Có một đại gia đình Điện Bàn ở xứ Thanh
Thanh Hóa vừa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và khánh thành công trình tượng đài "con tàu tập kết". Ở ngõ 628 - Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa có những người con mang gốc gác hai quê hương Điện Bàn – Hoằng Hóa luôn khắc nhớ về một thời gian khó mà thiêng liêng của gia đình mình.
Đó là gia đình ông Lê Hồng Tiến và bà Trương Thị Lý. Cả ông bà đều đã mất nhưng trong trí nhớ của con cháu, ký ức về hai bậc sinh thành vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Điện Dương, Điện Bàn (Quảng Nam) quê ông Tiến là vùng cát nghèo khổ mà anh hùng. Cách mạng tháng Tám sục sôi đã đưa ông vào Ủy ban hành chính Việt Minh của xã. Đi bộ đội, tham gia chống càn ở Điện An trong đội hình Trung đoàn 93 Tỉnh đội Quảng Nam, ông bị thương vào phổi. Sau này vết thương hành hạ ông cả cuộc đời. Tập kết ra Bắc, ở trạm đón tiếp T79 Sầm Sơn, ông phải lòng ngay cô y tá Trương Thị Lý.
Những lần tâm sự, trò chuyện biết người mình yêu quê Hoằng Quang, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), cha mẹ chết đói đầu năm 1945, bản thân phải đi ở đợ rồi thoát ly tham gia cách mạng, ông thêm thương mến, càng muốn làm điểm tựa cho bà. Nhưng rồi với những tháng ngày dài công tác ở Xí nghiệp Muối Nghệ An, cộng thêm bệnh tái phát, phải đi mổ ở viện Trung ương Quân đội 108, bà mới chính là hậu phương vững chắc của chồng. Làm hộ lý ở bệnh viện Thanh Hóa, tận tụy chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình, bà được bầu chọn là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1969, khi đang mang thai con út, bà được ra Hà Nội tuyên dương. Thấy mình chữ nghĩa ít, chỉ biết làm, không biết nói, bà nhường vinh dự lên bục báo công cho người khác.
Nhớ về mẹ mình, anh Lê Hồng Quang bồi hồi: “Làm vợ một thương binh như ba tôi, mẹ rất vất vả. Nhưng bà luôn tâm sự rằng, so với nhân dân miền Nam đang đầu rơi máu chảy, nhà mình còn hạnh phúc hơn nhiều. Gia đình có hai người chú họ cùng quê tập kết sống ở Hà Nội là chú Lê Sĩ Hùng và chú Lê Hồng Thị, chúng tôi vẫn thường ra thăm. Mỗi lần hội ngộ là y như rằng gặp cả miền Nam...”.
Làm ở khoa chăm sóc cán bộ lãnh đạo (CNội D), bà có nhiều ưu ái, được hỗ trợ mua gạch ngói xây nhà. Vậy mà cả bà và ông đều từ chối với lý do mọi người sao mình vậy, khó khăn là của cả đất nước chứ đâu mỗi nhà bà Lý. Trong quyển lý lịch của bà, con cháu còn lưu giữ mấy dòng kê khai chân thật: “Lấy chồng được 4 con, nhà 3 gian, xe đạp 2 cái, của chồng công vợ, tiết kiệm sản xuất mà có”. “Nhà 3 gian” thực chất chỉ là nhà tường trát đất. 15 năm sau, ông bà cùng con cái hì hục đóng gạch để xây được ngôi nhà mới 4 gian. Bà mất năm 1983 khi mới xong phần xây, tường chưa kịp trát xi-măng.
Anh Hồng Quang kể lại giây phút cả nhà mừng rỡ khi miền Nam giải phóng: “Bố tôi không ngủ, cứ đi ra đi vô, muốn về quê ngay. Nhưng rồi tàu xe không có, mãi đến hai tháng sau, bố con mới về được Điện Bàn. Hai em của bố đã hy sinh, nhà chỉ còn hai em gái sống rất vất vả. Thương lắm, nhưng ngoài này cũng khó, chẳng giúp gì được nhiều. Mẹ tôi cho đến ngày mất chỉ được về quê chồng một lần. Muốn gần gũi quê hương mà sức khỏe đều ốm yếu nên bố mẹ tôi xác định sống ở Thanh Hóa chứ không “hành phương Nam”.
Lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc và lấy tấm gương lao động của cha mẹ soi rọi, các con của ông bà Tiến đều trưởng thành. Hai người đi bộ đội và sau đó chuyển ngành. Đến nay nối gót nghề y của bà Lý, cả đại gia đình có đến 6 người đã, đang công tác tại Bệnh viên Đa khoa Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi của tỉnh. Tình quê luôn thao thức trong mỗi trái tim người con xứ Thanh. Dù bận rộn đến đâu, đến hẹn lại lên, mỗi khi ở quê nhà có việc lớn, đặc biệt là giỗ chạp, họ đều có mặt. Không kể con gái và các nàng dâu, 3 người con trai và 5 cháu nội trai là một lực lượng hùng hậu được mọi người ở quê rất trân trọng và yêu mến.
Cứ mỗi lần chia tay, những người con mang dòng máu Quảng Nam- Thanh Hóa lại hứa: “Lần sau chúng cháu lại về!”. Mấy mươi năm nay họ chưa lần nào lỗi hẹn.
Hồng Vân