Cuộc phỏng vấn Tướng de Castries

Thứ bảy, 04/05/2024 12:15
Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Đã hai ngày tôi quay phim ở trại tù binh. Còn phải quay phim về Tướng de Castries đang ở cách đó vài cây số. Ban chỉ huy trại thấy cần có sự đồng ý của viên tướng này. Hôm nay tôi được thông báo là ông ta không phản đối nhưng muốn gặp tôi trước đó để nói về việc quay phim sắp tới. Chúng tôi đã đi ba tiếng đến ngôi làng mà de Castries đang ở. Trời đã tối khi chúng tôi có mặt ở lán trại, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp của chúng tôi với viên cựu chỉ huy pháo đài Điện Biên Phủ.

Viên tướng Pháp de Castries.
Đạo diễn Roman Carmen.

Ông ta bước vào, dáng cao, gầy với chiếc tẩu trên môi cùng với một chiếc gậy tre. Đang nhìn vào tôi là đôi mắt lạnh lùng màu rong biển, giống như ở hàng trăm bức ảnh từ các trang tạp chí minh họa của Pháp. Chiếc cổ gầy, những ngón tay mảnh khảnh kiểu nhà quý tộc. Trên các bức ảnh được những chiếc máy bay cuối cùng từ Điện Biên Phủ chuyển đến và in trong các cuốn tạp chí thì de Castries trông thật tồi tệ: khuôn mặt hốc hác đầy râu ria, đôi mắt trũng sâu. Đặc biệt bi thảm là bức ảnh về lời vĩnh biệt của ông ta với vợ qua đài phát thanh trong những phút cuối trước khi đầu hàng. Bên cạnh là bức ảnh người đàn bà đang nức nở khổ sở trước micro được chụp tại Hà Nội.

Lê Hòa giới thiệu nhà quay phim Liên Xô với Tướng de Castries. Chúng tôi chào nhau, ông ta nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi đoán rằng cuộc nói chuyện sẽ rất ngắn ngủi. Tuy nhiên, cuộc gặp đã kéo dài. Chúng tôi chia tay khi đêm đã khuya.

Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông ta. Ông ta nhanh chóng và sốt sắng tuyên bố rằng chỉ có thể bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của mình đối với các sỹ quan và chiến sỹ Việt Nam đã đối xử nhân đạo đối với tù binh Pháp.

“Ông có dịp được trao đổi thư từ với quê nhà không?”

“Trong trại chúng tôi được quyền viết. Cá nhân tôi khi là tù binh đã một lần viết thư về Hà Nội, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm của vợ mình. Có thể là bà ấy đã trở về Pháp rồi và bức thư của tôi đã đuổi theo bà ấy”.

Tôi đi vào vấn đề chính. Chúng tôi đang làm một bộ phim phản ánh các sự kiện ở Việt Nam. Tôi muốn quay phim viên tướng trong bối cảnh ông ta đang ở trại.

“Tôi không phản đối”.

“Ngoài ra, tôi muốn được yêu cầu ông dành cho tôi một cuộc phỏng vấn, nói một số câu trước micro”.

Viên tướng Pháp de Castries.

De Castries mỉm cười:

“Ông muốn tôi phát biểu với lời khai nào đó?”

“Tướng quân, ông có thể nói những điều ông muốn”.

“Nhưng dù sao là về điều gì?”

“Vậy, nếu như ông đã hỏi tôi điều này, dĩ nhiên không phải là nói về khí hậu của Việt Nam rồi. Tôi mong sẽ được nghe ý kiến của ông về chiến tranh và hòa bình ở Đông Dương”.

“Được, tôi sẽ nói. Tôi thấy dễ dàng nói về điều đó, về những thử thách đã xảy ra trong số phận của tôi, sự tham gia của cá nhân tôi vào cuộc chiến, việc hình thành những niềm tin hoàn toàn của tôi về chiến tranh và hòa bình. Tôi sẽ nói”.

Rõ ràng là viên tướng muốn tiếp tục câu chuyện. Tôi nói rằng tôi không chỉ làm phim mà còn chuẩn bị viết một cuốn sách về thời gian mình đã ở Đông Dương.

“Sau chiến tranh, nếu ông cần tài liệu cho cuốn sách thì tôi sẽ kể với ông nhiều điều. Tôi phải chắc chắn rằng cuộc nói chuyện hôm nay của chúng ta sẽ không được công bố cho đến khi kết thúc chiến tranh. Ông có thể hứa với tôi điều đó không? Tôi sẽ sẵn lòng kể với ông nhiều điều”.

“Tôi xin hứa với ông, thưa tướng quân!” - tôi nói.

Cuộc đối thoại thẳng thắn trong lán tre với viên tướng tù binh de Castries ở Điện Biên Phủ đã được bắt đầu như vậy. Cơn mưa rào nhiệt đới trút xuống ào ào. Trên bàn là chai rượu “Dubon” và chiếc phin đựng cà phê đặc.

Tôi đã kể với de Castries về cuộc trò chuyện ngắn với một Đại úy Pháp. Viên Đại úy đó có nói rằng Điện Biên Phủ hoàn toàn không phải là chiến thắng của người Việt Nam, mà chỉ là kết quả sự tập trung quy mô lớn của các lực lượng Quân đội nhân dân chống lại khu đồn trú nhỏ của pháo đài.

De Castries mỉm cười:

“Viên đại úy đó chỉ là một kẻ thiếu hiểu biết. Bởi trong đó là cả một nghệ thuật quân sự! Napoleon cũng biết cách tập trung các lực lượng lớn tấn công vào lực lượng nhỏ bé của kẻ thù. Quân đội Việt Nam đã thể hiện chiến lược cao trong trận chiến này. Tướng Navarre đã tập trung ở Điện Biên Phủ một quả đấm quân sự đáng kể, nhưng chiến thuật tập trung của ông ta đã bị bẻ gãy bởi chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp đã buộc Navarre phải xé lẻ các đội quân của mình. Các hoạt động quân sự ở Luang Phrabang và ở cả đồng bằng buộc Navarre phải phân tán lực lượng của mình và đã phá hỏng kế hoạch của ông ấy. Tôi nói điều này không phải vì tôi không tôn trọng Navarre ở vị trí Tư lệnh. Ông ta khá mạnh về chiến lược. Tôi biết rõ ông ấy. Từ một binh nhì đến khi làm tướng tôi đã từng dưới sự chỉ huy của ông ta. Ông ta đã thuyết phục tôi đến Việt Nam. Nhưng lần này Navarre đã sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi, thuần túy là những quân nhân cần phải nói một cách trung thực: Chúng tôi đã thua trận Điện Biên Phủ!”.

Chúng tôi im lặng. Viên tướng đưa tách cà phê lên môi, tôi thấy bàn tay ông ta hơi run.

“Tướng quân, ông có cho rằng sự thất bại của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đánh dấu sự khởi đầu của một chuỗi thất bại trong tương lai không? Phải chăng sự thất bại ở Điện Biên Phủ đánh dấu sự suy sụp tinh thần của quân viễn chinh Pháp?”

“Hẳn vậy rồi! Không chỉ bây giờ tôi mới nói điều này mà nhiều lần tôi đã nói với Navarre: Nếu ông để mất Điện Biên Phủ thì ông sẽ thua trong cuộc chiến ở Đông Dương”. Bất kể kết cục nào của Điện Biên Phủ, dù thắng hay thua - đều sẽ là kết cục cuối cùng của cuộc chiến”.

“Ông nói về sự thất vọng của chiến tranh, nhưng chẳng lẽ giờ đây có thể xóa khỏi lịch sử những năm tháng của cuộc chiến này và tất cả những khó khăn mà nhân dân Pháp đã phải chịu đựng? Mỗi ngày của cuộc chiến, Pháp đã tiêu tốn 2 tỷ franc, phải không?”

“Đúng vậy, nếu không nói là hơn thế. Thật là khủng khiếp khi những thanh niên Pháp đã thiệt mạng ở Việt Nam!”

“Hàng triệu người ở Pháp đã biết tình trạng thực sự ở Đông Dương? Vì sao một cô gái Pháp bình thường Raymond Diene đã nằm trên đường ray để ngăn đoàn tàu chở vũ khí, vậy mà chính phủ, các chính khách, các bộ trưởng lại không biết điều gì sao? Xét theo lời ông thì ông cũng ủng hộ hòa bình ở Đông Dương?”

“Những chính khách của chúng tôi! Họ đã không muốn và hiện giờ cũng không muốn biết điều gì cả. Suốt 5 năm trở lại đây toàn thể người dân Pháp đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Trước đây nhiều người nghĩ rằng đó là cuộc chiến vì lợi ích của Pháp. Một sai lầm thảm hại! Hầu hết các nghị sỹ cũng không hiểu gì và chỉ có những người cộng sản, chỉ có những người như Raymond Diene là biết rõ sự thật. Tôi biết nhiều nghị sỹ đó sau này đã trở thành bộ trưởng. Thế mà chưa bao giờ có một ai dạy cho họ về vấn đề Việt Nam. Chỉ đến khi hàng nghìn người Pháp đã thiệt mạng trong cuộc chiến này, khi mà nhiều gia đình phải mặc đồ tang thì người ta mới bắt đầu suy ngẫm… Hiện giờ đã đến một bước ngoặt. Tôi đặt nhiều hy vọng vào thủ tướng mới Mendes Frans”.

“Các ông đã thay đổi nhiều thủ tướng, còn chiến tranh thì vẫn tiếp diễn”.

“Đúng vậy, chúng tôi đã có nhiều chính phủ. Họ có những quan điểm khác nhau nhưng chưa có một chính phủ nào đủ can đảm kêu gọi nước Pháp tự lực. Tất cả các chính phủ của chúng tôi lập ra chính sách của mình đều hướng về Mỹ. Nước Pháp, về thực chất đã bị chiếm đóng bởi các đội quân của Mỹ, họ điều hành ở đất nước chúng tôi như ở nhà mình vậy. Pháp nhận tiền từ người Mỹ, thực hiện chính sách của Mỹ khi hy vọng rằng sau này sẽ không phải trả tiền. Đã từ lâu ở Pháp có một số người lo sợ đoàn quân viễn chinh trở lại quê hương. Tôi thẳng thắn nói với ông điều này: trong chúng tôi có những người có uy tín lớn trong dân chúng”.

“Tuy nhiên, quân viễn chinh cho đến nay vẫn ngoan ngoãn thực hiện ở Việt Nam đường lối chính trị của giới cầm quyền Pháp”.

De Castries phẩy tay:

“Đã chẳng có đường lối chính trị thống nhất nào ở Đông Dương cả. Về phía mình, chúng tôi đơn thuần là những quân nhân. Ông khó mà hiểu được điều này, các ông có những quan điểm khác. Chúng tôi sẽ bị đuổi ra khỏi quân đội nếu dính líu đến chính trị… Chúng tôi chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ quân sự”.

“Trận Điện Biên Phủ - đó là nhiệm vụ quân sự, tôi đồng ý. Thế những cuộc chinh phạt thì sao? Theo tôi, đó là chính trị và tiếc rằng quân đội Pháp đã làm thứ chính trị đó ở Việt Nam. Đúng thế chứ, tướng quân?”

De Castries châm lại hồi lâu chiếc tẩu đã bị tắt.

“Rất tiếc là đúng vậy - ông ta nói, cúi đầu xuống. - Đừng quên rằng các đội quân của Pháp đã phải trả giá đắt vì những cuộc chinh phạt đó, điều này thì ông biết không kém gì tôi. Nhiều máu của chúng tôi đã đổ trong các chiến dịch như vậy”.

“Đúng vậy, nhiều máu đã đổ khi một bên là pháo binh, máy bay, bom na-pan và xe tăng, còn từ phía bên kia là những người được trang bị bằng gậy tre…”.

“Rõ ràng là ông biết tình hình ở Việt Nam, và ông có thể trả lời câu hỏi này tốt hơn tôi - de Castries nói nhanh vẻ căng thẳng - Không chỉ là gậy tre đâu! Ở đồng bằng - là các đội du kích, những đội quân thường trực, các Tiểu đoàn 42, 46 và 50. Vào tuần trước ai đã tiêu diệt một nửa tiểu đoàn của chúng tôi ở Hưng Yên? Vì sao các Tiểu đoàn 701 và 702 của chúng tôi đã hoàn toàn bị tiêu diệt ở đồng bằng? Ai đã tiêu diệt họ - chẳng phải là các đội quân của Việt Nam sao? Còn “các làng Kháng chiến” ở đồng bằng nữa! … Đã mất đi biết bao máu của binh lính Pháp!”

“Tướng quân, chính ông nói là “Kháng chiến”. Họ đã kháng chiến để bảo vệ nhà cửa, con cái của mình. Tôi không biết số hiệu của các trung đoàn và tiểu đoàn, nhưng tôi biết rõ rằng, người Việt Nam đấu tranh để sống. Và tướng quân, ông đã nhìn rất xa khi nói về sự thất vọng của cuộc chiến này”.

“Đúng, bây giờ thì tôi chỉ có thể nói như vậy. Và tôi phải nói với ông, ông Carmen, rằng tất cả những gì mà tôi nói hôm nay - đó là những ý nghĩ chân thực của tôi. Tôi đã nói rất thẳng thắn. Nếu ở điểm nào đó mà chúng ta không đồng thuận do có sự khác biệt chính kiến thì cũng có những vấn đề mà chúng ta cùng chung ý kiến. Những người có nhiệt huyết và thiện chí dễ dàng đồng thuận”.

“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có cơ hội tiếp tục cuộc nói chuyện - tôi nói - Tôi cũng xin lỗi ông trước, nếu tôi đã nói, có lẽ là quá thẳng thắn”.

Chúng tôi đứng dậy. Cơn mưa rào đã ngớt.

“Nếu có dịp - de Castries nói - tôi muốn được đến thăm đất nước của ông, được tận mắt nhìn thấy tất cả những gì mà các ông đã làm được. Sự thiếu hiểu biết về Liên Xô - là một khoảng trống lớn trong trải nghiệm cuộc đời của tôi. Tướng Catroux, cựu đại sứ tại Liên Xô đã kể với tôi nhiều điều tốt đẹp về đất nước của các ông. Ông ấy là người bạn cũ, là đồng ngũ cùng trung đoàn với cha tôi, đối xử với tôi như một người cha. Mới đây Catroux đã tuyên bố rằng ông ấy ủng hộ hòa bình ở Việt Nam. Ông ấy đã nói lên tuyên bố này sau khi tôi viết cho ông ấy một bức thư dài từ Điện Biên Phủ”.

Chúng tôi chào tạm biệt, hẹn sẽ gặp lại vào hôm sau.

Đến sáng tôi quay phim tướng de Castries. Ông ta đã cạo râu thật nhẵn nhụi, ăn mặc chỉnh tề. Trước khi quay phim, ông ta đã lưu ý tôi về yêu cầu gửi các bức ảnh của ông ấy cho vợ mình ở Paris.

Tôi đã chụp một vài bức ảnh ông ấy dạo bước trong vườn chuối, quay phim cuộc chuyện trò của ông ấy với một sĩ quan trẻ của quân đội Việt Nam.

Một lần nữa ông ta lại được đề nghị phát biểu trước micro.

“Xin mời, tôi đã sẵn sàng”.

Tôi bật máy ghi âm. Tướng de Castries nói:

“85% nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Toàn thể dân tộc Việt Nam mong muốn chấm dứt cuộc chiến này. Tôi cho rằng cần sớm kết thúc chiến tranh”.

Cuộc phỏng vấn này đã được đưa vào bộ phim “Việt Nam”. Tôi cảm ơn viên Tướng. Chúng tôi chào tạm biệt nhau.

“Tôi hy vọng - tôi nói - rằng sự mong muốn thực lòng của ông về việc kết thúc chiến tranh sẽ được thực hiện và ông sẽ nhanh chóng được trở về với gia đình của mình”.

“Tôi sẽ vui mừng được gặp ông tại Pháp, được đón tiếp ông ở nhà tôi” - de Castries nói.

* Trích Hồi ký của Roman Carmen.

Theo CAND