Công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025

Thứ sáu, 11/02/2022 14:11

Chiều 10-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được tổ chức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ngày 2-10-2021 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình Sữa học đường quốc gia...; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc tiêm chủng với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã có trên 95% học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 88,5% đã được tiêm đủ 2 mũi. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàngtiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế các tuyến từ trung ương đến địa phương…

Đại diện các bộ, ngành, địa phương và đơn vị đồng hành cùng Chương trình sức khỏe học đường đã phát biểu cho rằng, với thông điệp "Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh," lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khỏe học đường với chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cam kết phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình ý nghĩa này; đồng thời kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành.

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những gì tốt nhất có thể cho thế hệ tương lai - thế hệ góp phần quan trọng quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ, hơn 24 tháng phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, nhất là trẻ em. Những đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các cháu phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, thầy cô, rời xa những không gian, những trò vui của tuổi thơ. Các cháu ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.

Đặc biệt, nhiều cháu phải trải qua những mất mát quá lớn. Đại dịch đã khiến hàng nghìn cháu nhỏ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình.

"Từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ đạo phải có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để chúng ta có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp cho các cháu - thế hệ tương lai của đất nước.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026. Đại diện lãnh đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026.

T.T