Công tác phối hợp phòng, chống ma túy là trọng tâm hành động quốc gia

Thứ bảy, 04/06/2022 11:15
Dự báo thời gian tới tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác phối hợp phòng chống ma túy, Bộ Công an hai nước xác định công tác phối hợp phòng, chống ma túy là trọng tâm hành động quốc gia. Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Duy tại Hội nghị song phương sơ kết 6 tháng thực hiện bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy tổ chức ngày 3-6 tại TP Huế.
Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng, nằm trên bán đảo Đông Dương, chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ tình hình tội phạm ma túy ở khu vực "Tam giác vàng", một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào trải dài 2.300 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam- Lào.

Sau 6 tháng triển khai thực hiện bản ghi nhớ, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan phát hiện, đấu tranh thành công 112 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, bắt giữ 140 đối tượng, thu giữ 83,6 kg heroin, 109 kg ma túy tổng hợp. Trong đó, xác định có 26 tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ; phối hợp bắt giữ 16 đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang lẩn trốn tại Lào.

Theo Bộ Công an Việt Nam, Việt Nam và Lào là hai quốc gia chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ tình hình tội phạm ma túy ở khu vực "Tam giác vàng" - một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Ma túy sử dụng chủ yếu tại Lào vẫn là dạng tổng hợp gốc amphetamine (ATS), sau đó là heroin, thuốc phiện, cần sa, đồng thời là điểm trung chuyển một lượng lớn tiền chất đến khu vực "Tam giác vàng" để sản xuất trái phép các chất ma túy. Tuyến biên giới Bắc Lào được xác định là tuyến trọng điểm về nguồn cung ma túy vào địa bàn Lào; tuyến phía Nam Lào tiếp giáp với Việt Nam và Campuchia được coi như "cửa ra" của các loại ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào sang nước thứ ba.

Nhiều tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn được thiết lập có sự câu kết của các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu người Lào, Trung Quốc với các đối tượng người Việt Nam) "cắt rừng" vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Tội phạm ma túy trên tuyến này hoạt động hết sức manh động, liều lĩnh, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí "nóng" tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho biết, sau nạn dịch COVID-19, hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy có liên quan đến hai nước đang có xu hướng gia tăng; đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng và manh động hơn; tội phạm ma túy có sự liên quan với tội phạm hình sự, kinh tế, buôn lậu, chúng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, trang bị vũ khí, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Dự báo thời gian tới tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, trước yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác phối hợp phòng chống ma túy, Bộ Công an hai nước xác định công tác phối hợp phòng, chống ma túy là trọng tâm hành động quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, tại Hội nghị, hai đoàn đại biểu và các lực lượng chức năng hai nước tập trung cùng nhau trao đổi, đánh giá thẳng thắn, trách nhiệm về tình hình, kết quả đã đạt được, tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong quá trình hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa hai nước và thảo luận, thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống ma túy giữa hai nước trong thời gian tới.

HẦU TỶ