Chuyện dạy - học ở Côn Đảo (2)

Thứ tư, 19/11/2014 09:35

* Bài cuối: Ở nơi không dạy thêm - học thêm

(Cadn.com.vn) - Tìm hiểu về chuyện dạy-học ở Côn Đảo, tôi phát hiện thêm một điều thú vị đó là: dạy học thêm ở đây gần như không có, hay nói đúng hơn, nếu có thì đều được tổ chức tại trường. Học phí chỉ có tính chất tượng trưng, là sự hỗ trợ nhỏ cho GV mà thôi...

Trong khi hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, phụ huynh học sinh (PHHS) luôn đau đầu về chuyện học thêm cho con, tìm trường có tổ chức bán trú để gửi con vào học, thì ở Côn Đảo, PHHS lại không quan tâm đến vấn đề này lắm. Hôm tôi tìm đến Trường TH Cao Văn Ngọc, đúng vào lúc học trò đang tập thể dục đầu giờ. Thầy Đỗ Văn Sơn-Hiệu trưởng-thông báo cho HS và PH đang đứng ngoài cổng nội dung, nhà trường chưa thể tổ chức bán trú vì số lượng HS đăng ký bán trú quá ít, chưa đến 50 em.

Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa đón con em đi học và HS ở Cỏ Ống- cách thị trấn gần 12km- về đây học, đầu năm học 2014-2015, Trường TH Cao Văn Ngọc được Nhà nước đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng khu nội trú 2 tầng khang trang bên trường, có khuôn viên vui chơi, có bếp ăn riêng, phòng ngủ riêng. Đến tháng 10 khu nội trú hoàn thành, nhà trường phổ biến các quy định về chế độ bán trú, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều PHHS đăng ký.

Qua thầy  Sơn, được biết, từ nhiều năm nay, Trường TH Cao Văn Ngọc tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Phần lớn, PHHS đều làm công chức Nhà nước, trụ sở làm việc đóng ở trung tâm thị trấn huyện, nên sau giờ làm họ lại đến chở con về nhà lo cơm nước, chiều lại đưa con đến trường rồi đi làm.

Qua Trưởng Phòng GD-ĐT H.Côn Đảo, sắp tới  huyện sẽ có chủ trương vận động, khuyến khích PHHS đăng ký cho con em học bán trú nhằm tạo điều kiện cho nhà nội trú của trường hoạt động có hiệu quả, đồng thời để PHHS yên tâm công tác...

Cô trò Trường THCS & THPT Võ Thị Sáu.

Điều lạ thứ hai, đó là HS bậc TH và THCS ở Côn Đảo không đi học thêm như HS nhiều nơi ở đất liền. Trưởng Phòng GD-ĐT H.Côn Đảo Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: Toàn huyện có hơn 1.700 HS, trong đó, bậc MN có số lượng HS cao nhất với 668 em, bậc TH: 586 HS, THCS: 370 HS, THPT: 159 HS. Với số lượng HS bậc THCS, THPT ít như vậy nên GV hai bậc học này, đặc biệt là các GV bộ môn có ít tiết dạy/lớp mà phải kiêm nhiệm dạy từ THCS lên THPT. Đó cũng là lý do, có 1 GV phải soạn từ 5-8 giáo án khác nhau, lấy đâu ra thời gian để tổ chức dạy-học thêm ở nhà.

Mặt khác, học trò TH ở đây đều được học 2 buổi/ngày, THCS và THPT thì sáng học chính khóa, chiều được học tăng cường một số môn. Nếu HS nào có nhu cầu thì nhà trường tạo điều kiện cho GV mở lớp dạy thêm vào buổi chiều tối tại trường, có thành lập tổ quản lý,  kiểm tra. Thực tế,  HS Côn Đảo cũng ít có nhu cầu học thêm.  Quy định mỗi tiết thu không quá 6.000 đồng/em. Ở bậc THPT, mỗi khối chỉ có 2 lớp, mỗi lớp chưa đến 30 em…

Ông Nguyễn Văn Mạnh nói rằng: nếu chiếu theo quy định của Bộ GD-ĐT, GV không được phép dạy thêm học trò của mình, thì GV ở Côn Đảo đều vi phạm quy chế này, vì nếu không dạy học trò của mình thì không biết dạy ai?

Cô Vương Mỹ Lan- Hiệu Phó Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu giải thích thêm về chuyện dạy học thêm ở Côn Đảo: Ngoài việc dạy thêm theo mức thu học phí mang hình thức hỗ trợ cho có (mỗi tiết 6.000 đồng/HS như Trưởng Phòng GD-ĐT H.Côn Đảo nói), đối với hình thức dạy thêm tại trường từ 17 giờ đến 20 giờ, thì thu theo nhóm HS đăng ký học. Cụ thể, nếu nhóm HS đó trên 20 em thì mỗi em đóng học phí một tháng 200.000 đồng; nếu nhóm HS dưới 20 em thì đóng 250.000 đồng/HS. Theo đó, mỗi GV đứng lớp cũng không được bao nhiêu, vì có những bộ môn rất ít HS đăng ký học...

Côn Đảo hiện có 5 trường, gồm: 2 trường MN, 1 trường TH, 1 trường THCS&THPT, 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Từ khi internet ra được Côn Đảo, việc dạy-học ở Côn Đảo mới rút dần được khoảng cách với đất liền. Nhờ internet, thầy trò Côn Đảo mới có điều kiện tìm hiểu, mở rộng thêm các thông tin phục vụ cho việc dạy học.

Với việc áp dụng CNTT vào trong trường học, chất lượng đào tạo ở Côn Đảo ngày một tăng. Theo đó, từ năm 2010 lại đây, trung bình hàng năm, số lượng HS đỗ đại học  đạt 30%, CĐ: từ 35-40%, nhiều HS ở các bậc học đi thi HSG và các cuộc thi khác đều đạt giải cấp tỉnh... Đó là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn ngành GD-ĐT H.Côn Đảo.

Xa đất liền, phương tiện đi lại khó khăn, nhất là mùa biển động, để gắn bó với huyện  đảo này không chỉ dựa vào sự bền chí mà cần có cả một tình yêu đủ lớn. Và tôi đã cảm nhận được điều này khi tiếp xúc với các thầy cô giáo nơi đây...

Ghi chép: P.Thủy