Đà Nẵng cam kết đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày 22-8, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng tổ chức buổi họp báo về sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) TP Đà Nẵng- SURF 2024.
Buổi họp báo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng gần 100 phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương, địa phương.
Surf 2024 mở cánh cửa kết nối
SURF 2024 là sự kiện thường niên dành cho cộng đồng KNĐMST nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại Đà Nẵng, tạo sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các thành tố trong hệ sinh thái và hỗ trợ các startup kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và tuyển dụng.
Dự kiến SURF 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 29 và 30-8-2024 tại Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) với chủ đề “Vươn tầm sáng tạo - Kết nối toàn cầu” và truyền tải thông điệp “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Đà Nẵng chủ trì thực hiện. Các hoạt động chính của sự kiện, bao gồm: Triển lãm về hoạt động KNĐMST trên nền tảng triển lãm thực tế ảo từ ngày 15-8 đến ngày 30-12-2024, dự kiến có 80 gian hàng. Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thu hút 30 đội thi tham gia, dự kiến vòng Chung kết sẽ tổ chức vào ngày 29-8-2024 và trao giải tại phiên khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng vào sáng ngày 30-8-2024.
Ngoài ra, các hoạt động chính khác diễn ra tại SURF 2024 là các hội thảo về khoa học Đà Nẵng – Seoul, “Công nghệ tiên phong - Khởi nghiệp bền vững”, "Mô hình và mạng lưới phát triển các câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng", kết nối đầu tư Đà Nẵng - Hàn Quốc - Singapore, trình bày ý tưởng - Kết nối đầu tư trong khởi nghiệp, triển lãm về hoạt động KNĐMST cho hơn 90 gian hàng tham gia trực tiếp tại Ngày hội, ra mắt không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Singapore.
SURF 2024 quy tụ, gặp gỡ trao đổi, kết nối đầu tư của các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các đối tác trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng và thu hút sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tìm hiểu của cộng đồng. SURF cũng là nơi để các startup giới thiệu các dự án, công nghệ, sản phẩm khởi nghiệp của mình đến với các nhà đầu tư và cộng đồng. Đồng thời qua sự kiện cũng tìm kiếm hỗ trợ phát triển các dự án KNĐMST tiềm năng và hỗ trợ nâng cao các chủ thể trong hệ sinh thái KNĐMST của TP.
Bà Lê Thị Thục- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KNĐMST và cơ quan thường trực Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, Sở tham mưu UBND TP triển khai các chính sách về KNĐMST, trong đó có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp sáng tạo và triển khai các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, vào ngày 26-6-2024 vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có 4 nhóm chính sách đặc thù về KHCN, ĐMST mang tính đột phá, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay.
“Với các cơ chế chính sách và sự nỗ lực chung của cả cộng đồng, các thành tố trong hệ sinh thái, chúng tôi tin rằng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng”, bà Lê Thị Thục nhấn mạnh.
Chính sách thành phố ưu tiên cho KNĐMST
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đề nghị được làm rõ hơn về Nghị quyết số 136, những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, sự hỗ trợ của TP, các trường đại học đối với công tác KNĐMST. Ngoài ra, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên hiện tại đang phát triển như thế nào?
Trả lời về Nghị quyết 136, bà Lê Thị Thục cho biết: Nghị quyết đã có những tác động đáng kể, đặc thù đối với công tác KNĐMST. Theo đó, nhóm các chính sách về hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KNST, đặc biệt là ở giai đoạn còn non yếu, đối mặt với nhiều rủi ro thách thức của thị trường góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát, dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi đánh giá, hoàn thiện công nghệ trong điều kiện thực tế nhằm khuyến khích tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, trong một số lĩnh vực, vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả để phát triển doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ và đóng góp vào sự phát triển chung của TP. Chính sách khai thác tài sản kết cấu hạ tầng KH&CN phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nội dung quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng các không gian đổi mới sáng tạo, cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển. Đây cơ chế rất cần thiết để giúp các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp có không gian để làm việc, sản xuất thử sản phẩm, phát triển dự án, hoàn thiện công nghệ cũng như có cơ hội tiếp cận, kết nối với các nguồn lực chuyên gia, nguồn lực tài chính để phát triển doanh nghiệp.
“Riêng đối với nhóm miễn thuế, Sở đang phối hợp với Cục Thuế TP Đà Nẵng từ đó xây dựng kế hoạch, các trình tự thủ tục, tham mưu cho HĐND để được hưởng các chính sách mà quốc hội cho phép. Theo yêu cầu của lãnh đạo TP trong năm 2024, Sở phải hoàn thành hết để đầu năm 2025, khi nghị quyết 136 có hiệu lực thi hành thì các chính sách của TP sẵn sàng để “chạy” theo từng nhóm mà nghị quyết đưa ra”, bà Lê Thị Thục cho biết thêm.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu- Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa cho biết: “Ngay trong trường đại học, chúng tôi đưa những môn học liên quan đến KNĐMST vào chương trình đào tạo. Hằng năm trường đều có chương trình nghiên cứu khoa học, để trình, báo cáo, là những ý tưởng đầu tiên. Đơn cử như: làm máng cho thức ăn gia súc, áo phao cứu hộ, xe xử lý rác thải trên biển, rửa xe máy tự động. Bên cạnh đó, trường đã thành lập không gian KNĐMST với những máy móc cơ bản để các em tạo những mô hình ban đầu. Ngoài ra, Trường cũng đã có hơn 10 trung tâm chuyển giao công nghệ là nơi các thầy cô chuyển giao những nghiên cứu ý tưởng mới, và đã tạo được nguồn thu lớn. Trường cũng đã kết hợp với các nước như Singapore để trao đổi giáo dục về KNĐMST. Chúng tôi kỳ vọng các em có thể có được sản phẩm từ trong trường rồi mang vào ứng dụng, kinh doanh trong xã hội”.
PGS-TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết thêm: “Đại học Đà Nẵng đã triển khai chương trình đào tạo KNĐMST vào đào tạo, tích hợp vào môn học, vào chương trình nhà trường dưới hình thức ngoại khóa, nghiên cứu khoa học của sinh viên thu hút sự tham gia rất lớn của các em sinh viên. Cuối tháng 8, 3 trong 10 dự án sẽ được báo cáo là của Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng cũng đã tổ chức các cuộc thi về nghiên cứu KNĐMST, riêng năm 2023, Đại học Đà Nẵng dành hơn 100 triệu đồng để thưởng cho các thành tích cao. Cuộc thi năm nay dự kiến số tiền sẽ lớn hơn rất nhiều”.
Vừa qua, Đà Nẵng đã kết nối và phát triển với Hàn Quốc và đã xây dựng khu KNĐMST tại TP Seul. Các DN Hàn Quốc khi đến Đà Nẵng cũng có nơi để kết nối với doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp. Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục kết nối với Singapore, thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore, hỗ trợ về mạng lưới sinh thái của Singapore và địa điểm để DN Việt dễ dàng tiếp cận mạng lưới. Ngoài ra, Sở đã mời được hơn 10 quỹ đầu tư uy tín trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng, tạo cơ sở cho các dự án khởi nghiệp TP tiếp cận.
Ông Lê Đức Viên- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng thông tin: Trải qua 10 năm đeo đuổi sự nghiệp KNĐMST, Đà Nẵng đã mạnh dạn đưa ra những nghị quyết đặc thù, từ đó đã hỗ trợ được 179 dự án khởi nghiệp, hình thành gần 70 doanh nghiệp KNĐMST. Trong 3 năm trở lại đây, TP đã hỗ trợ ngân sách hơn 5 tỷ đồng. Thương hiệu KNĐMST của Đà Nẵng đã được vinh danh liên tục trong 3 năm. Đặc biệt, tổ chức xếp hạng KNĐMST toàn cầu đã đánh giá Đà Nẵng là 1 trong 3 địa phương của VIệt Nam lọt vào danh sách, đủ các điểm thành phần được đánh giá, xếp hạng 896. “Đây là một vinh dự rất to lớn khi Đà Nẵng đã đầy đủ các yếu tố của một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Nhận thức và tinh thần khởi nghiệp ở Đà Nẵng đã có sự phát triển và lan tỏa rất mạnh mẽ”, ông Lê Đức Viên nhấn mạnh.
Lê Anh Tuấn