Châu Âu mạnh tay với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai

Thứ bảy, 31/10/2020 14:32

Châu Âu đang tái áp đặt biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn sóng Covid-19 thứ hai, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trở lại tại “lục địa già”. 

Một nhà hàng ở Paris ngày 29-10.   Ảnh: Reuters

Những ngày đen tối

Trong bài phát biểu trực tiếp ngày 28-10 (giờ Pháp), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận không thể ngồi im chờ miễn dịch cộng đồng bởi sẽ có 400 ngàn người chết tại nước này. "Con virus đó đang lây lan với tốc độ ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng không lường trước được", ông Macron cho biết.

Ông xác nhận nước Pháp sẽ trải qua đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai trong nỗ lực kiềm chế dịch Covid-19, vốn đang "nhấn chìm Pháp và các nước xung quanh". “Tất cả chúng ta đều ở cùng một tình thế: bị càn quét bởi làn sóng lây nhiễm thứ hai mà chúng ta biết là sẽ khó hơn, nguy hiểm hơn đợt thứ nhất. Tôi đã quyết định chúng ta cần quay lại áp đặt các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn nó".

Theo số liệu thống kê mới nhất, châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm dịch Covid-19 trên thế giới, với tỷ lệ mắc mới, tử vong và nhập viện cùng tăng kỷ lục trong vài ngày qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc Covid-19 tại 53 quốc gia khu vực Châu Âu, bao gồm cả Nga và một số nước Trung Á, đã vượt qua mốc 10 triệu ca trong ngày 29-10. Theo Reuters, "Đây quả thực là những ngày đen tối" đối với Châu Âu.

Pháp hôm 26-10 ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm Covid-19. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Đức đang rơi vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm sau khi nước này báo cáo 16.000 ca nhiễm mới ngày 29-10, mức tăng kỷ lục. Các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London ngày 29-10 cảnh báo rằng cách tiếp cận ba lớp hiện nay của chính phủ Anh trong chống dịch không có tác dụng. Họ thấy rằng số ca dương tính với Covid-19 ở vùng England gấp đôi cứ sau 9 ngày và cảnh báo cần áp dụng biện pháp mạnh tay hơn để giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Dựa theo phân tích gần 86.000 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, nhóm Đại học Hoàng gia London ước tính có 96.000 đang mắc Covid19 ở England mỗi ngày, cao hơn 5 lần con số chính thức hàng ngày.

Phong tỏa toàn quốc

Theo CNN, đêm 28-10, Đức và Pháp đều đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc mới trong 4 tuần. Trước đó, CH Czech và Ireland đã áp đặt hạn chế trên toàn quốc từ đầu tháng. Tây Ban Nha và Anh có thể là hai nước tiếp theo. Italia, quốc gia bùng phát dịch đầu tiên của Châu Âu, đang cân nhắc tái phong tỏa thành phố Milan và Napoli.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các biện pháp cục bộ áp đặt lên một số thành phố lớn như Paris trong vài tuần qua đã không còn hiệu quả và cần phải phong tỏa toàn quốc. Theo quy định mới, tất cả người dân được yêu cầu ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Người dân cũng được phép ra ngoài tập thể dục nhưng tối đa 1 tiếng mỗi ngày và phải giữ khoảng cách với người khác. Như đợt dịch đầu tiên hồi tháng 3, người dân sẽ cần giấy phép để ra ngoài. Các trường học vẫn sẽ mở, nhân viên vẫn đến chỗ làm nếu chủ doanh nghiệp tuyên bố các công việc này không thể làm từ xa. Cảnh sát sẽ chặn hỏi ngẫu nhiên bất kỳ ai đi trên đường và kiểm tra giấy được phép ra ngoài.

Tương tự như Pháp, trước đó, Đức đã phong tỏa khu vực ở các thành phố lớn như Frankfurt, Berlin và Stuttgart và một phần bang Bavaria nhưng không thể ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Do đó, Đức đã từ bỏ chiến lược phong tỏa các điểm nóng và áp dụng lệnh ở nhà trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 2-11. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết người dân Đức được khuyến cáo ở trong nhà, tránh đi lại và hạn chế tiếp xúc tới mức tối thiểu. Bà nói: “Sẽ chỉ cho phép giao tiếp xã hội giữa hai hộ gia đình ở nơi công cộng”. "Chúng ta phải hành động nhanh. Hệ thống y tế Đức có thể đối phó với đại dịch ngay bây giờ nhưng với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, nếu không làm gì, hệ thống y tế sẽ tới giới hạn cực đại trong vài tuần", bà Merkel cảnh báo.

Hy Lạp thông báo sẽ áp đặt phong tỏa cục bộ đối với thành phố Thessaloniki và hai khu vực khác của nước này kể từ ngày 30-10 sau khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại đây tăng đột biến.

Làn sóng phản đối

Dù quyết định của Pháp và Đức cho thấy hai nước thừa nhận rằng nỗ lực kiềm chế bùng phát dịch hiện nay đã không còn hiệu quả, nhưng một số quốc gia Châu Âu vẫn phản đối phong tỏa toàn quốc cho dù ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Chính phủ Anh tới nay vẫn từ chối phong tỏa toàn quốc lần nữa. Phát biểu trên Đài BBC ngày 29-10, một bộ trưởng cho rằng không phải là không thể tránh khỏi kịch bản phong tỏa toàn quốc và nói thêm rằng chính phủ chỉ muốn hành động ở nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất.

Italia, Đức, CH Czech và Anh đều xảy ra biểu tình, đôi khi là biểu tình bạo lực, trong những tuần gần đây. Các chính phủ châu Âu đã bị chỉ trích vì thiếu phối hợp và lơ là trong giai đoạn dịch tạm lắng vừa qua khiến các bệnh viện có nguy cơ bị quá tải một lần nữa. "Chính phủ đã lãng phí mùa hè và không chuẩn bị ứng phó với sóng lây nhiễm thứ hai, điều mà ai cũng biết sẽ tới. Bây giờ, họ lại sử dụng biện pháp phong tỏa y hệt trước đây", Antonio Bragato, chủ một nhà hàng ở Berlin, nói. "Nhưng nó không thể chấm dứt dịch bệnh".

Hiệp hội Chủ nhà hàng Đức Dehoga cho biết doanh thu từ tháng 3 đến tháng 8 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái và họ đang tính kiện chính phủ. 1/3 trong 245.000 cơ sở kinh doanh ẩm thực đang đối mặt nguy cơ đóng cửa. Các chủ quán bar ở Berlin hồi đầu tháng đã tiến hành vụ kiện phản đối chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa tất cả quán bar trong thành phố trước 23 giờ.

Cần thận trọng với “lựa chọn cuối cùng”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước Châu Âu nên coi biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm đối phó với làn sóng mới dịch bệnh Covid19 hiện nay là "giải pháp cuối cùng".

Trong thông báo đưa ra ngày 29-10 sau cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng y tế châu Âu, Giám đốc WHO tại Châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh biện pháp đóng cửa, đảm bảo giãn cách xã hội sẽ giúp kiềm chế được tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tạo điều kiện cho hệ thống y tế có quãng thời gian phục hồi. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời cảnh báo về những tác động tiêu cực của việc phong tỏa toàn quốc, đó là gia tăng tình trạng rối loạn trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Giám đốc WHO tại Châu Âu Hans Kluge nói: "Trước thực tế này, chúng tôi coi các biện pháp phong tỏa trên phạm vi cả nước là giải pháp cuối cùng vì chính các biện pháp này lại khiến việc thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả hiện nay không được chú trọng". Theo ông, với số ca mắc mới tăng theo hình xoắn ốc hiện nay, việc xét nghiệm không thể thực hiện với quy mô lớn. Do vậy, các nước cần đánh giá nên tập trung nguồn lực vào đâu và cân đối điều chỉnh việc xét nghiệm và truy vết để tất cả các biện pháp cùng đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất.

Phát biểu sau hội nghị trực tuyến với 27 nước thành viên EU, Chủ tịch EC Von der Layen đã kêu gọi giới chức các nước chia sẻ thông tin để kế hoạch trên được triển khai hiệu quả. Nhiều nhà lãnh đạo cũng cho rằng các nước không nên đóng cửa biên giới với nhau, mà nên phối hợp chia sẻ các kỹ thuật tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh cũng như chuẩn bị kế hoạch phân phối vaccine một cách hiệu quả nhất.

AN BÌNH

NGA SẴN SÀNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUÊ VACCINE NGỪA COVID-19 

Ngày 29-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng chuyển nhượng các quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 và sản xuất chúng tại các cơ sở của đối tác nước ngoài. 

Cho đến nay, Nga đã đăng ký hai loại vaccine ngừa Covid-19. Vaccine đầu tiên, Sputnik V, được đăng ký hồi tháng 8 do Viện nghiên cứu mang tên Gamaleya điều chế, và loại thứ hai - EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu Vector điều chế vào giữa tháng 10. Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư vốn VTB lần thứ 12 với tiêu đề “Nước Nga mời gọi”, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đảm bảo việc bán tài sản trí tuệ và sẵn sàng sản xuất các loại vaccine này tại cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài của chúng ta. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng ở Nga.

-----------

Mỹ lo ngại tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến 7 giờ ngày 30-10 (giờ Việt Nam), Mỹ, quốc gia đang chứng chịu đại dịch Covid-19 tái bùng phát kể từ trung tuần tháng 10, đã ghi nhận thêm 91.295 ca mắc mới chỉ trong 1 ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 8.940.000 người, cao nhất thế giới. 

Trước tình hình này, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cảnh báo nhiều bang tại Mỹ đang đối mặt với sự gia tăng mạnh số ca mắc mới Covid19, đồng thời thúc giục các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là miền Tây và Trung Tây nước Mỹ gồm các bang chiến địa vốn được coi có vai trò quyết định cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Theo bác sĩ Ashish Jha thuộc Đại học Brown, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng xấu tại Mỹ. Ít nhất 9 bang tại Mỹ gồm Indiana, Ohio, Maine, Minnesota, Illinois, North Dakota, North Carolina, Michigan và Oregon đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất trong ngày. Các chuyên gia y tế chỉ rõ việc người dân vẫn tiếp tục tham gia các sự kiện cộng đồng quy mô lớn, trong khi thời tiết chuyển lạnh cùng với tâm lý chủ quan nguyên nhân khiến virus SARSCoV-2 lây lan nhanh.