Chiêu thức cũ và nạn nhân mới

Thứ tư, 27/07/2022 20:45
Câu chuyện bị lừa đảo qua mạng xã hội thời gian gần đây dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn còn không ít người cả tin tiếp tục “sập bẫy”, để rồi lâm vào cảnh mất tiền oan uổng. Một vài câu chuyện dưới đây sẽ minh chứng thêm điều này.
Người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh minh họa.
Người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Anh Đàm M.T., (1997, trú P. Tân Chính, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận tin nhắn từ Facebook có tên “Đầu tư 24h” với nội dung mời gọi đầu tư và hướng dẫn anh tải ứng dụng “TELEGRAM” về điện thoại. Sau khi tải và đăng ký tài khoản trên Telegram thì có tài khoản tư vấn viên “Thảo Phương Star-Linght” vào hướng dẫn anh T. mua hàng để làm nhiệm vụ. 2 ngày sau, tư vấn trên yêu cầu anh tạo đơn hàng và thanh toán tiền qua tài khoản Ngân hàng Viettinbank, chủ tài khoản tên “MAI MINH VƯƠNG”, số tài khoản 106874…

Anh T. đồng ý chuyển tiền vào tài khoản trên tổng cộng 7 lần với tổng số tiền hơn 82,2 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền thì tư vấn viên “Thảo Phương” nói rằng anh chuyển tiền sai cú pháp nên bị đóng băng tài khoản, nếu muốn mở lại phải thanh toán 20 triệu đồng. Do anh T. hết khả năng thanh toán nên yêu cầu tư vấn viên hoàn trả số tiền gốc mình đã chuyển nhưng không được đồng ý. Anh T. liên hệ với tư vấn viên trên qua số điện thoại 028999... nhưng không ai nghe máy mới biết mình bị lừa.

Tương tự, chị Lưu T.M. (1986, trú đường Nguyễn Văn Huề, TP Đà Nẵng) trong vòng 4 ngày sử dụng ĐTDĐ đăng nhập vào website: dragonon.cn do một người bạn quen trên Zalo gửi đến với tên Hồng Gấm info: @ honggam1327. Sau khi tạo tài khoản Telegram thì chị M. được Hồng Gấm giới thiệu trao đổi với trợ lý Hạ Vy (có tài khoản Telegram Havy192 và số điện thoại +639277...). Hạ Vy giới thiệu cách kiếm tiền trên website và giới thiệu 1 người hướng dẫn cách chơi, tên là Duy Khoa có tài khoản là Phamduykhoad6868 và 1 đường link vào nhóm 3 người cùng chơi gồm: Hùng Taxi, Ngọc Lan, Nguyen Thi Hong.

Lúc đầu “Hạ Vy”, “Hồng Gấm” hướng dẫn chị M. đóng 100.000 đồng vào tài khoản Nguyen Van Duc, STK 10000802… của Ngân hàng NCB Bank sau 15 phút chị M., thu về 150.000 đồng. Sau đó, chị M. đóng 500.000 đồng thì thu về 599.000 đồng. Tiếp tục, chị M. đóng 3 triệu đồng và thực hiện theo lệnh nhưng sai và chỉ được thu về 178.000 đồng. Chị M. thấy những người còn lại trong nhóm đều nhận được 5.578.000 đồng. Thấy kiếm tiền dễ nên chị M. đã đóng tổng cộng 1.128.233.000 đồng vào các tài khoản khác nhau nhưng không thu về được tiền đã đóng. Đến lúc đó, chị M. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan Công an trình báo.

Còn chị Nguyễn Thị T.D (1989, ở trên đường Điện Biên Phủ, TP Đà Nẵng) thì cho biết, chị đang ở nhà lướt Facebook thì thấy trang tin trên page “việc làm nhanh 5.0” nên nhắn tin hỏi việc. Sau đó, chị được 1 người tự xưng là chuyên viên tư vấn làm việc online nick facebook tên “Tăng Thùy Linh” nói chị D., sẽ trở thành cộng tác viên của trang bán hàng shopee chuyên quảng cáo các mặt hàng điện thoại, giày dép, xe máy và được đưa vào nhóm chat trên mạng xã hội “telegram”. Chị D. đã chuyển nhiều lần với số tiền 676 triệu đồng vào STK 10710049… tại ngân hàng ABbank, chủ tài khoản Nguyễn Thanh Lam. Sau đó, các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 212 triệu đồng. Bán tín bán nghi, chị đi hỏi một số bạn thân thì biết mình đã bị lừa nên đã đến cơ quan Công an để trình báo. Đó chỉ là ba trong số rất nhiều cuộc lừa đảo qua mạng xã hội mà nạn nhân đều là những người ít hiểu biết. Một số chuyên gia trên lĩnh vực này đã đưa ra những khuyến cáo, để không mắc bẫy lừa đảo từ các đối tượng xấu, mọi người cần cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

Ngoài ra, mọi người không nên truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ. Đặc biệt, các giấy tờ như Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp…, tuyệt đối không được cho mượn hay mua bán. Khi có người lạ gọi đến, bạn cần giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin về tài khoản ngân hàng... Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế công khai ngày sinh, số Căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.

Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề. Không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

LÊ PHƯƠNG