Đà Nẵng “đau đầu” giải bài toán đô thị hóa và quản lý khai thác khoáng sản (Bài 3: Cấp phép chặt, quản lý lỏng?)

Thứ bảy, 14/08/2021 07:04

Việc cấp phép mới, gia hạn giấy phép khai thác đá phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và phù hợp với Quy hoạch khoáng sản đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt. Đề án khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường đều thực hiện nghiêm túc, được thẩm định chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều mỏ đá lại khai thác vượt công suất; khai thác ngoài ranh giới; khai thác trái phép; giám sát môi trường định kỳ không đúng quy định... cho thấy công tác quản lý còn lỏng lẻo.

Một mỏ đá kết hợp khai thác, xay nghiền, vận chuyển nằm trong "trận địa đá” tại xã Hòa Nhơn. 

Trong lần trả lời phỏng vấn Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về vấn đề cấp phép, quản lý trong và sau khai thác của các mỏ đá cũng như bài toán phục hồi môi trường sau quá trình phát triển nóng, ông Tô Văn Hùng- Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay, theo quy định thì khi đi vào hoạt động cũng như khi dừng khai thác, các mỏ đá phải lập đề án để cơ quan chức năng thẩm định và bắt buộc thực hiện nghiêm túc. Nhưng cũng phải thừa nhận đây là vấn đề còn thiếu bài bản.

“Cái mà chúng ta thấy bằng mắt thường là khai thác để lại hiện trường nham nhở. Một phần là quản lý lỏng lẻo của địa phương. Họ bóc tận thu đất để lại một hiện trạng phía Tây thành phố như vậy. Công tác phục hồi lại không được bài bản. Bọn tôi nhận diện khá đầy đủ các vấn đề tồn tại và đang tiếp cận nhiều giải pháp khắc phục”, ông Hùng cho hay.

Cũng về vấn đề này, phía chính quyền địa phương, cụ thể là UBND H. Hòa Vang, nơi có phần lớn các mỏ khoáng sản của Đà Nẵng lại khẳng định huyện ở vào tình thế “đứng nhìn thôi chứ không biết làm chi”. Ông Nguyễn Tấn Khoa- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc cấp phép, ký quỹ, gia hạn…  là do Sở TN&MT làm hết. Trên thực tế, quản lý một mỏ đá gồm rất nhiều đơn vị như: Cảnh sát Môi trường, công an huyện, chính quyền xã, huyện và Sở. Lâu nay việc cấp phép, ký quỹ hoạt động thì làm việc với Sở, ô nhiễm môi trường, cắt tầng có đúng quy định không cũng là cơ quan chức năng của Sở đo đạc, tính toán chứ không thể đánh giá bằng mắt thường. Theo lý giải của ông Khoa, ngoài một số ít diện tích đất đã hoàn thổ và bàn giao thì hiện nhiều mỏ đá đã hết hạn khai thác chưa thực hiện đúng thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi để Sở bàn giao cho huyện quản lý theo diện đất công.

“Huyện rất mong muốn Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo quyết liệt về việc khắc phục hoàn thổ. Sau đó bàn giao lại cho địa phương quản lý, khai thác hiệu quả nguồn đất. Một số đơn vị, anh thấy đó, chưa khôi phục môi trường xong thì làm sao mà bàn giao? chưa bàn giao thì huyện không thể quản lý. Anh lấy hết tài nguyên xong rồi còn mấy hố đất ở đó thì làm gì, quản lý làm sao?”, ông Khoa trao đổi.

Từ năm 2016 đến nay, Sở TN&MT phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện các đợt thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Qua các đợt thanh kiểm tra, đo đạc địa hình hiện trạng, đối chiếu số liệu của Cục Thuế thành phố cung cấp, trong thời gian 5 năm qua, Sở đã tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản như: khai thác vượt công suất, khai thác ra ngoài ranh giới, khai thác trái phép, giám sát môi trường định kỳ không đúng quy định,... với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Đối với điểm nóng về ô nhiễm môi trường do khai thác đá gây ra là thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn với 7 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, hiện đã có 4 mỏ chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2020 gồm Hố Bạc, Hố Bạc II, Hố Trầu và Hốc Khế II. 3 mỏ còn lại cũng sẽ chấm dứt hoạt động khai thác giai đoạn cuối năm 2025 gồm Phước Thuận, Suối Mơ II và Hố Bạc 3.

Một quả núi nham nhở vừa bị bóc đất tầng phủ vừa khai thác đá theo kiểu tận thu.

Về công nghệ khai thác, lãnh đạo Sở TN&MT cho hay, các doanh nghiệp được thực hiện theo báo cáo kinh tế kỹ thuật và bản vẽ thiết kế khai thác đã được Sở Xây dựng thẩm định. Theo quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, đều quy định cos kết thúc khai thác của các mỏ đá, như tại khu vực Phước Thuận, xã Hòa Nhơn các mỏ được khai thác đến cos +20m. Hiện tại, các mỏ tại đây chưa khai thác đến cos kết thúc cho phép, trữ lượng mỏ vẫn còn. Trong các đợt kiểm tra đều có yêu cầu các đơn vị khai thác đá thực hiện đúng thiết kế mỏ, cắt tầng, hạ độ cao vách moong khai thác để đảm bảo an toàn lao động. Thế nhưng, ghi nhận thực tế của phóng viên, có thể thấy yêu cầu tiêu chuẩn này đã không được thực hiện nghiêm túc. Một số mỏ đã khai thác không cắt tầng mà đào sâu tạo ra những vách thẳng đứng gần cả trăm mét. Việc khai thác này vừa “ăn gian” trữ lượng, vừa không đảm bảo an toàn vừa không thể phục hồi môi trường theo phương án cam kết ban đầu.

Liên quan đến việc lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối của các mỏ đá đã hết hạn khai thác, Sở TN&MT cho biết, toàn thành phố hiện có 55 mỏ đã kết thúc khai thác. Cụ thể 21 mỏ đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường, được UBND thành phố ban hành quyết định đóng cửa mỏ và đã bàn giao cho địa phương quản lý; 17 mỏ đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường; 13 mỏ đang lập đề án. Cá biệt trong số này có 4 mỏ của các doanh nghiệp là Cty 405, Cty Khiết Khoa, Cty Vạn Tường và Cty Đại Hồng Tín đã "qua cầu rút ván”. Sở đã tham mưu cho UBND thành phố có văn bản giao cho UBND H. Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ. Đối với các đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường hoặc chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ, Sở đã tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định, với tổng số tiền xử lý vi phạm 660 triệu đồng.

CÔNG KHANH – CÔNG HẠNH

Bài cuối: Giải bài toán phát triển kinh tế trong đô thị sinh thái