Chờ du lịch "phá băng" bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam

Thứ năm, 04/11/2021 17:23

Thị trường Bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam đang sôi động thì "đóng băng" gần 2 năm qua do chịu tác động kép của chu kỳ đi xuống và đại dịch COVID-19. Dư địa để phát triển còn rất lớn, nhưng đến bao giờ bất động sản (BĐS) trong khu vực này mới bùng nổ trở lại?

Đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ về sự trỗi dậy của thị trường BĐS Đà Nẵng, Quảng Nam tại hội thảo trực tuyến do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức hôm 3-11.

Hội An chuẩn bị nhiều hoạt động phục vụ du lịch

Từ ngày 15-11, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) dự kiến sẽ mở lại hoạt động hướng dẫn tham quan để phục vụ người dân và du khách.  Theo đó, Hội An sẽ giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ và các làng nghề truyền thống, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, sự kiện, lễ hội hấp dẫn trên địa bàn. Cụ thể, sẽ tổ chức khai mạc phòng trưng bày về di tích Nhà lao Hội An, khánh thành và đón bằng công nhận di tích cấp tỉnh đình Hội An; trình diễn "Trang phục Hội An - Ký ức thời gian", giao lưu nghệ thuật hô hát Bài Chòi "Khán giả và anh hiệu, chị hiệu", giải chạy việt dã truyền thống "Vì Di sản văn hóa thế giới Hội An; tọa đàm "Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An", hội thảo khoa học "Định hướng phát triển thành phố Hội An trong giai đoạn mới"… Các hoạt động này sẽ góp phần vào việc phục vụ du lịch và tiếp tục quảng bá Hội An đến thị trường trong nước và quốc tế.

THẢO NGUYÊN

Đang hồi phục

Ông Nguyễn Hoàng- Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết, trong suốt 5 năm qua, thị trường BĐS miền Trung với các phân khúc đất nền phân lô và BĐS nghỉ dưỡng với condotel là chủ đạo. Những phân khúc khác như căn hộ, nhà phố/biệt thự tại thị trường Đà Nẵng nguồn cung khá khiêm tốn, số lượng dự án đưa ra thị trường không nhiều, sức cầu chung toàn thị trường ở mức trung bình. Trong 9 tháng năm 2021, dù chịu ảnh hưởng kép từ đà suy giảm cuối năm 2020 và dịch bệnh COVID-19, diễn biến thị trường BĐS Đà Nẵng và Quảng Nam tuy có khởi sắc nhẹ ở một số phân khúc nhưng nhìn chung vẫn ở trong giai đoạn trầm lắng. Thậm chí, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng gần như chững lại.

Cụ thể, phân khúc đất nền trong 9 tháng năm 2021 toàn thị trường Đà Nẵng chỉ có 1 dự án mở bán thuộc giai đoạn tiếp, cung cấp ra thị trường khoảng 218 nền, bằng 119% so với cùng kỳ; ở Quảng Nam có 3 dự án mới và 6 dự án giai đoạn chuyển tiếp, cung cấp ra thị trường khoảng 867 nền, bằng 181% so với cùng kỳ (480 nền), tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 61% (532 nền). Về thị trường Condotel, từ đầu năm 2021 đến tháng 9, Đà Nẵng không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. Thị trường condotel tại Đà Nẵng có thể nói hiện vẫn như ngủ đông kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mà trước đó vào năm 2019 thị trường bị một cú sốc phá vỡ cam kết lợi nhuận của một dự án tên tuổi.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, từ cuối năm 2019 thị trường BĐS bước vào chu kỳ suy giảm lại đúng lúc đại dịch COVID- 19 diễn ra, dẫn tới "tác động kép", ảnh hưởng nặng nề. BĐS tại Đà Nẵng liên tục sụt giảm, trung bình khoảng 50%, nhất là khu vực vùng ven TP. Trong khi đó, do phải giãn cách chống dịch, nhiều công trình, dự án không thể triển khai, nguồn cung hạn chế, khách không tới xem BĐS được, các doanh nghiệp môi giới khó khăn, 80% phải tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, xây dựng và bị điều chỉnh bởi nhiều qui định dẫn tới khó khăn càng thêm chồng chất.

Theo ông Hà, hiện thị trường BĐS Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi, tuy giá chưa tăng nhưng có giao dịch thanh khoản ở mức trung bình. Trong điều kiện bình thường mới, để phục hồi thị trường BĐS, ông Hà cho rằng cần hỗ trợ DN BĐS về thủ tục đầu tư, xây dựng, cũng như có gói kích thích kinh tế dành cho BĐS. Phải xem thị trường BĐS phục hồi chính là động lực quan trọng phục hồi kinh tế, vì nó tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, như vật liệu xây dựng, nội thất, giải quyết việc làm… "Cần khôi phục sớm các đường bay, mở cửa du lịch trở lại, đồng thời phát triển mạnh hơn sản phẩm BĐS tầm trung, dành cho những người thu nhập trung bình. Hiện các dự án căn hộ ở Đà Nẵng đều có mức giá trên dưới 100 triệu đồng/m2, thấp nhất cũng 60-70 triệu đồng, dưới 30 triệu đồng/m2 thì rất hiếm. Mức giá như vậy, người có nhu cầu nhà ở rất khó tiếp cận", ông Hà chia sẻ.

Theo ông Trần Ngọc Thái- Phó Tổng giám đốc Đất Xanh miền Trung, từ đầu năm đến nay giá BĐS liên tục giảm nhưng hiện nay giá đi ngang, thị trường phục hồi nhẹ. Trong thời gian sau dịch, triển vọng phát triển BĐS Đà Nẵng, Quảng Nam rất lớn. Bởi lẽ, các địa phương này đều có những cam kết tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chiến lược. Kinh tế Đà Nẵng những năm gần đây cũng định hướng phát triển bền vững hơn, đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp, công nghệ cao thay vì trú trọng du lịch, dịch vụ như trước. Đặc biệt, ông Thái cho rằng, dù đại dịch thì giá BĐS ở 2 đầu đất nước vẫn tăng, trong khi ở Đà Nẵng lại "vùng trũng", lý do vì du lịch chịu tác động tiêu cực của đại dịch, kéo theo BĐS ảnh hưởng. Từ đó có thể thấy, dư địa về giá BĐS ở Đà Nẵng còn rất lớn.

Trung bình giá BĐS vùng ven Đà Nẵng đã giảm khoảng 50% từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu đến nay. 

Cần đa dạng về sản phẩm

Nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu căn hộ ở Đà Nẵng rất lớn, tuy nhiên mức giá quá cao, tầng lớp thu nhập trung bình không thể tiếp cận. Do đó, Đà Nẵng cần phát triển phân khúc nhà ở tầm trung. Ông Nguyễn Mạnh Khởi- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Đà Nẵng đang có 11 khu du lịch nghỉ dưỡng đang đầu tư xây dựng, với khoảng 18.000 căn hộ condotel. Ngoài ra, từ nay tới năm 2030 Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển 21 triệu m2 nhà ở, con số rất lớn. Trong đó, phân khúc nhà ở tầm trung được chú trọng, vì đây là phân khúc Đà Nẵng đang rất thiếu. Cũng theo ông Khởi, Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa Luật kinh doanh BĐS để cập nhật được các hình thái, mô hình BĐS của quốc tế. Sửa đổi qui định trong hoạt động môi giới để lành mạnh hóa thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển BĐS.

BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng là phân khúc sản phẩm được cho là triển vọng với Đà Nẵng, Quảng Nam thời hậu COVID- 19. Bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh- Tổng giám đốc khối Sun Property Group nhận định, hiện BĐS nghỉ dưỡng đang đóng băng, nhưng từ năm 2022 sẽ là giai đoạn phát triển mới. Nhưng Đà Nẵng ngoài BĐS nghỉ dưỡng còn 1 tiềm lực rất lớn nữa là chất lượng cuộc sống đang ngày càng tăng cao. Mức chi tiêu của Đà Nẵng qua khảo sát cao hơn TP HCM, tương đương Hà Nội. Tại Tại Đà Nẵng có đầy đủ yếu tố mang lại chất lượng cuộc sống tốt như môi trường, giao thông, hạ tầng xã hội…

"Sau dịch người dân mong tới những nơi trú ẩn an toàn và Đà Nẵng có thể bắt nhịp được môi trường sống xanh, tiện nghi. TP này hoàn toàn có thể thu hút được các chuyên gia nước ngoài tới sống, vì thế cần những khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu để đáp ứng nhu cầu này", bà Linh chia sẻ. Bà Linh cho rằng, triển vọng phát triển BĐS nghỉ dưỡng sau đại dịch rất lớn với Đà Nẵng do vậy TP cần có chính sách mở cửa du lịch để làm tiền đề phá băng BĐS. Ngoài ra, bà Linh cũng kiến nghị có chính sách để cá nhân người nước ngoài được sử dụng đất nhằm thu hút chuyên gia nước ngoài.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, Đà Nẵng có 2 tiêu chí cho sự phát triển BĐS du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới gồm: Nghị quyết 43 định hướng phát triển du lịch chất lượng cao gắn với BĐS và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng, trong đó quỹ đất dành cho phát triển du lịch cũng như BĐS du lịch là hơn 1.000 ha. Cũng theo ông Bình, du lịch và BĐS quan hệ mật thiết, sắp tới Đà Nẵng sẽ đón khách quốc tế, du lịch sẽ khởi động trở lại, điều này tạo động lực lớn để phục hồi thị trường BĐS.

HẢI QUỲNH- THÙY DƯƠNG