Công an TP Đà Nẵng: Dồn toàn lực giúp dân khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra
Bão số 9 (Molave) đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung, khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên suốt nhiều giờ. Lượng mưa đo được trong cơn "đại cuồng phong" rất lớn. Đêm 27 và ngày 28-10, gần như tất cả CBCS CA các đơn vị, địa phương đã xuống đường giúp dân sơ tán, chằng chống nhà cửa, dọn dẹp cống thoát nước, điều hòa giao thông, ngăn người dân ra khỏi nhà... Tại tất cả các địa bàn xung yếu, hàng chục tổ công tác thường xuyên ứng trực, giúp dân với phương châm: Đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Xuống đường thu dọn cây cối ngã đổ bất kể ngày đêm. |
Nêu cao tinh thần "vì dân phục vụ"
Đại tá Lê Ngọc Hai- Phó giám đốc CATP Đà Nẵng cho hay, sự nguy hiểm của bão số 9 đã được các cơ quan chức năng cảnh báo sớm. Vì vậy, Giám đốc CATP đã chỉ đạo CA các địa phương, rằng bão càng lớn, nhân dân sẽ càng khó khăn, các đơn vị phải nêu cao tinh thần vì dân phục vụ, khẩn trương xuống cơ sở cùng nhân dân phòng, chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho dân, nhất là sau khi bão đi qua.
Khuya 27, rạng sáng 28-10, khi những đợt gió giật mạnh xuất hiện, hàng chục hộ dân P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) có nhà ở tạm bợ đã phải tìm nơi di chuyển tránh trú an toàn, trong đó có hơn 20 hộ dân với gần 50 nhân khẩu nương nhờ tại trụ sở làm việc của Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT CATP). Nhận thông tin CBCS Trạm hỗ trợ người dân tránh bão, sáng 28-10, Đại tá Phan Ngọc Truyền- Trưởng Phòng CSGT trực tiếp đến kiểm tra công tác hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân, đồng thời hỗ trợ kinh phí để CBCS trạm tăng cường thêm suất ăn trong thời gian trú bão. "Anh em của Trạm phải quan tâm, chăm lo cho các hộ dân, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em như người thân, ruột thịt của mình. Nhất định không được để người nào chịu đói, rét", Đại tá Truyền nhắc nhở.
Đón người dân đến đơn vị trú bão. |
Chúng tôi gặp gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết tại đây. Chị bảo, gia đình có người già, con nhỏ, nhưng do nhà tôn không an toàn nên CBCS Trạm CSGT cho nương nhờ tránh hiểm nguy khi bão vào. "Được các anh sắp xếp chỗ nghỉ, nấu cơm cho ăn, quý hóa lắm, biết nói bao lời cảm ơn cho đủ. Không phải bây giờ, không phải với riêng nhà tôi, mà quanh khu vực Hòa Hiệp Bắc, biết bao gia đình khó khăn về chỗ trú bão đều được Trạm CSGT giúp đỡ", chị Tuyết cảm động bày tỏ.
Ứng cứu người dân đi xe dạp qua cầu sông Hàn bị bão uy hiếp. |
Trung tá Nguyễn Ngọc RạngTrạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp cho hay, trước giờ sức gió bão mạnh lên, đơn vị đã cắt cử CBCS phối hợp với các lực lượng chức năng phường rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, tốc mái nhà tạm, đồng thời thuyết phục nhân dân vùng nguy hiểm tới trụ sở đơn vị lưu trú. Cùng với đó, Trạm bố trí CBCS tham gia điều hòa giao thông, tuyên truyền, yêu cầu người dân trở về nhà không di chuyển trong bão, tránh những hiểm họa bị cây đổ đè, mái tôn bay. Nhiều trường hợp không tuân thủ, các lực lượng chức năng kiên quyết cưỡng chế, nhất là tại các khu vực nguy hiểm.
Tại khu vực trung tâm thành phố, cả ngày 28-10, sức gió lồng rít mạnh, nhưng để ngăn cản người dân ra đường, lực lượng CSGT phối hợp cùng CA các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn không cho người dân qua lại các cây cầu. Tại khu vực cầu sông Hàn, một người dân bất chấp đạp xe qua cầu đã bị gió thổi ngã xuống đường khiến người này phải bỏ xe, ôm chặt lấy thành cầu chờ người ứng cứu. Ngay lập tức, lực lượng CAP An Hải Bắc đã có mặt, giải cứu an toàn cho công dân gặp nạn. Tại các tuyến đường, lực lượng CA các cấp đã xuống đường dọn cành cây đổ, khơi thông cho các dòng xe hoạt động phòng chống bão cũng như đi lại của nhân dân.
Lãnh đạo Phòng CSGT thăm hỏi, động viên người dân đến trú bão tại Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp. |
Tập trung khắc phục bão, giúp dân vượt qua khó khăn
Trao đổi với phóng viên chiều tối 28-10, Đại tá Lê Ngọc Hai cho hay, ngay sau khi bão qua đi, Giám đốc CATP đã có Công văn số 2807 chỉ đạo lực lượng CA các cấp tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra, giúp nhân dân vùng thiệt hại vượt qua khó khăn. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện cảnh báo, kiểm soát, điều hòa, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, sạt lở, khu vực, tuyến bị ngập nước.... kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không chấp hành yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng thời, triển khai lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý cây xanh ngã, đổ, các vật dụng, chướng ngại vật gây ách tắc, mất an toàn giao thông hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân; tập trung xử lý khu vực nội thành, tuyến đường trọng điểm lãnh đạo các cấp di chuyển phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão gây ra; kiểm tra, người, phương tiện tham gia giao thông đông người; bố trí lực lượng, phương tiện (xe, máy bơm chữa cháy) hỗ trợ nhân dân tổ chức bơm nước chống ngập ở khu vực nội thành, nhất là các cơ sở trọng điểm về chính trị, bệnh viện, trường học, khu chung cư, nhà cao tầng... có tầng hầm bị ngập nước; tích cực tìm kiếm cứu người gặp nạn nếu có. "Giữa vùng bão lũ, tính mạng, tài sản người dân luôn bị đe dọa. Đây cũng chính là lúc người dân cần đến sự có mặt kịp thời của các lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa bão, trong đó có lực lượng CA chúng ta. Mùa mưa bão nào cũng vậy, việc hỗ trợ, cứu dân đã như mệnh lệnh tối cao nhất của mỗi CBCS lực lượng CAND. Chúng ta luôn xác định rõ trọng trách: Vì nhân dân quên mình", Đại tá Lê Ngọc Hai nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù gió rất mạnh, tuy nhiên do yêu cầu giao thông phải thông suốt để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, chỉ huy điều hành phòng chống lụt bão của lãnh đạo các cấp, công tác cấp cứu y tế... lực lượng CA bất chấp hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ. Tại ngã tư Lê Duẩn- Lê Lợi, Đại úy Nguyễn Huy Linh- Đội trưởng đội cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, ngay từ 8 giờ sáng (28- 10), đơn vị đã chia làm 2 kíp xe để cưa, cắt nhiều cây xanh ngã trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, Q. Sơn Trà. Và từ trưa đến 18 giờ ngày 28- 10, kíp xe của anh đã giải tỏa các chướng ngại vật tại 6 điểm khác nhau. Vừa nói dứt lời, Trung tâm chỉ huy của CATP lại tiếp tục điều động kíp xe đến địa chỉ 25 Trần Quý Cáp vì có cây chèn giữa đường. Ngoài 2 kíp xe của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thì lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH của CA các quận huyện cũng đã đội mưa nhiều giờ liền để dọn dẹp cây cối ngã đổ, tổ chức thu dọn tôn bay giữa đường đã tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. Việc triển khai lực lượng kịp thời của CBCS PCCC trong mưa bão khiến người dân cảm thấy yên tâm hơn.
Tại khu vực quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, gần như lực lượng CA đã được huy động tổng lực xuống đường điều tiết giao thông, cùng Cty Môi trường đô thị dọn dẹp lượng lớn cành cây ngã đổ, giúp nhân dân chằng chống lại nhà cửa, mái tôn hư hại, đồng thời thăm hỏi bà con vùng trọng yếu. Ông Cao Đình Hải- Chủ tịch UBND P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) cho biết: Sau khi bão tan, cùng với các lực lượng chức năng phường, có tới 90% quân số của CAP đã đội mưa gió ra đường giúp dân khắc phục hậu quả do bão gây ra. Lãnh đạo phường cũng vận động các lực lượng tình nguyện hỗ trợ, đồng thời tiếp nước uống, đồ ăn để CBCS xuyên đêm làm nhiệm vụ.
Các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng vẫn đang oằn mình trong đợt bão lũ. Những CBCS CATP lại tiếp tục căng mình trong mưa gió để cứu dân và tài sản trong thời khắc gian nguy nhất, thể hiện rõ tinh thần vì nhân dân phục vụ, để lại hình ảnh đẹp của lực lượng CAND trong lòng dân.
CÔNG HẠNH-MAI VINH