Còn quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như cúm mùa

Thứ tư, 10/05/2023 08:13
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam với báo giới tại cuộc trao đổi vừa được Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức WHO tại Việt Nam tổ chức liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau tuyên bố của WHO về việc COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu

COVID-19 không biến mất

Chia sẻ với báo giới về lý do WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã tốt hơn, mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh đã giảm, tương tự số ca nhập viện, ca nặng cũng giảm. Tuy nhiên, đại diện WHO cho biết, điều này không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay ít nguy hiểm hơn. COVID-19 vẫn còn đó, chưa chấm dứt. Trả lời câu hỏi về việc có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa, Trưởng đại diện WHO cho rằng, còn quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. Mặc dù có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa, tuy nhiên cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông, còn COVID-19 không theo mùa - điều này chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, COVID-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới với chúng ta. "Chúng ta mới có 4 năm làm quen với nó, trong khi các nhà khoa học đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về bệnh cúm. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19. Vì thế, còn quá sớm để coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa" - bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam với COVID-19, bà Angela Pratt cho rằng, ngay từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã có nhiều biện pháp ứng phó với COVID-19. Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đã giúp Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch. Ngay từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chuyển biện pháp ứng phó với COVID-19 để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại diện WHO vẫn nhấn mạnh: "Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp"; đồng thời khẳng định, WHO luôn đồng hành, cam kết với Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng đã đưa ra 7 khuyến nghị đối với Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khuyến nghị không bao giờ được ngơi nghỉ, lơ là. Theo đó, hệ thống phòng ngừa luôn ứng phó khi tình hình có thay đổi. Cùng với đó, phải đưa tiêm phòng COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia – tiêm chủng suốt đời. Mặt khác Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vaccine và hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19 hơn. Trong bối cảnh ca nhiễm vẫn tăng thì chúng ta vẫn cần giám sát chặt chẽ, có các biện pháp sẵn sàng- nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.v.v

Xây dựng kế hoạch ứng phó với đại dịch

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, mặc dù COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên, dịch COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hàng ngày, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc, trong đó vẫn có trường hợp nhập viện, trường hợp nặng, thậm chí có ca tử vong. "Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi. Đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5-2023, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện"- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin.

Cũng theo GS.TS Phan Trọng Lân, Việt Nam đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong từng thời kỳ. Các hoạt động phòng, chống dịch tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua. Đặc biệt, từ tháng 10-2022, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả. "Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…".

Chia sẻ thông tin về công tác điều trị COVID-19, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 có những thay đổi, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó có các vấn đề liên quan đến kiểm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách ly đối với người mắc COVID-19. Hiện nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang triển khai, xem xét các nội dung hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị COVID-19. Về cơ bản, đã thống nhất phải có sự điều chỉnh, trong đó liên quan chủ yếu đến việc sử dụng thuốc… theo các khuyến cáo, bằng chứng mới nhất của WHO.

Về biện pháp giảm tử vong do COVID-19, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ, trong giai đoạn tháng 4, 5-2023 đã có ca tử vong do COVID-19, tuy nhiên khi xem xét các ca tử vong này cho thấy, tất cả đều là những trường hợp nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi, hoặc rất nhiều bệnh kèm theo. Bản thân bệnh nhân đã có tình trạng nặng từ trước... Không phát hiện trường hợp tử vong trên người bệnh không có bệnh nền hay người trẻ tuổi. Ước tính tỷ lệ tử vong so với số nằm viện dao động khoảng 0,47%. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 0,37%, thấp hơn nhiều so với con số 0.99% của thế giới. Con số này thể hiện nỗ lực của các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam trong đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua, khi chuyển đổi rất nhiều hình thức, từ cách ly điều trị tuyệt đối 100% tại bệnh viện đến triển khai cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó triển khai điều trị giám sát tại nhà.

Để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên cả nước tiếp tục cảnh giác, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc COVID-19, trong đó chú trọng các đơn vị hồi sức, chạy thận… có những bệnh nhân bệnh nền nặng đang điều trị tại bệnh viện để cách ly, tránh để lây nhiễm vào trường hợp bệnh nền nặng. Các cơ sở y tế tiếp tục tăng cường năng lực cho đơn vị hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục theo dõi sát, khi điều trị ca bệnh cần tăng cường hội chẩn với tuyến trên để có sự liên kết giữa các tuyến, tạo thuận lợi cho việc chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cũng khuyến cáo các cơ sở y tế hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp các ca bệnh tăng cao, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối. Các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 nhập viện, gửi xét nghiệm trình tự gen một số trường hợp để xác hiện sớm những biến thể mới của COVID-19, trong đó đặc biệt lưu ý những người không mắc bệnh nền mà có dấu hiệu tăng nặng…

“Hiện, so với các bệnh truyền nhiễm khác tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do COVID-19 vẫn cao, khi ở mức 0,37 (sốt xuất huyết 0,09%). Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan mà phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ.

Việt Hà

Theo khuyến nghị của Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, phải đưa tiêm phòng COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia – tiêm chủng suốt đời. (Ảnh minh họa)