Đà Nẵng ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” tại H. Hòa Vang

Thứ sáu, 28/07/2023 11:01
Sáng ngày 28-7, UBND huyện Hòa Vang TP Đà Nẵng đã tổ chức ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” trên địa bàn huyện.

Tại lễ khai trương, ông Nguyễn Thúc Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu được đặt ra, trong đó mục tiêu lớn nhất vẫn là hướng đến phục vụ cho người dân, đảm bảo người dân được hưởng các lợi ích từ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như tiết kiệm thời gian, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Đồng thời, đối với quốc gia, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiết kiệm được khối lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, giảm chi phí in ấn, vận chuyển, giúp chống thất thu thuế cho Nhà nước, giảm rủi ro rửa tiền.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội, góp phần thực hiện chuyển đổi số nói chung và đẩy mạnh kinh tế số của huyện Hòa Vang nói riêng, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch về triển khai địa điểm thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025. Thời gian qua, các phòng ban ngành, đơn vị, địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử triển khai nhiều hoạt động, giải pháp, thường xuyên thông tin, tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách về thanh toán điện tử, cũng như phổ biến, hướng dẫn chi tiết cho người dân sử dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới, hiện đại.

Kết quả, đối với khối dịch vụ công: 100% Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, xã áp dụng thanh toán trực tuyến; 100% các đơn vị trường học, cơ sở y tế trên địa bàn đều được trang bị thu phí qua mã QR code, qua tài khoản Mobile Money và chuyển tiền thanh toán qua tài khoản internet banking, mobile banking, 80% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng và thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, cước viễn thông …

Đối với hoạt động giao dịch mua bán, UBND huyện đã chọn chợ Túy Loan, xã Hòa Phong là nơi thí điểm thực hiện mô hình. Ban Quản lý các chợ huyện đã phối hợp với các ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Quân đội, ngân hàng Nam Á tổ chức tuyên truyền, mở tài khoản, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và in mã Qr code cho các hộ tiểu thương tại chợ Túy Loan. Đến nay chợ Túy Loan có tổng 250/570 hộ có tài khoản ngân hàng, có sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt internet banking, sẵn sàng cho giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại vẫn đang tiếp tục phối hợp triển khai cài đặt ứng dụng cho các hộ tiểu thương còn lại. Ngoài ra, UBND huyện đã triển khai chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ Miếu Bông, chợ Lệ Trạch và các chợ hạng 3 tại địa bàn các xã; chỉ đạo UBND 11 xã tổ chức triển khai “Mỗi xã 1 khu vực, 1 tuyến đường thương mại thanh toán không dùng tiền mặt”. Đến nay, các xã đã phối hợp với 8 ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông mở hơn 2.000 tài khoản và được in mã Qr code cho người dân và các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương trên các tuyến đường, các chợ đã đăng kí…

Đại diện các xã tại Hòa Vang đăng ký triển khai mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt"
Lãnh đạo huyện Hòa Vang bấm nút khai trương mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt"
Đại diện các xã tại Hòa Vang đăng ký triển khai mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt"

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chủ yếu là từ thói quen sử dụng tiền mặt bao đời nay, tâm lý của người dân còn chưa yên tâm, lo ngại bị mất tiền trong tài khoản hoặc bị kẻ gian lợi dụng để đánh cắp thông tin cá nhân trong bối cảnh các vụ lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Cùng với đó là hạ tầng, đường truyền internet các khu vực công cộng chưa được triển khai rộng rãi, người dân muốn thanh toán điện tử phải có điện thoại thông minh kết nối 3G, 4G.

Chính vì vậy, việc ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” và phát động kí kết thực hiện tại các xã trên địa bàn huyện là một hoạt động hết sức ý nghĩa, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khuyến khích người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hướng đến phát triển thanh toán số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng là dịp để huy động, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán số trong việc đồng hành với chính quyền, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của TP Đà Nẵng nói chung và của huyện Hòa Vang nói riêng.

Hồng Thanh