Chiến sự Israel- Hamas: OCHA đề xuất kế hoạch kiềm chế thảm họa nhân đạo tại Gaza

Thứ bảy, 18/11/2023 09:21
Ngày 16-11, Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã công bố kế hoạch gồm 10 điểm nhằm kiềm chế tình trạng đổ máu và tránh một thảm họa nhân đạo tại Gaza.
Bệnh nhân và dân thường tại Bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza ngày 10-11. Ảnh: AFP
Bệnh nhân và dân thường tại Bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza ngày 10-11. Ảnh: AFP

Tình trạng đổ máu đã lên tới mức độ kinh hoàng

Giám đốc OCHA Martin Griffiths đã công bố kế hoạch 10 điểm nói trên, trong đó tập trung vào việc mở rộng các hoạt động cứu trợ ở Gaza, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và trả tự do cho các con tin bị bắt giữ. Phát biểu với báo giới, ông Griffiths cho biết "tình trạng đổ máu tại Gaza đã lên tới mức độ kinh hoàng mới mỗi ngày, thế giới tiếp tục bàng hoàng trước tình trạng các bệnh viện bị tấn công, trẻ sơ sinh thiệt mạng và toàn thể người dân khu vực này bị tước đoạt các phương tiện sinh tồn cơ bản. Điều này không thể được phép tiếp diễn". Người đứng đầu OCHA nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm một hành lang an toàn cho đoàn xe cứu trợ vào Gaza.

Sáng kiến 10 điểm của OCHA cũng đề xuất mở thêm các cửa khẩu vào Gaza, bên cạnh cửa khẩu Rafah từ Ai Cập và cho phép các nhà thầu tư nhân tham gia kế hoạch này. Ông Griffiths lưu ý việc cần bảo đảm nguồn tài chính cho kế hoạch cứu trợ nhân đạo của LHQ và số tiền này lên tới 1,2 tỷ USD.

Trước đó, ngày 15-11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tạm thời ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo tại Dải Gaza. Đây là nghị quyết đầu tiên của HĐBA LHQ kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát giữa Israel và lực lượng Hamas ngày 7-10. Nghị quyết do Malta bảo trợ nói trên được thông qua với 12 phiếu thuận, 3 phiếu trắng (Nga, Anh, Mỹ) và không có phiếu chống.

Bất chấp nghị quyết của HĐBA LHQ đưa ra về việc kêu gọi tạm thời ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo tại Dải Gaza, các vụ giao tranh giữa Israel và Hamas vẫn diễn ra hàng giờ. Thủ tướng Israel Netanyahu hôm qua đã phải lên tiếng thừa nhận, những nỗ lực để giảm thiểu thương vong cho dân thường ở Gaza trong chiến dịch quân sự của nước này đã không thành công. Các nhà chức trách y tế ở Gaza cho biết, hơn 1 tháng qua, ít nhất 11.500 người được xác nhận đã thiệt mạng trong các cuộc ném bom và tấn công trên bộ của Israel, trong đó hơn 4.700 trẻ em. 2/3 dân số Gaza trong số 2,3 triệu người đã không còn nhà cửa do chiến tranh.

Đứng trên lập trường là đồng minh của Israel, song Mỹ cũng lên tiếng yêu cầu Israel cần có các biện pháp bảo vệ dân thường khi nước này muốn mở rộng các hoạt động quân sự ở Dải Gaza. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: "Chúng tôi đang tích cực đối thoại với chính phủ Israel về việc đảm bảo an toàn cho dân thường. Khi Israel xem xét tiếp tục mở rộng các hoạt động quân sự hoặc các hoạt động trên bộ theo những cách khác và ở các khu vực khác của Gaza, họ cần đảm bảo rằng thường dân được an toàn, rằng ở đó là những khu nhân đạo dành cho người dân, có sự bảo vệ, có những điểm tạm dừng để dân thường có thể thoát khỏi nguy hiểm và có thể nhận hỗ trợ nhân đạo và cuối cùng là có những nơi mà họ không bị tổn hại".

Trong một diễn biến khác cùng ngày 16-11, Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Volker Turk nhấn mạnh các bên liên quan xung đột Hamas-Israel có trách nhiệm giải trình về các cuộc giao tranh đang diễn ra tại Dải Gaza. Ông Turk cho biết: "Những cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế một cách nghiêm trọng và dưới nhiều hình thức cần được điều tra nghiêm ngặt và dù ai vi phạm cũng đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn". Trước đó, trong chuyến thăm Trung Đông hồi tuần trước, ông Turk đã cảnh báo rằng các bên trong cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng hiện nay có thể đang "phạm tội ác chiến tranh". Tại một cuộc họp ngắn với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-11, ông Turk kêu gọi "cần tiến hành một cuộc điều tra quốc tế" về các cáo buộc trên.

Cao ủy LHQ bày tỏ quan ngại về "sự gia tăng bạo lực và sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem". Ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời nhấn mạnh rằng "sự chiếm đóng của Israel phải chấm dứt". Theo Cao ủy Liên hợp quốc, "tự do của Israel gắn bó chặt chẽ với tự do của người Palestine. Người Palestine và Israel là hy vọng hòa bình duy nhất của nhau".

Israel yêu cầu người dân ở phía Nam Dải Gaza sơ tán

Từ đêm 15-11 đến rạng sáng 16-11, quân đội Israel điều máy bay thả tờ rơi xuống khu vực phía Nam Dải Gaza, trong đó phát đi thông báo yêu cầu người dân cần đi sơ tán đến những nơi trú ẩn an toàn. Lời kêu gọi sơ tán được cho là để chuẩn bị tiến hành các hoạt động quân sự tại khu vực.

Trước đó, Israel cũng đã từng thả tờ rơi ở miền Bắc Dải Gaza để yêu cầu người dân đi sơ tán về phía Nam. Palestine lo ngại những hoạt động sơ tán quy mô lớn sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Ngày 16-11, quân đội Israel cho biết đã nắm quyền kiểm soát hoạt động của cảng Gaza, gần thành phố Gaza. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng ở Dải Gaza. Phong trào Hồi giáo Hamas trước đó kiểm soát cảng này.

AN BÌNH