“Chuốc họa” từ tín dụng đen

Thứ năm, 11/08/2022 09:57
Gần cả tháng nay, 3 người trong gia đình ông N.D., trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Đà Nẵng “mất ăn, mất ngủ” vì liên tục bị “khủng bố” bằng những cuộc điện thoại, tin nhắn, với nội dung yêu cầu phải thanh toán số tiền hơn 17 triệu đồng mà con trai tôi đã vay. Thật tình, tôi không rõ cháu T. (con ông D.) vay ra sao, từ khi nào, bởi vài năm nay T. không liên lạc với gia đình. Chúng tôi cũng không bảo lãnh khoản vay nào của T. cả. Riêng các số điện thoại nhắn tin tới, khi chúng tôi gọi lại để hỏi rõ ngọn ngành câu chuyện đều không liên lạc được. Tuy nhiên, cứ vài bữa thì lại có số điện thoại lạ lúc thì điện thoại, lúc gửi các tin nhắn đến số điện thoại của tôi, lúc gửi vào số của vợ tôi hoặc gửi tới số máy của con gái tôi. Tất cả đều có chung một nội dung là yêu cầu trả nợ, nếu không thanh toán sẽ nhận hậu quả xấu…”. Ông D. phân trần.
Băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị CATP Đà Nẵng triệt phá và tang vật bị thu giữ.
Đối tượng Ngô Hoàng Phúc tại CAQ Hải Châu.

Không riêng gì gia đình ông D., nhiều người dân tại TP Đà Nẵng và các địa phương, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng phản ánh việc “bỗng dưng” nhận được tin nhắn, cuộc gọi điện “khủng bố” từ những số điện thoại lạ có nội dung yêu cầu phải thanh toán nợ mặc dù họ không hề vay mượn từ các app cho vay và khi kiểm tra đã phát hiện những số điện thoại này đứng tên đăng ký của các đối tượng ở khắp các tỉnh, thành phố, như: Cần Thơ, Đồng Nai, Sóc Trăng, Nam Định, Nghệ An, Hà Nội… Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay Công an các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã phát hiện và triệt xóa hơn 10 đường dây “tín dụng đen” cho vay nặng lãi trên địa bàn với lãi suất lên đến 365%/năm, phí dịch vụ 3-5%/tháng.

Các đường dây này hoạt động độc lập, do các đối tượng từ các tỉnh phía Bắc vào câu kết với một số đối tượng xấu tại Đà Nẵng tổ chức cho vay nặng lãi từ cuối năm 2021 đến nay với số tiền thu bất chính hàng trăm triệu đồng. Điển hình, vào giữa tháng 1-2022 CAQ Hải Châu điều tra, khám phá chuyên án 0122VL. Ngày 12-1-2022, các trinh sát đã bắt quả tang Ngô Hoàng Phúc (1993), trú tổ 82, phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đang đi thu tiền “con nợ”. Qua đấu tranh, Ngô Hoàng Phúc khai nhận: Tổ chức “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” do Phúc cầm đầu hoạt động từ năm 2020 đến ngày bị bắt, “khách hàng” chủ yếu là tiểu thương các chợ trên địa bàn Đà Nẵng và số tiền cho vay lên đến con số hàng tỷ đồng. Khám xét khẩn cấp tại nhà đối tượng tại 31 Nguyễn Giản Thanh, Công an thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng thể hiện việc cho vay của đối tượng, 1 xe máy, 2 điện thoại di động và số tiền hơn 700 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ngoài việc điện thoại, nhắn tin các đối tượng còn có những hành động manh động hơn, như: tạt sơn, chất bẩn, ném rắn vào nhà người thân các con nợ để khủng bố tinh thần, buộc thanh toán nợ. Điển hình là vụ đối tượng H.L., trú Lê Thanh Nghị, Hải Châu ném cả bao tải rắn sống vào nhà ông B.T, trú Hòa Sơn, Hòa Vang để đòi nợ số tiền mà con trai ông T. vay của L. để đánh bạc. Một cán bộ CAQ Hải Châu cho biết: Hiện nay xuất hiện 2 hình thức cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là cho vay tín dụng trực tiếp và cho vay qua app. Về cơ bản, cả hai hình thức cho vay này đều có lãi suất rất cao. Các đối tượng đều có chung phương thức, thủ đoạn là cho vay tiền mặt mà không cần thế chấp, sau đó thu lãi hằng ngày. Nếu người vay chậm trả sẽ bị phạt. Nếu người vay bỏ trốn thì sẽ bị gọi điện đe dọa, thậm chí chúng nhắn tin, gọi điện “khủng bố” người thân, bạn bè, đồng nghiệp của những người vay nợ để buộc trả nợ.

Băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị CATP Đà Nẵng triệt phá và tang vật bị thu giữ.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Khiêm-cán bộ phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Đà Nẵng: Thủ đoạn được các đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự sử dụng hiện nay là vay tiền qua ứng dụng. Ban đầu, các đối tượng sẽ gửi đường link để truy cập và cài app cho vay vào điện thoại của nạn nhân. Khi cài đặt, các app này yêu cầu được cấp quyền truy cập thông tin cá nhân như: Danh bạ, hình ảnh, đường dẫn truy cập đến tài khoản mạng xã hội, đồng thời yêu cầu người vay chụp ảnh selfie cầm chứng minh hoặc căn cước công dân. Sau khi cài đặt và được cấp quyền truy cập, đối tượng cho vay sẽ giải ngân với số tiền thấp. Khi đến hạn thanh toán, nếu người vay thanh toán đúng hạn thì số tiền cho vay sẽ được nâng dần lên đồng thời các đối tượng lôi kéo mời gọi người vay tiếp tục vay.

Khi hết 7 ngày, ngoài tiền gốc và lãi, sẽ cộng thêm tiền phạt do chậm trả khoảng 7,5%/ngày. Dần dần số tiền cần trả vượt quá khả năng chi trả của người vay. Lúc này, người vay sẽ được các đối tượng cho vay hướng dẫn vay tiếp ở các app khác để lấy tiền trả các khoản vay (lãi và gốc) của app ban đầu. Nếu bên vay không trả đủ tiền thì các đối tượng sẽ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập trước đó để uy hiếp bằng các hình thức, như: cắt ghép hình ảnh kèm thông tin sai sự thật để tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, đồng thời gọi điện uy hiếp đến những người thân gia đình hoặc cơ quan… của nạn nhân ép buộc thanh toán. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị tiếp nhận 11 tin báo của công dân về việc bị các đối tượng gọi điện, đe dọa, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi có nhu cầu vay vốn người dân nên vay tiền của các công ty tài chính uy tín, có pháp lý rõ ràng hoặc đến các ngân hàng để được hỗ trợ các khoản vay ưu đãi. Đặc biệt, không tin vào những thông tin được đăng trên mạng, dán trên các cột điện… để đừng biến mình thành “con mồi” của những chiếc bẫy lừa đảo.

M.T