Đà Nẵng chủ động phòng chống bão Côn Sơn

Thứ bảy, 11/09/2021 15:36

Dù chưa đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên Bão Côn Sơn đã có gió dật mạnh, gây mưa lớn trên diện rộng tại TP Đà Nẵng đêm 10, sáng 11-9.

Tổ trưởng dân phố Lê Văn Nhân cắt cây giúp dân chống bão. Video clip: Thành Chung

Dự báo đêm nay (11-9), bão sẽ áp sát vùng biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, mưa lớn tiếp tục kéo dài. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

                       

                      

Lực lượng Công an và các lực lượng hỗ trợ ngư dân kéo tàu thuyền

Theo ghi nhận của Chuyên đề Công an Đà Nẵng, do ảnh hưởng của bão Côn Sơn, từ sáng 10-9, các địa phương tại Đà Nẵng đã chủ động các phương án chống bão, tránh thiệt hại. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ của lực lượng Công an và quân đội, Bộ đội biên phòng tại các địa phương ven biển Đà Nẵng đã triển khai giúp người dân cẩu, kéo tàu thuyền lên bờ để tránh bão. Khu vực bãi biển Mân Thái, Thọ Quang đến sáng 11-9 có hơn 500 ghe, thuyền gắn máy đã được kéo lên, đưa lên bờ an toàn.

Sáng 11-9, tại một số tuyến đường, công trình trọng điểm, nước ngập cục bộ cũng đã xảy ra. Ở khu vực đang thi công hầm chui Cầu Trần Thị Lý tại nút Duy Tân – Núi Thành, nước cũng đã tràn lên mặt nền. Các đơn vị  thi công phải tháo nước để khơi thông dòng chảy, thoát nước khỏi khu vực công trình, không để điểm ngẽn.

 

Hỗ trợ ngư dân kéo tàu thuyền và chằng chống nhà cửa tại quận Liên Chiểu

Trong khi đó, để chủ động cuộc sống sinh hoạt, ngoài chằng chống nhà cửa bằng dây, bao cát, người dân nhiều nơi đã đặt hàng mua đèn sạc dự trữ hòng khi bão vào đất liền gây mất điện. Anh Công Thành, trú tổ 64 phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong sáng 11-9, cửa hàng của anh đã bán cho bà con hàng chục đèn dự trữ, có thể sạc điện và sử dụng từ 8-10 giờ đồng hồ nếu mất điện.

Người dân Đà Nẵng mua đèn, sạc dự trữ phòng ngừa mất điện

Tại quận Liên Chiểu, buổi sáng cùng ngày các lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương các vùng biển thuộc phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc vẫn gấp rút triển khai giúp dân đưa số thuyền thúng còn lại đến nơi an toàn để tránh bão; chằng chống nhà cửa. Gần 200 CBCS Công an, biên phòng, dân phố, dân quân thường trực, đoàn thanh niên và hộ dân có thuyền, thúng tiến hành các biện pháp để di chuyển thuyền, thúng đến nơi cao ráo. Đến nay, có khoảng gần 300 thuyền, thúng của ngư dân được chuyển đến nơi an toàn. Lãnh đạo CAQ Liên Chiểu cho hay, đã huy động hơn 100 lượt CBCS CAQ và các phường giúp dân, vừa kéo tàu thuyền lên bờ vừa chằng chống nhà cửa cho nhân dân, trong đó có hàng chục hộ có người đi cách ly tập trung; hỗ trợ đối với những gia đình neo đơn hoặc những trường hợp cần trợ giúp trong việc phòng chống bão.

                                 

Lãnh đạo BĐBP chỉ đạo CBCS chuẩn bị các phương án phòng chống bão

Theo Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng, đơn vị đã chỉ đạo CBCS thường trực 100% quân số, duy trì 20 tàu, xuồng, ô tô sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão số 5. Đến sáng 11-9, các đơn vị đã liên lạc được với gần 1.300 phương tiện, trong đó, 1.235 phương tiện đang nằm bờ, hiện còn một số phương tiện đang còn ở trên biển (trong đó có 3 phương tiện vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm, 2 phương tiện ở vùng biển Phú Yên, 1 phương tiện đang ở vùng biển Tây Trường Sa). Đồng thời, yêu cầu Hải đội 2 sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn trên biển khi có lệnh.

BĐBP kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Các đồn Biên phòng Hải Vân, Phú Lộc, Sơn Trà, Non Nước và Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng cũng đã cử lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa. Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang hướng dẫn ngư dân sắp xếp, neo đậu các phương tiện đảm bảo an toàn khi bão vào.

Đại tá Trần Công Thành cho biết thêm, hiện đơn vị vẫn đang tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình về cơn bão số 5 để kịp thời có các biện pháp ứng phó. Đối với các tàu còn đang hoạt động trên biển, đơn vị thường xuyên duy trì liên lạc, thông báo về diễn biến, hướng đi của bão số 5 để di chuyển vòng tránh.. Các đơn vị sẵn sàng lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương di dời người dân ở vùng trũng, vùng nguy hiểm khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố cũng yêu cầu các đơn vị triển khai công tác phòng, chống bão số 5 khẩn trương, hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

                           

                            

Nước ngập cục bộ tại khu vực công trình hầm chui Trần Thị Lý

Tại cuộc họp chiều 10-9, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị, địa phương nhất quyết không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống bão và không để lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình chống bão. Các sở, ban, ngành và địa phương phải rất chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bão, trong đó việc tổ chức lực lượng và phương án sơ tán dân đến nơi trú bão an toàn là trên hết.

Công Hạnh