả quĩ đất thương mại, dịch vụ cho hạ tầng kinh tế, để phát triển kinh tế tại chỗ cho người dân.Với nhiều khu TĐC trên địa bàn TP như các khu TĐC ở Hòa Liên, dù hạ tầng kỹ thuật đã xây xong lâu, nhưng tình trạng sụt lún, chưa thảm nhựa nhiều nhánh đường, người dân rất bức xúc, kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện. Cụ thể như khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 1 hiện còn 2 nhánh đường chưa thảm nhựa mà nguyên nhân do sụt lún hạ tầng kỹ thuật cần phải lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh khắc phục xử lý bù lún. Với giai đoạn 2 của khu TĐC Hòa Liên 4 hiện mới thảm nhựa được 6/15 nhánh đường. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói việc sụt lún, chưa thảm nhựa một số tuyến đường ở khu TĐC Hòa Liên 4 do liên quan tới một vụ án, cơ quan điều tra chưa khép lại hồ sơ. Tuy vậy, ông cũng nói TP sẽ tập trung triển khai sửa chữa, khắc phục hạ tầng các khu TĐC này trong thời gian tới. Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP đề nghị phải rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, tránh tình trạng “hành chính hóa” bằng văn bản, không quyết liệt trong công tác xử lý các kiến nghị người dân, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống sinh hoạt của người dân trong thời gian dài và yêu cầu rà soát tất cả các trường hợp tương tự và có kế hoạch triển khai thi công hoàn thiện hạ tầng đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho người dân.

Không để thiếu giáo viên

Năm học 2023 - 2024, dự báo số lớp, số học sinh các cấp trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục tăng cao, trong khi quỹ số lượng người làm việc của TP không còn đủ để đảm bảo bố trí cho các trường học. Do đó, UBND TP đang xem xét trình HĐND TP phê duyệt 537 chỉ tiêu hợp đồng lao động để bố trí giáo viên tăng thêm trong năm học 2023-2024 đảm bảo cho việc bố trí giáo viên tăng thêm tại các trường học công lập. Ngoài ra, để khắc phục tình trạnh thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiểu học trong năm học tới, ngoài việc bỏ yêu cầu tiêu chuẩn về hộ khẩu thường trú tại TP và xếp loại tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong tuyển dụng giáo viên nói chung, Đà Nẵng đã có chủ trương tiếp nhận giáo viên ngoại tỉnh về giảng dạy văn hóa tại các trường tiểu học công lập. Theo đó, các tiêu chuẩn để tiếp nhận giáo viên tiểu học đã được thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện việc tiếp nhận. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nói, việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên phải gắn với đề án phát triển trường lớp trên địa bàn, tránh tình trạng đầu tư xây dựng trường lớp xong lại không có giáo viên.

Nhà sinh hoạt cộng đồng tại tổ 91 Hòa Xuân.

Nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn “nóng”

Đà Nẵng hiện có 2.900 tổ dân phố, thôn nhưng hiện có 557 nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ có nhà sinh hoạt cộng đồng mới chiếm 15,9% số tổ dân phố, có khu vực 16 tổ dân phố mới có một nhà sinh hoạt cộng đồng. Tiến độ phát triển nhà sinh hoạt cộng đồng rất chậm, cử tri bức xúc, phản ánh rất nhiều trong các đợt tiếp xúc cử tri. Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, UBND TP đã thống nhất chủ trương xây dựng danh mục vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư trên tinh thần sử dụng lại các nhà sinh hoạt cộng đồng hiện hữu, xây dựng mới tại các lô đất trống của Nhà nước, các khu đất thuộc dự án phát triển đô thị của các chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước, sử dụng các nhà công sản thuộc diện sắp xếp lại, sử dụng kết hợp với các cơ sở công lập (trường học, trụ sở cơ quan…). Nguyên tắc khai thác, sử dụng là nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp với nhiều chức năng, dùng chung cho nhiều tổ dân phố với khoảng cách phù hợp, tổ dân phố và cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổ chức quản lý sử dụng. Hiện TP đã giao cho các quận, huyện chủ trì việc rà soát, đề xuất danh mục vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng và hướng xử lý đối với nhà sinh hoạt cộng đồng không sử dụng lại để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo TP. Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị nghiên cứu phương án gắn biển công nhận điểm sinh hoạt hoạt cộng đồng trên cơ sở rà soát hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công sản, trường học hiện có chứ không nhất thiết xây mới.

HẢI QUỲNH

Tập trung cải thiện chỉ số PCI
Năm 2022, chỉ số PCI của Đà Nẵng xếp thứ 9 cả nước, là vị trí xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị phải tập trung các giải pháp khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế, thu hút phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của TP. Trong đó cần tập trung rà soát từng chỉ số thành phần của PCI đang bị tụt giảm mạnh để đẩy nhanh công tác cải thiện môi trường đầu tư của Đà Nẵng gắn với chuyển đổi số để cải cách hành chính và cải thiện chỉ số PCI trong năm 2023.