Công bố tuyển sinh đào tạo công nghệ vi mạch bán dẫn với 500 chỉ tiêu
Cụ thể, từ năm 2024, VKU dự kiến tuyển sinh mới khoảng 500 chỉ tiêu ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với chương trình đào tạo gồm 160 tín chỉ (thời gian đào tạo là 4,5 năm) bao gồm khối kiến thức cơ sở ngành – kiến thức nền tảng và khối kiến thức chuyên ngành – thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến năm 2028 trở đi, trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Song song đó, VKU sẽ triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp 180 sinh viên đang học các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và IoT, Công nghệ thông tin sang định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp. Ngoài việc đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch, VKU sẽ triển khai các lớp Accelerator (tăng tốc), tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh, đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm. Năm 2024, trường sẽ mở chương trình đào tạo thạc sỹ liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.
Cũng theo VKU, nhà trường đã ký kết hợp tác 4 đơn vị, trong đó: Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long sẽ đầu tư phòng LAB thực nghiệm và nghiên cứu công nghệ mới dự kiến tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư vào các lĩnh vực Thiết kế vi mạch, IoT, GIS, Cloud, Robotics và 5G. Công ty FPT Software miền Trung hợp tác trong việc phối hợp tuyển dụng, thực tập thực tế dành cho sinh viên theo học Thiết kế vi mạch bán dẫn tại VKU. Viện Công nghệ thông tin - ĐHQG Hà Nội sẽ hợp tác đào tạo và nghiên cứu chương trình đào tạo kỹ sư, Sau ĐH về vi mạch bán dẫn. Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn sẽ hợp tác thiển khai đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, VKU cũng đã đã ký kết MoU với Hiệp Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM và đang triển khai đàm phán với Công ty Synopsys để có thể ký kết trong thời gian đến.
Được biết, để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, từ năm 2021, VKU đã mở các lĩnh vực như: IoT, hệ thống nhúng, các học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý, … Năm 2022, trường đã khởi công Lab thiết kế vi mạch trị giá 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.
Lê Anh Tuấn