Đà Nẵng sẽ đưa ra định hướng mới về quy hoạch phát triển hạ tầng năng lượng

Thứ năm, 25/11/2021 07:51

Hạ tầng năng lượng gồm điện, xăng dầu và khí đốt có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng phục vụ các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương TP xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng năng lượng trên địa bàn TP nhằm đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.

Nhóm tác giả của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng nêu sáng kiến “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng”, giành giải nhất giải thưởng “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Công Thương TP đã triển khai công tác xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng năng lượng trên địa bàn TP. Để quy hoạch này có tính khả thi cao, trình UBND TP xem xét, phê duyệt, ngày 19-11 vừa qua, Sở Công Thương TP đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng năng lượng điện, xăng dầu và khí đốt trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 nhằm mục đích mong muốn các tổ chức khoa học, cơ quan chuyên môn và chuyên gia trên những lĩnh vực này cho ý kiến đóng góp, hiến kế cho việc xây dựng quy hoạch nói trên.

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch gồm: Cty CP Tư vấn xây dựng điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã báo cáo quy hoạch phát triển hạ tầng điện, Liên danh Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) đã báo cáo quy hoạch phát triển hạ tầng xăng dầu và khi đốt. Cả 2 đơn vị tư vấn đều đánh giá về hạ tầng mạng lưới điện, xăng dầu và khí đốt trên địa bàn TP hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng này phục vụ sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của nhân dân TP.

Đối với hạ tầng điện, hiện kết cấu lưới 220kV và 110kV đảm bảo cấp điện an toàn cho toàn TP. Về quy hoạch xây dựng hạ tầng điện, TP sẽ phát triển thêm 5 nguồn năng lượng sạch dự phòng gồm: năng lượng mặt trời, điện sinh khối, năng lượng chất thải rắn, thủy điện nhỏ, khí sinh học; xây dựng mới 3 đường dây 500kV gồm: Quảng Trạch – Dốc Sỏi, Mạch 2 Đà Nẵng – Dốc Sỏi, Đà Nẵng – Rẽ Trạm cắt Quảng Trị 2 – Thạnh Mỹ; xây mới thêm 1 trạm biến áp 500kV Đà Nẵng 2; bổ sung thêm 10 đường dây 220kV, trong đó có 2 đường dây tải và cấp điện ngoài tỉnh khi đi qua địa bàn Đà Nẵng; cải tạo 2 đường dây 220kV, xây mới 5 trạm biến áp và cải tạo 6 trạm biến áp 220kV…

Đối với hạ tầng xăng dầu và khí đốt, TP hiện có 8 kho chứa xăng dầu do 7 doanh nghiệp sở hữu với tổng diện tích 29,5ha với tổng sức chứa 164.590m3; 6 kho chứa, trạm chiết lạp khí LPG với tổng sức chứa 3.935 tấn; 104 cửa hàng xăng dầu và 393 cửa hàng kinh doanh khí LPG được phân bổ trên các trục giao thông và các khu dân cư phục vụ nhu cầu đi lại cũng như tiêu dùng của người dân. Về quy hoạch hạ tầng xăng dầu và khí đốt, TP sẽ phát triển thêm 5 kho xăng dầu với tổng sức chứa 87.000m3, tổng diện tích đất sử dụng 5,3ha; phát triển mới thêm 2 kho đầu mối LPG tổng sức chứa 9.500 tấn, diện tích đất cần thiết để phát triển là hơn 1ha; xây dựng thêm 17 điểm bán xăng dầu lẻ, 69 cửa hàng bán lẻ LPG, trong đó, đề xuất đưa 2 dự án kho xăng dầu, 2 dự án kho trạm LPG vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025.

TP Đà Nẵng sẽ phát triển thêm nhiều điểm bán xăng dầu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP trong giai đoạn mới.

Sau khi nghe báo cáo quy hoạch của các đơn vị tư vấn, đại diện các tổ chức khoa học, cơ quan chuyên môn và chuyên gia đều cho rằng kết cấu hạ tầng của các lĩnh vực điện, xăng dầu, khí đốt trong thời gian qua không chỉ đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của TP mà còn có sức lan tỏa, phục vụ nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng này cho các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tham gia đóng góp ý kiến cũng như hiến kế cho việc xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng năng lượng điện, xăng dầu và khí đốt trên địa bàn TP thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, đại diện các tổ chức khoa học, cơ quan chuyên môn và chuyên gia đều cơ bản thống nhất với các báo cáo về quy hoạch này, đồng thời thống nhất cho rằng việc xây dựng quy hoạch này phải phù hợp với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhất là đảm bảo đúng với các quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.

Tiến sỹ Nguyễn Tri Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại đóng góp thêm đối với các đơn vị tư vấn khi lập quy hoạch cũng như đề xuất các phương án xây dựng kết cấu hạ tầng năng lượng điện, xăng dầu và khí đốt trên địa bàn TP cần xác định đặt Đà Nẵng là trung tâm, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả miền Trung - Tây Nguyên. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Bình, Trưởng Bộ môn Kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) thì cho rằng đề xuất các phương án xây dựng, phát triển hạ tầng các lĩnh vực năng lượng này phải tính đến tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từng lĩnh vực không chỉ trong ngắn hạn mà còn trung hạn để các phương án này phù hợp, sát thực tiễn và có tính khả thi.

Trên cơ sở các ý kiến phản biện, đóng góp, hiến kế của các tổ chức khoa học, cơ quan chuyên môn và chuyên gia, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết Sở Công Thương TP ghi nhận và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến này; đồng thời đề nghị các đơn vị tư vấn tổng hợp để bổ sung, hoàn chỉnh lại các báo cáo xây dựng quy hoạch. Trong đó, lưu ý bổ sung thêm về số liệu, thực trạng. Về phần định hướng phát triển, đề xuất các phương án xây dựng hạ tầng cần tập trung đưa ra các định hướng phù hợp, đặc biệt là tính kết nối Đà Nẵng với các địa phương trong khu vực, tính tích hợp giữa các lĩnh vực với nhau cũng như các yếu tố phát triển bền vững trong tương lai, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả…

PHÚ NAM