Chiến công thầm lặng, nhiệm vụ vẻ vang
Càng gian khó, càng trưởng thành
Lớn mạnh, trưởng thành cùng lực lượng An ninh nội địa CAND, 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố qua các thời kỳ cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng An ninh nội địa Công an TP Đà Nẵng đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tựu âm thầm nhưng hết sức to lớn trên các lĩnh vực An ninh dân tộc, An ninh vùng đặc thù, An ninh nông thôn... cũng như phòng ngừa và đấu tranh với các hoạt động phản động, chống khủng bố, giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung đông người gây rối trật tự công cộng đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển KT-XH của địa phương.
Thượng tá Tán Kim Thủy - Trưởng phòng An ninh nội địa Công an TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng Bảo vệ Chính trị thuộc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được xây dựng từ giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được tôi luyện trưởng thành trong những năm chống Mỹ và ngày càng lớn mạnh cùng công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Năm 1981, lực lượng Bảo vệ Chính trị được tách ra thành các phòng nghiệp vụ, trong đó có Phòng Bảo vệ Chính trị III. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, phòng vừa tham mưu hướng dẫn, vừa trực tiếp chiến đấu và phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý, đấu tranh phòng chống phản động trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này, Phòng đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình là đấu tranh phá vụ án "Việt Nam dân tộc cách mạng đảng" do Nguyễn Văn Bảy cầm đầu, bắt gọn bọn chủ mưu cốt cán và truy bắt 268 tên khác, triệt phá 5 mật cứ, thu nhiều vũ khí, tài liệu, phương tiện hoạt động, ngăn chặn các âm mưu kịp thời, không để xảy ra các hoạt động phá rối, gây bạo loạn trên địa bàn tỉnh.
Vào giai đoạn 1980, trước tình hình hoạt động vượt biên trái phép ngày càng phức tạp, đơn vị chủ trì đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các kế hoạch toàn diện xây dựng thế trận an ninh nhân dân tuyến biển. Phòng đã tham mưu Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54/TV về công tác phòng chống vượt biên, Chỉ thị 59/TV về làm trong sạch tuyến biển và chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống toàn diện. Cùng với đó, tập trung củng cố 33 xã, phường, xây dựng 1.168 tổ an ninh nhân dân, 1.788 tổ, hộ an toàn kết hợp xây dựng mạng lưới cơ sở ở các địa bàn trọng điểm… Với mệnh lệnh được giao, từ năm 1981 - 1986, lực lượng đã phát hiện bắt 273 vụ vượt biển, trong đó có 71 vụ có tang tài vật, đặc biệt đã trực tiếp khám phá 39 vụ án lớn, bắt 467 đối tượng, thu giữ 79 lượng vàng cùng nhiều phương tiện, tài sản khác. Từ việc phân tích, đánh giá nguyên nhân vượt biên gia tăng, các đội nghiệp vụ đã tập trung điều tra khám phá 53 tổ chức, bắt gần 100 đối tượng cầm đầu chuyên câu móc, truy bắt hàng chục đối tượng khác đang lẩn trốn, góp phần giảm thiểu các vụ vượt biên. Từ 206 vụ năm 1981, đến năm 1986 chỉ còn 3 vụ và đến năm 1987 tình trạng vượt biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn toàn chấm dứt. Không dừng lại ở đây, năm 1989, qua khai thác số người vượt biên hồi hương, lực lượng làm rõ 53 đối tượng đã tham gia các tổ chức phản động do các thế lực thù địch lập nên và nuôi dưỡng, đấu tranh vô hiệu hóa nhiều đối tượng tham gia Tân dân chủ và Quốc dân đảng.
Thầm lặng sau cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân
Thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của ngành về công tác tôn giáo trong tình hình mới, xây dựng khối đoàn kết lương, giáo, Phòng An ninh nội địa kịp thời tham mưu cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương làm tốt công tác tôn giáo, giúp các tổ chức tôn giáo và bà con theo đạo hoạt động đúng pháp luật, vận động giáo dân và các chức sắc tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo", "kính chúa, yêu nước". Trong công tác đấu tranh phòng, chống các đối tượng, hành vi lợi dụng tôn giáo, đơn vị đã vận dụng phương châm "bình tĩnh, kiên trì vận động và thuyết phục"; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo đều đầy đủ chứng cứ, tài liệu, đúng người, đúng tội được sự đồng tình, ủng hộ của đa số quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo.
Kể từ ngày 1-1-1997, đơn vị được tách ra thành 2 phòng hoạt động theo đơn vị hành chính riêng thuộc Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Quảng Nam, sau đó đổi tên thành Phòng Bảo vệ Chính trị IV. Thời gian này, tình hình trong nước và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, bọn phản động và các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước. Phòng Bảo vệ Chính trị IV đã chủ động phối hợp các ngành liên quan tham mưu chính quyền các cấp và Giám đốc Công an TP giải quyết các vấn đề từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, kéo dài. Đặc biệt, đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, ngăn chặn có hiệu quả ý đồ, hoạt động của số đối tượng xấu có ý đồ phục hồi "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất", chặn đứng hoạt động nhằm gây rối an ninh của số cực đoan lợi dụng tôn giáo, hoạt động của các tà đạo Pháp luân công, Thanh Hải vô thượng sư...
Năm 2004, Phòng Bảo vệ Chính trị IV được Bộ Công an đổi tên thành Phòng An ninh xã hội, năm 2015 đổi thành Phòng Chống phản động và chống khủng bố, năm 2018 một lần nữa được đổi tên thành Phòng An ninh nội địa. Ngày 3-3-2023, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lấy ngày 18-4 làm ngày truyền thống của lực lượng An ninh nội địa. Dù mỗi thời kỳ có một tên gọi khác nhau nhưng tính chất nhiệm vụ của đơn vị vẫn không thay đổi. Biên chế không nhiều, vừa chiến đấu, công tác, tập thể đơn vị luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung đẩy mạnh việc học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Từ lãnh đạo đến cán bộ chiến sĩ đều trên dưới một lòng nêu cao ý chí và hành động, tinh thần trách nhiệm trước công việc, mạnh dạn, sáng tạo, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những chiến công âm thầm nhưng đặc biệt quan trọng, tập thể đơn vị và nhiều cá nhân đã được các ngành, các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Sau khi được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 1985, hạng Ba năm 1994, ngày 3-8-1995, Phòng Bảo vệ Chính trị III - Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vinh dự được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND. Chủ tịch nước cũng đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Thiếu tướng Vũ Minh Sơn - Nguyên Trưởng phòng, Thượng tá Trần Công Dũng - Nguyên cán bộ Phòng. Cùng với đó, nhiều cá nhân khác được tặng Huân, Huy chương, Bằng khen của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, Giấy khen của Giám đốc Công an TP.
"Những thành tích, danh hiệu đạt được xuất phát từ sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an TP, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài ngành. Trong bối cảnh mới, cán bộ chiến sĩ đơn vị nêu gương truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Phần thưởng cao quý nhất chính là cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân", Thượng tá Tán Kim Thủy khẳng định.
Đông A