Công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin được TP Đà Nẵng thực hiện hiệu quả
Ngày 13-6, đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ do Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác cơ yếu, công tác bảo mật, an toàn thông tin. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì làm việc với đoàn.
Những năm qua, các tổ chức cơ yếu TP Đà Nẵng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung công tác thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực hiện đề án theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND TP hoàn thành kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) và bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng 3 dịch vụ của CSDLQG về dân cư từ đầu năm 2023; triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các hệ thống, trang thiết bị kết nối với CSDLQG về dân cư.
Với bộ phận Cơ yếu Công an TP Đà Nẵng, đã triển khai hiệu quả dự án CSDLQG về dân cư, dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Tính đến cuối năm 2023, Đà Nẵng cấp phát 2.776 chữ ký số chuyên dùng. Hiện nay 100% cơ quan, đơn vị và 100% cá nhân là lãnh đạo từ cấp phòng và tương đương trở lên được cấp phát và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Từ năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cấp phát 9.000 chữ ký số từ xa cho giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn để ký sổ học bạ điện tử; cấp phát 400 chữ ký số từ xa cho bác sĩ để ký hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử.
Việc triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Đảng, chính quyền TP mang lại nhiều hiệu quả, hỗ trợ quá trình cải cách, đơn giản hóa, thay thế thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, toàn vẹn khi phát hành văn bản điện tử, tiết kiệm chi phí so với việc phát hành, gửi nhận văn bản giấy.
Dịp này, các đại biểu kiến nghị Ban Cơ yếu Chính phủ nghiên cứu, bổ sung danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm của người làm cơ yếu tại các địa phương, đơn vị; hướng dẫn xây dựng quy chế phối hợp đối với các tổ chức cơ yếu các tỉnh, thành phố; hỗ trợ Thành ủy Đà Nẵng trong triển khai đồng bộ hệ thống máy tính an toàn cho các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy và các đảng ủy trực thuộc để đáp ứng công tác bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn, anh ninh thông tin trong soạn thảo, lưu trữ và gửi nhận văn bản mật trên mạng thông tin diện rộng của Thành ủy.
Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng và các thành viên trong đoàn đánh giá cao công tác cơ yếu, công tác bảo mật, an toàn thông tin của các tổ chức cơ yếu TP Đà Nẵng đồng thời ghi nhận và đồng ý với những ý kiến đề xuất. Đoàn công tác mong rằng thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, quán triệt triển khai các quy định, hướng dẫn của ngành Cơ yếu, nhất là Luật Cơ yếu; quán triệt, nâng cao nhận thức đối với các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của công tác cơ yếu trong việc đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trước tình hình mới.
Quỳnh Chi