Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định

Thứ ba, 05/03/2024 07:00
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, ngày 4-3, tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Thay mặt Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng với những kết quả mà Bình Định đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; góp phần đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, đứng trong tốp dẫn đầu của khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt với tư duy tầm nhìn mới, Bình Định còn trở thành trung tâm kinh tế biển, cảng biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của đất nước; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây… Do đó, Bình Định cần quán triệt rõ mục tiêu này, đồng thời cả Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế chính sách và phân bổ nguồn lực.Để thu hút nhà đầu tư lớn, chiến lược, theo Chủ tịch Quốc hội, là địa phương đi sau tỉnh cần “kiên nhẫn”, chú ý tính toán giá trị gia tăng suất đầu tư trên 1 héc-ta, do cơ sở hạ tầng cho năng lực sản xuất mới trên địa bàn còn khá lớn.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến đề xuất, kiến nghị của tỉnh.Cụ thể, về mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, Chủ tịch Quốc hội gợi mở việc thành lập tổ công tác do địa phương chủ trì kết hợp với các bộ, ngành hữu quan để thảo luận kỹ chủ trương đầu tư, phương án, phân định rõ nhiệm vụ. Trong thẩm quyền của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng thực hiện. Việc mở rộng cảng hàng không Phù Cát là hết sức quan trọng, cấp thiết, bởi không chỉ cho tỉnh mà còn liên quan đến khu vực, phát triển kinh tế…

Về dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đây là dự án quan trọng đặc biệt, chiến lược, thông thương cho khu vực Tây Nguyên kết nối ra biển, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, tỉnh cần xác định thứ tự ưu tiên; nghiên cứu tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, cơ bản thực hiện theo phương thức đầu tư công, đồng thời cũng có thể thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP).Điều quan trọng là tìm được nhà đầu tư và lập phương án đề xuất dự án và chủ trương đầu tư. Tỉnh cần xây dựng danh mục đầu tư công cho nhiệm kỳ sau, có nguồn lực thì có thể áp dụng sớm hơn trong giai đoạn 2026-2030.

Về Dự án điện gió ngoài khơi, xem xét, ưu tiên phân bổ quy mô công suất điện gió ngoài khơi cho tỉnh Bình Định, đưa dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư vào Danh mục các dự án nguồn điện phát triển trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Chủ tịch Quốc hội cho biết Chính phủ và các bộ, ngành đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó sẽ định hướng phân bổ quy hoạch đối với từng phân ngành cụ thể. Đây là căn cứ pháp lý để xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Trường hợp có sự vướng mắc, tỉnh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo Quy hoạch để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp. Quy hoạch không gian biển quốc gia sau khi ban hành sẽ tạo căn cứ để xác định phạm vi quản lý không gian biển, là cơ sở pháp lý giao các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng để sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), liên quan đến giá điện, phương thức mua bán điện trực tiếp, nguồn lực quy hoạch, kết nối và nguồn lực để đầu tư cho kết nối, ngư trường, sinh kế cho người dân... Trên cơ sở đó xem xét, phân bổ quy mô công suất điện gió ngoài khơi cho các địa phương. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Cùng với đó, trong sửa đổi Luật Điện lực đã có trong kế hoạch cũng có nội dung liên quan.

Nhân chuyến công tác tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Chủ tịch Quốc hội đã vận động từ nguồn xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xây dựng 100 nhà tình nghĩa cho người dân trên địa bàn tỉnh (5 tỷ đồng). Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chứng kiến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trao biển hỗ trợ cho lãnh đạo tỉnh.

TTXVN