Đà Nẵng lấy chuyển đổi số làm động lực phát triển
Chuyển đổi số là tất yếu khách quan, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để các quốc gia phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối về chuyển đổi số quốc gia và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong các tỉnh thành phố, Đà Nẵng đang trở thành lá cờ đầu trong quá trình này.
Kể từ năm 2020 đến nay, TP Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn về chuyển đổi số nói chung và dịch vụ công trực tuyến nói riêng. Ở thời điểm hiện tại, TP. Đà Nẵng đã triển khai cung cấp 96% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình cao với tỷ lệ 66% tổng hồ sơ, gấp gần 4 lần tỷ lệ trung bình của khối địa phương. Để góp phần đạt được kết quả này, thành phố Đà Nẵng đã sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi người dân, doanh nghiệp. Trong đó một số giải pháp nổi bật như sau đã triển khai nhiều mô hình hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến như mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua các bưu cục tại xã phường, mô hình Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử,... Để duy trì và phát huy hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố để thông qua nghị quyết chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại kỳ họp giữa năm 2024. Bên cạnh đó, hàng năm thành phố đã giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương, yêu cầu các cơ quan, cán bộ công chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước khác, khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo ngành, lĩnh vực.
Từ năm 2019, thành phố đã ban hành chính sách giảm thời gian xử lý đến 50% đối với hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp, hỗ trợ chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện, ban hành Nghị quyết số 89/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định miễn, giảm mức thu lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thành phố cũng đã xây dựng Cổng Dịch vụ công dưới dạng nền tảng lõi để thiết lập nhanh dịch vụ công trực tuyến (thực hiện ngay trong ngày), thường xuyên cập nhật đáp ứng đầy đủ tiện ích, tiêu chí kỹ thuật theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đó nâng hầu hết dịch vụ công trực tuyến lên mức toàn trình. Ngoài ra, thành phố đã triển khai nền tảng công dân số với gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số, triển khai Kho kết quả thủ tục hành chính số, sử dụng cơ sở dữ liệu và kết quả thủ tục hành chính số để hủy/bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, cắt giảm thành phần hồ sơ. Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai kết quả thủ tục hành chính số gắn mã QR cho phép cung cấp "dịch vụ công nâng cao". Đối với các thủ tục hành chính cần kiểm tra, giám sát được gắn mã QR, người dân chỉ cần dùng điện thoại để xuất trình thuận tiện (không cần công chứng, giữ và trình bản giấy), cán bộ kiểm tra chỉ cần dùng App Danang Smart city trên điện thoại để quét xác thực, kiểm tra.
Tính đến nay, thành phố hiện có khoảng 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh, do đó thành phố đã triển khai phổ cập điện thoại thông minh thông qua xã hội hóa từ các doanh nghiệp viễn thông và xây dựng nghị quyết của HĐND thành phố hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời triển khai hợp tác với Câu lạc bộ chữ ký số công cộng để cấp miễn phí chữ ký số cho người dân sử dụng ký số hồ sơ và nộp qua điện thoại thông minh (theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố có hơn 20% người dân trưởng thành có chữ ký số). Đà Nẵng cũng đã triển khai giám sát dịch vụ công thông minh thông qua Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh, trong đó có các dịch vụ giám sát, thống kê tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan, cảnh báo các cơ quan xử lý hồ sơ gần tới hạn, chưa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong vòng 4 giờ. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm từ 3,6% năm 2023 xuống còn 0,1% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Mới đây, trong hội nghị tổng kết hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đã đánh giá năm 2025 là năm bản lề để thành phố có nhiều đột phá. Thành phố phấn đấu đạt doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông tăng 10-11%, doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng 11-12% so với năm 2024, cùng với đó là tập trung nguồn lực Xây dựng Đề án Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035, triển khai xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh Đà Nẵng phục vụ phòng tránh thiên tai theo hướng thông minh, xây dựng các nền tảng. Đà Nẵng cũng đặc biệt hướng đến triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố, tập trung đầu tư cho hạ tầng tính toán, lưu trữ, mô phỏng cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, thành phố triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2025-2030, triển khai mạng 5G bảo đảm vùng phủ sóng phục vụ các Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, xây dựng mô hình 5G Private cho sản xuất thông minh (Smart Factorry). Ông Trần Chí Cường nhấn mạnh năm 2025 là năm đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đứng dậy mạnh mẽ của dân tộc, vì vậy chuyển đổi số là bước tiến nòng cốt để thành phố đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn.
Lê Anh Tuấn
Lần thứ tư liên tiếp thành phố đứng đầu cả nước về chuyển đổi số cấp tỉnh Tại Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có "Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023". Đà Nẵng nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về DTI 2023. Theo báo cáo, có 7 tỉnh, thành phố duy trì xếp hạng Top 10 từ năm trước gồm: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, Cần Thơ, Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu và 3 tỉnh, thành phố mới xếp hạng vào top 10 năm 2023 là Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng. Trong đó, Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị đạt được lần này là 0,8340. Về xếp hạng các chỉ số chính, Đà Nẵng xếp thứ nhất 5/8 chỉ số chính gồm nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và hoạt động chính quyền số. Về xếp hạng 3 trụ cột, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu cả về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bảo Nam |