Chấn chỉnh ngân hàng “bán bia kèm lạc”

Thứ hai, 17/04/2023 06:30
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng phản ánh không vừa ý khi vay vốn ngân hàng thì được “mời” mua thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính, phổ biến nhất là bảo hiểm nhân thọ theo kiểu “bán bia kèm lạc”,  thậm chí có trường hợp bức xúc khi bị ngân hàng “ép” phải mua các sản phẩm, dịch vụ đó nếu không sẽ không được ngân hàng giải quyết cho vay vốn.

Đơn cử, ông Phạm Bảy, Giám đốc Công ty Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Ông Bảy (Q.Thanh Khê) bức xúc cho biết: Hiện có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP nói chung, doanh nghiệp của ông nói riêng gặp khó khăn, không có tiền để trả lương cho nhân viên, đóng thuế, v.v… phải “cắn răng” đi vay ngân hàng để trả lương nhưng bị bắt buộc mua bảo hiểm với mức phí đóng 20 – 30 triệu đồng/tháng, càng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Còn nếu không mua bảo hiểm thì bị ngân hàng buộc làm cam kết tăng phí rút vốn. Cụ thể, khi công ty ông làm hồ sơ tại một ngân hàng thương mại để vay 1 tỷ đồng, ban đầu phí cam kết rút vốn là 10 triệu đồng nhưng vì không mua bảo hiểm nên ngân hàng đề nghị tăng phí cam kết rút vốn thêm 20 triệu đồng, tương ứng 30 triệu đồng/1 tỷ đồng. Không chỉ có doanh nghiệp, người dân vay vốn cũng bị ngân hàng “bán bia kèm lạc”. Chị Nguyễn Thị Dung, ở Q.Hải Châu phản ánh rằng, đầu tháng 4-2023 vừa qua, chị làm hồ sơ vay 700 triệu đồng tại một ngân hàng tư nhân thì được “mời” mua gói bảo hiểm nhân thọ 15 triệu đồng/năm sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong 2 năm đầu, nếu không mua thì hồ sơ khó được phê duyệt nhanh, cũng như lãi suất cho vay cao hơn khoảng 1 - 1,5%/năm.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng khẳng định không có quy định bắt buộc khách phải mua thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính như đã đơn cử ở trên thì mới được vay. Đây là vấn đề thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Các ngân hàng chỉ tư vấn và mang tính chất giới thiệu sản phẩm, khách hàng có quyền quyết định việc mua hay không mua các sản phẩm, dịch vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, hầu hết các ngân hàng, nhất là các ngân hàng tư nhân đều dùng “chiêu thức” nói trên để “bắt chẹt” khách hàng, đặc biệt là hoạt động bancassurance, tức là hợp tác phân phối, đại lý bán bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm. Đây là một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới mang lại lợi nhuận rất lớn cho các ngân hàng. Vì chạy theo lợi nhuận nên trong quá trình giao dịch với khách hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay vốn, nhiều ngân hàng tìm mọi cách để khách hàng mua các sản phẩm, dịch vụ đó, thậm chí có ngân hàng còn “ép” khách hàng phải mua, trường hợp nào chấp nhận mua thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, áp dụng lãi suất ưu đãi, còn nếu không thì không được vay tiền hoặc bị áp lãi suất cao hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân…

Đề cập đến tình trạng nói trên, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Hiện sản phẩm bảo hiểm có hai loại là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Ngân hàng thương mại khuyến khích doanh nghiệp và người dân nên mua bảo hiểm phi nhân thọ để bảo đảm cho doanh nghiệp và người dân hạn chế được thiệt hại khi bị rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh do thiên tai, hỏa hoạn, v.v... gây ra. Còn việc các ngân hàng thương mại đề nghị khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ xuất phát từ Hội sở các ngân hàng này ở TPHCM, Hà Nội. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ là chi nhánh, là đơn vị cấp dưới được giao chỉ tiêu yêu cầu thực hiện, nếu không thực hiện sẽ bị cắt lương, cắt thưởng… “Khi dự các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, bản thân tôi thường xuyên kiến nghị cần chấn chỉnh tình trạng các ngân hàng thương mại bán bảo hiểm nhân thọ”, ông Võ Minh chia sẻ thêm.

Để chấn chỉnh tình trạng các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP cho vay vốn theo kiểu “bán bia kèm lạc” này, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng vừa có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP về việc đề nghị báo cáo cụ thể số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà ngân hàng đã bán được để Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng tổng hợp và có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước cũng như với Hội sở của các chi nhánh thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng. “Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng đã thiết lập đường dây nóng: 0236.3810250, email: danang@sbv.gov.vn nhằm tiếp nhận các phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp và người dân đối với những trường hợp ngân hàng thương mại có dấu hiệu “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ hoặc sản phẩm, dịch vụ tài chính khác bất hợp lý khi vay vốn để có biện pháp xử lý”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết thêm.

PHÚ NAM