Chiến thuật “Chiến tranh Lạnh”

Thứ tư, 30/04/2014 13:43

(Cadn.com.vn) - Moscow tố cáo Washington ra đòn “Chiến tranh Lạnh” khi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức và cty lớn của Nga.

Nhằm gia tăng áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nhà Trắng ngày 29-4 áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các đồng minh của ông chủ Điện Kremlin, động thái khiến Moscow tố cáo là chiến thuật “Chiến tranh Lạnh”.

Người biểu tình ủng hộ Nga đụng độ với phe ủng hộ Ukraine tại Donetsk. Ảnh: Reuters

“Washington đang muốn hồi sinh các chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói đồng thời mô tả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là bất hợp pháp, thiếu văn minh và vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Ryabkov cũng cáo buộc Mỹ đang tìm cách khôi phục chính sách “Bức màn sắt”, cho rằng quyết định trừng phạt mới nhất của Washington liên quan tới Ukraine sẽ giáng đòn mạnh vào ngành công nghệ cao của Moscow. “Điều này là sự trở lại của một hệ thống được tạo ra năm 1949 khi các nước phương Tây về cơ bản đã hạ “Bức màn sắt” bằng cách cắt các nguồn cung về hàng hóa công nghệ cao xuất cho Liên Xô và các nước khác”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Thật sự, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm mục đích “bẻ gãy” những nhân vật trong vòng tròn của ông Putin và các Cty công nghệ cao của Nga. Washington bác bỏ giấy phép xuất khẩu cho bất kỳ mục công nghệ cao nào có thể đóng góp vào khả năng quân sự của Nga và thu hồi các loại giấy phép xuất khẩu hiện có đáp ứng những điều kiện này.

Việc cấm thị thực và đóng băng tài sản những người thân cận của ông Putin như Igor Sechin, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft, cũng “hút lửa” từ các nhà phê bình trong nước vốn gọi đó là “cái tát trên cổ tay”. Ngoài ông Sechin, lệnh trừng phạt còn  xướng tên Sergei Chemezov, người đứng đầu Rostec  - Cty công nghệ cao của nhà nước Nga. Những người khác là Oleg Belavencev, phái viên của tổng thống Putin về Crimea... Tuy nhiên, điều bất ngờ là danh sách lần này không có người đứng đầu Gazprom Alexei Miller.

Trong một quyết định bị Moscow chỉ trích là “theo đuôi Mỹ”, Liên minh Châu Âu (EU) cũng áp đặt lệnh mới, phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với 15 quan chức Nga, trong đó có Phó Thủ tướng Dmitry Kozak; Phó Chủ tịch Hạ viện Ludmila Shvetsova và Tham mưu Trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov...

Tuy nhiên, vòng trừng phạt mới của Mỹ cũng như EU hầu như không đả động gì đến tình hình ở miền đông Ukraine, nơi chính quyền Kiev đang mở các chiến dịch quân sự quy mô lớn trấn áp lực lượng ly khai ủng hộ Moscow. Tại điểm nóng này, phe ly khai mở rộng mạng lưới bằng cách chiếm giữ các công sở chính quyền quan trọng ở một thị trấn khác thuộc Donetsk - thủ phủ miền đông Ukraine. Các nhà hoạt động ủng hộ Nga đã đụng độ với nhóm người ủng hộ Kiev.

Việc Thị trưởng Kharkiv bị thương nặng do trúng đạn, phơi bày những lỗ hổng về an ninh khi tình trạng bất ổn tiếp tục gia tăng tại khu vực nói tiếng Nga này. Trong cuộc điện đàm kéo dài hàng giờ với ông chủ Lầu Năm Góc Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lo ngại về sự gia tăng “chưa từng có” các hoạt động của Mỹ và NATO gần biên giới của Nga và kêu gọi ông Hagel giúp hạ nhiệt ở miền đông Ukraine.

Bản thân ông Obama đang chịu áp lực từ đảng Cộng hòa đối lập trong việc đẩy nhanh và mạnh hơn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhưng trong những gì được mô tả là “bước hiệu chỉnh”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, cần phải xem xét mối quan hệ với các nước Châu Âu (vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ Nga) trong đó việc trừng phạt kinh tế là một quyết định phức tạp.

Nhưng xét cho cùng, các biện pháp trừng phạt từ Washington vẫn không thể khiến Moscow lung lay mà chỉ càng đẩy cuộc khủng hoảng vào ngõ cụt mà thôi.       

Khả Anh