Chạy đua sơ tán công dân khỏi "chảo lửa" Sudan

Thứ tư, 26/04/2023 08:00
Ngày 25-4, các nước đang khẩn trương chạy đua với thời gian sơ tán hàng nghìn công dân nước mình khỏi thủ đô Khartoum - điểm nóng trong cuộc giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF).
Các công dân nước ngoài sơ tán khỏi Sudan ngày 23-4. Ảnh: AFP
Các công dân nước ngoài sơ tán khỏi Sudan ngày 23-4. Ảnh: AFP

Bạo lực bất ngờ bùng phát giữa SAF và RSF vào ngày 15-4 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến ít nhất 420 người thiệt mạng. Theo ước tính của LHQ, gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số của đất nước, đang cần viện trợ nhân đạo, trong đó có khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Cuộc giao tranh ở Sudan đã khiến hầu hết các bệnh viện phải đóng cửa; điện, nước bị cắt. Việc các nhân viên cứu trợ, trong đó có 3 người từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), bị sát hại đã khiến WFP phải tạm dừng hoạt động tại Sudan.

Cùng với hàng triệu người Sudan không được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu và bị mắc kẹt trong nhà, hàng nghìn nhà ngoại giao nước ngoài, nhân viên cứu trợ, sinh viên và gia đình của họ đã bị mắc kẹt trong vùng chiến sự từ tuần trước. Trước diễn biến phức tạp của cuộc giao tranh, chính phủ các nước đã khẩn trương triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi thủ đô Khartoum.

Theo AFP, ngày 25-4, Anh cho biết nước này đã tiến hành các chuyến bay sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Sudan. Hôm 23-4, Anh đã tiến hành chiến dịch sơ tán các nhà ngoại giao nước này, trong bối cảnh giao tranh đẫm máu nổ ra ở Khartoum. Theo Reuters, ngày 25-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hầu hết công dân nước này ở Sudan đã được sơ tán an toàn theo nhóm đến các cửa khẩu biên giới của các nước láng giềng. Trước đó, ngày 24-4, hai máy bay quân sự của Italy đã sơ tán 96 người ra khỏi Sudan. Ngày 23-4, quân đội Mỹ đã tiến hành sơ tán khoảng 100 nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum. Cuối tuần qua, trên 1.000 công dân của Liên minh châu Âu (EU) đã được sơ tán khỏi Sudan.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 24-4 cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể "nhấn chìm toàn bộ khu vực". Theo ông Alex De Waal - chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts (Mỹ), cuộc xung đột này mới chỉ là vòng khởi động của một cuộc nội chiến. "Nếu không nhanh chóng chấm dứt, cuộc xung đột sẽ trở thành một trò chơi đa cấp với một số chủ thể khu vực và quốc tế theo đuổi lợi ích riêng, huy động tiền, nguồn cung cấp vũ khí và có thể là quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm", chuyên gia Alex nhận định.

BẢO NGÂN