Croatia, Argentina, Morocco và Pháp vào Bán kết: Không cần đẹp, chỉ cần thắng
Chất thép đánh chết cái đẹp
Lại là Livakovic, trở thành người hùng cản quả 11m đầu tiên mà Rodrygo thực hiện cho Selecao. Để sau đó, hậu vệ Marquinhos bị áp lực đá dội cột dọc. 4-2 là tỷ số penalty nghiêng về đội bóng đã chủ động đưa trận đấu về chấm 11m, sau khi hai đội hòa nhau 1-1 trong hơn 120 phút thi đấu. Neymar đã mở tỷ số rất đẹp mắt, nhưng khi chỉ còn 4 phút cuối cùng hiệp phụ Croatia đã vùng lên gỡ hòa với pha ghi bàn của Petkovic.
HLV Tite đã sai lầm? Ông đã không làm điều mà nhiều đội khác hay làm là tấn công, tấn công dồn dập đội bóng trước đó đã thi đấu hơn 120 phút?. Ứng cử viên số 1 cho chức vô địch đã phải trả giá. Và chính Tite cũng phải trả giá bằng chiếc ghế HLV trưởng ngay sau trận thua này.
Các học trò của HLV Santos còn tệ hơn thế trước Morocco khi không ghi nổi bàn thắng nào. Thủ môn Bounou tiếp tục có thêm một trận thi đấu xuất thần để làm nản lòng các chân sút Bồ Đào Nha, trong khi đó, En-Nesyri lại chọc thủng lưới Costa trong pha hãm thành hiếm hoi. Thủ môn Bồ Đào Nha chắc chắn sẽ nhận một vết nhơ trong sự nghiệp khi cộng cả đôi tay vẫn thua trong cuộc tranh chấp bóng bổng tay đôi này. Trong khi đó, Bounou lại biến các cú dứt điểm của Joao Felix, Ramos, Ronaldo… trở nên “hiền lành” hơn bao giờ hết. Cho đến Tứ kết, thủ thành gốc Canada vẫn chưa để thủng lưới bàn nào, trừ bàn phản lưới nhà của đồng đội.
Công bằng mà nói, Morocco xứng đáng đi vào lịch sử là đội tuyển châu Phi lọt vào vòng Bán kết một kỳ World Cup. Nhưng người giúp họ cũng chính là Bồ Đào Nha, trong một ngày mà những đường tạt, vốn là đặc sản bóng đá xứ Bồ, được Diogo Dalot, Bruno Fernandes Bruno Fernandes, Leao… thực hiện khá nghiệp dư. Ronaldo đã khóc, nước mắt của sự bất lực trong kỳ World Cup có lẽ là cuối cùng trong sự nghiệp.
Đẳng cấp lên tiếng
Ở cuộc đối đầu với Hà Lan, Argentina cũng khó khăn khi phải đối mặt với nhiều lớp tường phòng ngự. Tuy nhiên, sự khác biệt được tạo ra bởi Messi. Đó là phút 35, Messi đón bóng và bắt đầu tăng tốc. Một nhịp dứ bóng của M10 khiến Nathan Ake lạc nhịp và khe hở lộ ra, ngay lập tức một cú tỉa bóng vặn lưng Van Dijk, mở ra không gian trước đó còn bị bịt kín cho Molina. Và bàn thắng đã đến với điệu Tango. Lại là Messi, sau đó nâng cách biệt lên chấm 11m. Và khi Hà Lan nỗ lực san bằng tỷ số 2-2, dẫn cả hai đi nốt 2 hiệp phụ, Messi với cú sút penalty thành công đầu tiên đã thúc đẩy sự tự tin cho các đồng đội trong khi Hà Lan suy sụp với 2 cú sút hỏng của Van Dijk và Berghuis.
Được liệt vào hàng những “ông già” còn tham chiến ở giải lần này, M10 đột nhiên trở nên “trẻ trung” đến bất ngờ như thời đỉnh cao khi còn khoác áo Barca, bền bỉ và đẳng cấp. Trong khi Ronaldo, Hary Kane, Van Dijk, Lukaku bộc lộ sức nặng của tuổi tác khá rõ, Messi đã có bàn thắng thứ 4 tại Qatar, nâng tổng số lần lập công thứ 10 tại các kỳ World Cup lên con số 10, cân bằng kỷ lục của tiền bối Batistuta, là cầu thủ Argentina thi đấu nhiều nhất ở World Cup với 24 lần ra sân.
Ở trận Tứ kết còn lại, người Anh thực sự đã làm khá tốt việc hạn chế sức mạnh của nhà đương kim vô địch Pháp. Mbappe bị hạn chế rất nhiều bởi kinh nghiệm dày dạn của Kyle Walker. Nhưng khi Mbappe gặp khó, đã có… Griezmann! Thống kê chỉ ra trong hiệp một, Griezmann đã chuyền thành công 26 trong 27 đường. Một trong số đó, đã tạo cơ hội để Aurelien Tchouameni ghi bàn bằng cú sút xa, mở tỷ số cho gà trống. Phút 54, khi Pháp bị gỡ hòa từ cú đá phạt đền của Harry Kane, Griezmann lại tiếp tục giúp Pháp dành lại lợi thế. Cú tạt bóng hoàn hảo của Griezmann đưa Olivier Giroud vào thế không thể tốt hơn để bay người đánh đầu hoàn hảo từ cự ly gần đánh bại Pickford thêm một lần, giúp nhà đương kim vô địch giành vé vào Bán kết. Riêng Griezmann, với pha kiến tạo thứ 27 và 28, tiền vệ thuộc biên chế Atletico Madrid vượt qua cả Thierry Henry lẫn Zinedine Zidane (cùng có 26 pha kiến tạo) để trở thành chân chuyền tốt nhất của đội tuyển Pháp trong suốt 50 năm qua.
Chờ đợi gì ở Bán kết?
Bán kết lại tái hợp những cuộc đối đầu giữa 2 trường phái bóng đá tấn công và phòng ngự: Croatia- Argentina, Morocco- Pháp. Có một dự báo khả năng trận Chung kết sẽ tái lặp cuộc đối đầu Pháp- Croatia như 4 năm trước và một chút cảm giác lo âu khi ngại rằng Argentina và Pháp sẽ lại bước vào vết xe đổ của Nhật Bản, Tây Ban Nha, Brazil và Bồ Đào Nha. Đồng nghĩa 2 trận bán kết sẽ nhàm chán, không xuất hiện những màn đôi công hấp dẫn như mong đợi. Có lẽ đúng nhưng cũng có thể không. Croatia lẫn Morocco chấp nhận cách chơi “xù xì” để đạt mục tiêu vào bán kết sẽ khó từ bỏ “tuyệt chiêu” mà họ đã hạ gục những tên tuổi lớn, nhất là khi đã ở cuối chặng đường. Nhưng cả hai đang thay đổi. Lối chơi mà Modric, Bounou và đồng đội thể hiện trước Brazil và Bồ Đào Nha không còn xơ cứng như vòng bảng, mà phảng phất cái gì đó của nghệ thuật. Đó là nét đẹp của sự chuẩn xác, tính cao trào và là dấu hiệu để hy vọng sẽ có những bất ngờ tiếp theo.
T.S