Chính quyền đô thị ở Đà Nẵng sẽ rất khác biệt

Thứ bảy, 04/01/2020 08:00

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị cho Đà Nẵng cơ chế đặc thù được triển khai Chính quyền đô thị (CQĐT). Do đặc điểm đô thị khác với TPHCM, Hà Nội nên mô hình CQĐT của Đà Nẵng cũng khác biệt.

Tại hội thảo lấy ý kiến đại biểu và chuyên gia về mô hình CQĐT Đà Nẵng hôm 3-1, nhiều quan điểm tán thành với phương án không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận huyện, phường xã (QHPX) ở Đà Nẵng.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội thảo lấy ý kiến về mô hình Chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.

Chiếc áo chật

Mô hình chính quyền địa phương hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế về phân nhiệm phân quyền, cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động. Với sự phát triển của Đà Nẵng, mô hình này chưa tự chủ, thiếu linh hoạt để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra với đô thị. Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc phân cấp giữa trung ương và TP, giữa các cấp chính quyền trong TP ở một số lĩnh vực chưa rõ ràng, chưa tạo sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn,  vì thế không thể chủ động quyết định các vấn đề cho phát triển. Chưa kể Đà Nẵng có tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực về hạ tầng giao thông, môi trường, an ninh trật tự đòi hỏi một cơ chế chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp hơn. Từ thực tế đó, Bộ Chính trị đã cho Đà Nẵng cơ chế đặc thù, có thể xây dựng, triển khai CQĐT để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của TP trong giai đoạn tới.

Theo mô hình CQĐT mà Đà Nẵng đề xuất thì phương án không tổ chức HĐND cấp QHPX, đồng thời tăng quyền hạn, nhiệm vụ cho Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch các QHPX được nhiều ý kiến tán thành. Bởi lẽ, phương án này vừa đảm bảo tính pháp lý vừa có tính thực tiễn cao. Ông Chinh nói, Đà Nẵng từng thí điểm có kết quả tốt mô hình CQĐT không có HĐND cấp QHPX trong giai đoạn 2009-2016. Qua khảo sát, 84% người dân được hỏi đồng ý không tổ chức HĐND các cấp QHPX, 68% cho rằng không ảnh hưởng đến đảm bảo quyền đại diện và quyền làm chủ của dân vì đã có các kênh giám sát khác. Ngoài ra, với điểm riêng biệt của Đà Nẵng là quy mô chỉ hơn 1,1 triệu người, trong đó gần 1 triệu dân đô thị. Đô thị Đà Nẵng nhỏ gọn, hiện đã lên phường hết, chỉ còn 11 xã, tuy vậy các xã này cũng có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, xóa nhòa ranh giới với các phường. Nhiều xã hiện nằm trong qui hoạch các khu đô thị, khu công nghệ cao, công nghiệp. Do đó, để đồng bộ, thống nhất trong cách thức quản lý tổng thể đô thị Đà Nẵng, tại các xã này đề xuất áp dụng tương đương như tại phường trong CQĐT.

Hoạt động tiếp dân tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng.   Ảnh: CÔNG KHANH

Tinh gọn và nâng chất lượng cán bộ

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình CQĐT theo phương án này phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị có phạm vi nhỏ gọn, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin truyền thông phát triển rộng khắp như Đà Nẵng. Nếu được triển khai sẽ tạo hiệu lực, hiệu quả thông suốt trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM cho rằng, mô hình CQĐT Đà Nẵng đề xuất đảm bảo tính pháp lý (Luật cho phép), lại không mất đi quyền làm chủ của dân (vì vẫn còn HĐND TP, Đoàn đại biểu quốc hội). Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng, khi triển khai mô hình CQĐT này thì cần thiết lập thêm các kênh để người dân ở QHPX tiếp cận đại biểu HĐND TP do họ bầu. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc Hội nói rằng, vấn đề không nên sa đà vào chỗ bỏ hay không bỏ HĐND cấp QHPX, mà quan trọng là cơ chế giám sát, kiểm soát chính quyền cấp QHPX thế nào nếu không có HĐND. Do đó, cơ chế này phải làm rõ, việc kiểm soát sẽ thông qua cơ quan nào, HĐND TP hay Ủy ban Mặt trận tổ quốc, hay tòa án…Ngoài ra, khi không có HĐND cấp xã phường thì công chức xã phường do Chủ tịch quận huyện bổ nhiệm, điều này cũng trái luật vì không thể đánh đồng công chức cấp xã phường với cấp quận huyện được.

Theo tính toán của Đà Nẵng, nếu xây dựng CQĐT như phương án trên sẽ giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 43 tỷ đồng, tương ứng với 250 đại biểu quận huyện và hơn 1500 đại biểu phường xã. Tuy nhiên, hiệu quả lớn hơn chính là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.  Ông Chinh nói, việc triển khai mô hình CQĐT gắn với xây dựng TP thông minh, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh mẽ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, kinh phí. Chưa kể, mô hình CQĐT sẽ làm tăng đầu tư xã hội, tăng GRDP, tăng thu nhập bình quân đầu người…

Sau hội thảo này, các ý kiến của chuyên gia sẽ được Đà Nẵng tổng hợp, hoàn thiện vào đề án CQĐT để tháng 1-2020 báo cáo Chính phủ, tháng 3 hoặc 4 -2020 báo cáo Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.

HẢI QUỲNH

TĂNG THẨM QUYỀN CHO ĐÀ NẴNG

Gắn liền với mô hình CQĐT này là các chính sách đặc thù về phân cấp, phân quyền để thực hiện. Đà Nẵng kiến nghị Trung ương tăng thẩm quyền để tự quyết các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính -ngân sách, quản lý qui hoạch, đất đai, kết cấu hạ tầng đô thị, bộ máy nhân sự… Cụ thể, tăng thẩm quyền điều chỉnh qui hoạch TP, tăng quyền huy động vốn đầu tư phát triển, tăng quyền quản lý tài chính-ngân sách, tăng quyền liên quan tới phí, lệ phí và thuế. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, các kiến nghị này được chấp nhận sẽ tạo nguồn lực mới để TP tăng trưởng cao hơn đáng kể, đóng góp nhiều và bền vững hơn với cả nước cũng như khu vực miền Trung.