Cơ sở xay bột than “xông phổi” cư dân xung quanh

Thứ bảy, 12/03/2022 08:25

Hai năm nay, khi một cơ sở xay bột than hoạt động thì cuộc sống của các hộ dân buôn Mblớt (xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Mới đây, vì không thể chịu nổi tình trạng trên nên dân buôn Mblớt làm đơn đề nghị chính quyền địa phương giải quyết nhưng đến nay chủ cơ sở gây ô nhiễm vẫn chưa khắc phục.

Bụi than bám đầy nền nhà của một hộ dân ở buôn Mblớt.

Bột than “phủ” đen nền nhà, vật dụng

Phản ánh với cơ quan báo chí, ông L.X.N. (trú buôn Mblớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) bức xúc: Từ năm ngoái đến nay gia đình ông luôn phải sống trong cảnh bụi bẩn đen ngòm từ cơ sở xay bột than bên cạnh. Nhất là vào mùa khô, gió lớn nên lượng bột than bay vào nhà càng nhiều hơn, không thể lau dọn nổi. Toàn bộ vật dụng trong nhà từ chăn, mền, giường, chiếu, bàn, ghế, nền nhà... đều bị phủ bởi một lớp bột. Hằng ngày phải sinh hoạt trong không khí đầy bụi than này, ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Các vật dụng lau sạch chỉ được vài phút rồi lại bị bám dính đầy bụi than. Điều làm ông lo ngại là bữa ăn của gia đình, bởi bột than rơi vào thức ăn thì không thể biết được nó độc hại ra sao.

Thêm nữa, về lâu dài bột than ngấm xuống mạch nước ngầm thì không ai lường trước được chất độc hại trong nguồn nước. Nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không sớm có giải pháp xử lý thì người dân khu vực này sẽ sống không nổi vì mùi và bụi than. Ông từng trao đổi với chủ cơ sở về tình trạng này nhưng không được giải quyết nên vừa qua gia đình ông và một số hộ dân khác đã làm đơn phản ánh đến UBND xã Ea Bông đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy chủ cơ sở khắc phục tình trạng này.

Tương tự, hộ ông V.V.V. (trú buôn Mblớt), than vãn: Nhà ông sống ở đây hơn 30 năm, khoảng hai năm nay, khi một cơ sở xay bột than hoạt động thì cuộc sống của các thành viên trong gia đình bị đảo lộn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày. Gia đình ông đông con cái, thời gian gần đây do tình hình dịch COVID-19 nên các cháu nội, ngoại đều tập trung về nhà, tưởng ở vùng nông thôn có không gian để chơi nhưng mọi ngóc ngách trong nhà đều bẩn, bụi than bám đen ngòm. Nhà cửa quét dọn, lau chùi được một lúc sau đâu lại vào đấy, mà càng lau ướt thì bụi bám càng nhiều hơn, giường ngủ nào cũng dính đầy bụi, mỗi lần ngủ dậy đều cảm thấy ngứa ngáy khắp người, rất khó chịu. Ai bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì cả ngày hắt hơi liên tục, mũi đỏ tấy vì hít phải bụi than.

Vật dụng trong nhà ông L.X.N. (buôn Mblớt) phủ đầy bụi dù được lau chùi thường xuyên.

Doanh nghiệp phủi trách nhiệm?

Qua tìm hiểu, cơ sở xay than bột này thuộc Công ty TNHH MTV Hải My (viết tắt: Cty Hải My), chuyên sản xuất gạch đất sét tại địa bàn xã Ea Bông. Tháng 8-2021, Cty Hải My mua lại xưởng xay bột than của một doanh nghiệp khác (ở tỉnh Đồng Nai). Trữ lượng bột than chứa tại cơ sở này khoảng 40 tấn, công suất xay khoảng 3 tấn/ngày (thực tế số lượng có thể nhiều hơn). Sau khi xay mịn, bột than được đóng vào khuôn, phơi khô dùng để đốt gạch của công ty. Theo ông Cao Ngọc Hải- Giám đốc Cty Hải My, từ ngày sang nhượng lại cơ sở, doanh nghiệp có đầu tư thêm giếng, ống nước tưới hằng ngày nên không hề có bụi, chứ bụi than mà bay ra nhiều chỉ có lỗ. Từ trước đến nay ông chưa nhận được phản ánh nào của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chiều 9-3, phóng viên mục sở thị cơ sở xay bột than ngay khu dân cư thuộc buôn Mblớt – nằm dọc tuyến Tỉnh lộ 2, thời điểm này có 2 máy xúc, đảo và một máy xay đang hoạt động. Đáng chú ý, nơi nghiền bột than chỉ được làm sơ sài bằng việc dựng lên các khung sắt, xung quanh che chắn bằng các tấm tôn. Phía sau khu vực này có các ô cửa nhỏ để thông khí, bột than từ đó bay tỏa khắp khu dân cư, nếu gặp gió lớn vào cao điểm mùa khô thì phạm vi bị ảnh hưởng sẽ rất lớn. Để tránh ô nhiễm, cách duy nhất chủ cơ sở này đang thực hiện là dùng nước tưới, tuy nhiên không thấm vào đâu với lượng bột than bay ra ngoài môi trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Chiến- Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Ana cho biết, sau khi nắm thông tin, phòng đã xuống khu vực xay bột than của Cty Hải My để nắm tình hình. Hiện Phòng đang đề xuất UBND huyện thành lập đoàn, phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra tình hình môi trường trên địa bàn huyện, trong đó có các cơ sở sản xuất gạch, cơ sở xay bột than, nếu phát hiện vi phạm sẽ tham mưu biện pháp xử lý theo quy định. Ông Chiến cũng thông tin thêm, hiện nay huyện Krông Ana có trên 40 cơ sở sản xuất gạch, hầu hết cơ sở đều có một xưởng, khu vực để xay bột than, đóng viên phục vụ việc nung gạch của doanh nghiệp.

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Khu- Chủ tịch UBND xã Ea Bông (huyện Krông Ana) cho hay tính đến chiều 9-3-2022, ông chưa nắm được thông tin về việc người dân phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường của cơ sở xay bột than này.           

B.Đ.L