Cùng đi tù vì giúp “dọn rừng” làm rẫy
Cuối tháng 11-2020, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xét xử phúc thẩm, tuyên bác kháng cáo và xử phạt các bị cáo: Cao Thị Mai (1974) 3 năm 6 tháng tù; Bo Bo Sĩ (1996, cùng trú xã Sơn Lâm, H. Khánh Sơn, Khánh Hòa) 3 năm 3 tháng tù cùng về tội: “Hủy hoại rừng”. Đồng thời, TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận giảm án cho bị cáo Cao Khuân (1986, trú xã Sơn Lâm) từ 3 năm tù giam thành án tù treo. Ngoài ra,Tòa cũng giữ nguyên mức án 3 năm tù treo cùng tội danh trên đối với bị cáo: Cao Thị Tịu (1995, trú xã Sơn Lâm) do không kháng cáo.
Bị cáo Mai, Sĩ và Khuân tại tòa. |
Theo hồ sơ vụ án, tháng 2-2019, Mai cùng Tịu (con gái Mai) và Tro Thị Lệ (cùng trú thôn Kô Róa, xã Sơn Lâm) tự ý vào khu vực Tiểu khu 264 rừng phòng hộ ở xã Sơn Lâm thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ huyện Khánh Sơn (nay là BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) để chặt phá rừng lấy đất làm nương rẫy. Lệ, Mai và Tịu, mỗi người tự chọn cho mình một khu vực để phát dọn. Mai chọn phần diện tích thuộc lô 1, khoảnh 4 và lô 5 khoảnh 5 tiểu khu 264 xã Sơn Lâm; Tịu chọn phần diện tích thuộc lô 5 khoảnh 5 tiểu khu 264 xã Sơn Lâm, để chặt phá rừng lấy đất làm nương rẫy. Khi biết Tịu đã phát dọn xong, Sĩ (chồng của Tịu) đã dùng cưa máy cầm tay để cưa hạ những cây gỗ lớn trên diện tích mà Tịu đã phát dọn trước đó.
Sau đó, Mai nhờ Sĩ cưa hạ những cây gỗ lớn trên diện tích mà Mai đã phát dọn. Sĩ cưa khoảng 1 ngày rưỡi thì máy cưa bị hỏng, Sĩ không làm nữa và vứt bỏ máy cưa tại khu vực rừng. Mai tiếp tục thuê Khuân cưa hết những cây to còn lại. Khuân cưa khoảng 1 ngày thì xong.
Ngày 25-2-2019, BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã phát hiện rừng phòng hộ tại lô 1 khoảnh 4 và lô 5 khoảnh 5 tiểu khu 264 xã Sơn Lâm bị chặt phá trái phép, tiến hành lập biên bản kiểm tra và chuyển hồ sơ vụ việc đến Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Sơn để giải quyết theo thẩm quyền. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng xác định: Khu vực bị Mai chặt phá gồm các loại cây gỗ có đường kính từ 15cm đến 75cm (75 gốc), xen lẫn một số cây gỗ có đường kính dưới 15cm và nhiều cây bụi, dây leo. Khu vực bị Tịu chặt phá gồm các loại cây gỗ có đường kính từ 15cm đến 75cm (64 gốc), xen lẫn một số cây gỗ có đường kính dưới 15cm và nhiều cây bụi, dây leo. Tại gốc cây có đường kính trên 15cm, dài từ 2m trở lên có dấu vết bị cưa hạ, chưa bị cắt khúc, có mùn cưa xung quanh; các cây nhỏ hơn có dấu vết bị chặt phá. Cụ thể, tổng diện tích bị Mai chặt phá là 11.134m2 ; Tịu chặt phá là 7.750 m2 . Khu vực bị Mai, Tịu chặt phá thuộc kiểu trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi, là rừng phòng hộ đầu nguồn.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã tách hành vi phạm pháp của đối tượng Tro Thị Lệ để xử lý trong một vụ án khác.
HOÀNG VĂN