Cháy rừng kinh hoàng ở Mỹ

Thứ bảy, 11/01/2025 09:00

Trong những ngày qua, bang California (Mỹ) đã chứng kiến loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng lan rộng ở Los Angeles và các khu vực lân cận, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đền thờ và Trung tâm Do Thái Pasadena bị cháy trong vụ cháy Eaton (Pasadena, California). Ảnh: AFP
Đền thờ và Trung tâm Do Thái Pasadena bị cháy trong vụ cháy Eaton (Pasadena, California). Ảnh: AFP

Có ít nhất 4 vụ cháy rừng lớn đang hoành hành khắp Los Angeles, trong đó hai vụ cháy lớn nhất là ở Pacific Palisades và Eaton. Đám cháy Pacific Palisades giữa Santa Monica và Malibu ở sườn phía Tây của thành phố và đám cháy Eaton ở phía Đông gần Pasadena được liệt vào danh sách đám cháy tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử Los Angeles, thiêu rụi trên diện tích 13.750 ha, biến toàn bộ khu phố thành tro bụi. Khói đen, không khí khét lẹt bao trùm cả một vùng rộng lớn.

Tính đến tối 9-1, đám cháy ở Pacific Palisades đã thiêu rụi gần 20.000 mẫu Anh (khoảng 80 km2), phá hủy hơn 5.300 công trình, và gây thiệt hại ước tính lên đến 50 tỷ USD, trong đó 20 tỷ USD tổn thất được bảo hiểm. Vụ Eaton Fire, bùng phát tại Eaton Canyon, đã lan rộng trên diện tích hơn 10.600 mẫu Anh (hơn 42 km2) và khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Cảnh sát trưởng quận Los Angeles Robert Luna cho biết, tính đến tối 9-1, hai đám cháy Eaton và Palisades đã phá hủy khoảng 10.300 công trình. Theo ước tính của nhà dự báo tư nhân AccuWeather, thiệt hại và tổn thất kinh tế do thảm kịch này dao động từ 135 tỷ USD - 150 tỷ USD. Điều này đặt ra nhiều khó khăn cho công tác khắc phục sau thảm họa và chi phí bảo hiểm nhà ở tăng vọt.

Theo báo cáo, tính đến ngày 10-1, có ít nhất 10 người đã thiệt mạng, nhưng các quan chức cảnh báo rằng số người chết thực sự sẽ không rõ ràng cho đến khi các điều tra viên có thể tiếp cận các khu dân cư một cách an toàn. Hàng chục nghìn người đã được kêu gọi sơ tán kể từ khi các đám cháy bắt đầu.

Nỗ lực hỗ trợ

Thống đốc bang California Gavin Newsom đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và huy động 8.000 binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia đến hỗ trợ dập lửa, bảo đảm an ninh và ngăn chặn nạn hôi của. Lính cứu hỏa từ nhiều bang khác của Mỹ đang được điều động đến California, trong khi 250 đội cứu hỏa với 1.000 nhân sự đang được điều động từ Bắc California đến Nam California.

Theo báo cáo từ Sở Cảnh sát Los Angeles, đã có 20 người bị bắt do lợi dụng tình hình hỗn loạn để lấy trộm tài sản. Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden cam kết trong vòng 180 ngày tới, Chính phủ liên bang sẽ chi 100% kinh phí cho công tác dọn dẹp mảnh vỡ và vật liệu nguy hiểm, nơi lánh nạn tạm thời và tiền lương của các lực lượng tham gia ứng cứu đầu tiên.

Các lệnh giới nghiêm ban đầu được ban hành ở những khu vực nguy hiểm nhất và sau đó được mở rộng. Trường học và các sự kiện công cộng, bao gồm các trận thi đấu thể thao và buổi ghi hình chương trình truyền hình, đều bị hoãn hoặc hủy. Đồng thời, người dân được cảnh báo không sử dụng nước máy để uống hoặc nấu ăn ở những khu vực gần đám cháy do nguy cơ nhiễm bẩn.

Nguy cơ từ biến đổi khí hậu

California đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Khí hậu Địa Trung Hải của bang này vốn đã bị chi phối bởi những thái cực: mùa hè không có mưa và phần lớn lượng mưa rơi vào mùa đông. Do đó, ngay cả những thay đổi nhỏ trong mô hình thời tiết cũng có thể đẩy bang này vào các giai đoạn ngập lụt hoặc hạn hán khắc nghiệt.

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 9-1 trên tạp chí Nature, những dao động lớn từ khô sang ẩm rồi lại khô này (được gọi là "cú quật thời tiết") đang ngày càng trở nên phổ biến hơn khi Trái Đất nóng lên do ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch. Những dao động này cũng làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng và xác suất xảy ra các nguy cơ như cháy rừng và lũ quét.

Loạt cơn bão dữ dội mùa đông năm ngoái ở California đã khiến thảm thực vật phát triển mạnh, dẫn đến lượng thảm thực vật ước tính gấp đôi mức trung bình của khu vực. Chính thảm thực vật khô sau 8 tháng khô hạn này đã trở thành nguồn nhiên liệu cho các đám cháy đang diễn ra.

Thời tiết khô hanh và thảm thực vật dễ cháy dồi dào đã đủ để kích hoạt cháy rừng. Tuy nhiên, các đám cháy trong tuần này còn nghiêm trọng hơn do cơn bão gió Santa Ana mạnh bất thường. Đây là một yếu tố tàn phá bổ sung vào tình hình vốn đã nguy hiểm. Những ngọn lửa được gió mạnh tới 160 km/h tiếp sức, quét qua từng ngôi nhà, khiến lực lượng cứu hỏa không thể kiểm soát được các đám cháy lan nhanh.

Mưa mùa đông đến càng muộn thì bang California với khí hậu Địa Trung Hải càng dễ bị ảnh hưởng bởi cháy rừng cực đoan. Mùa cháy rừng ở California thường lên đến đỉnh điểm vào tháng 10, khi cỏ và bụi rậm đã bị hong khô trong mùa hè rồi gặp gió Santa Ana. Sau đó, cháy rừng sẽ giảm khi mưa mùa đông bắt đầu. Tuy nhiên, trận cháy rừng ở Los Angeles đang diễn ra là ví dụ mới nhất cho thấy Trái Đất nóng lên đã xóa bỏ khái niệm mùa cháy rừng.

Thống đốc California, ông Gavin Newsom, nói ngày 7-1: "Thời điểm này trong năm vốn không phải là mùa cháy rừng, nhưng giờ đây chúng ta phải từ bỏ mọi quan niệm rằng có một mùa nhất định. Giờ đây, cháy rừng kéo dài quanh năm ở bang California". Các nhà dự báo tại Trung tâm Liên ngành Quốc gia về Cháy rừng cảnh báo khu vực này sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ cháy lớn trên mức bình thường cho đến tháng 1. Những vụ cháy dữ dội sẽ vẫn có khả năng xảy ra cho đến khi thời tiết trở lại trạng thái ẩm ướt và California có được một mùa mưa đông nhiều mưa. Biến đổi khí hậu khiến thời điểm đó ngày càng khó dự đoán hơn.

AN BÌNH