Đà Nẵng: Tầm soát ung thư miễn phí cho hơn 400 người

Thứ ba, 10/10/2023 07:51
Nhằm nâng cao hiểu biết về bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung, từ 30-9 đến 6-10, Bệnh viện (BV) Ung bướu Đà Nẵng đã tổ chức tầm soát bệnh miễn phí cho 400 người dân. Đây là hoạt động thường niên của BV nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn phát hiện sớm hai bệnh này.
Các nhận biết và biện pháp phòng ngừa đối với 2 loại bệnh này.
Các nhận biết và biện pháp phòng ngừa đối với 2 loại bệnh này.

Qua tầm soát, BV Ung bướu Đà Nẵng đã phát hiện một số trường hợp bất thường. Các trường hợp này sẽ được liên hệ tư vấn và làm thêm các chỉ định để chẩn đoán bệnh.

Tiến sỹ (TS) Nguyễn Phạm Thanh Nhân - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho hay, chương trình tầm soát ung thư miễn phí diễn ra thường lệ hàng năm tại đơn vị. Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức của người dân về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Qua đó, Bệnh viện mong muốn chia sẻ 1 phần gánh nặng, tạo điều kiện để người dân được tầm soát, phát hiện sớm 2 bệnh này nhờ vào việc tiếp cận những kỹ thuật mới trong khám, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư.

Cũng theo TS Nguyễn Phạm Thanh Nhân, ung thư vú ở giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 98%, nhưng ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%. Với ung thư cổ tử cung, diễn tiến tự nhiên của nhiễm virus HPV và những biến đổi tế bào gây ung thư cổ tử cung thường qua nhiều năm; điều này tạo cơ hội để sàng lọc (tầm soát) sớm tổn thương tiền ung thư, ngăn chặn con đường dẫn đến ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là virus HPV sinh u nhú ở người, đặc biệt là típ HPC có nguy cơ cao.

Bác sỹ Phan Thị Hồng Ngọc- phụ trách Khoa Phụ khoa, BV Ung bướu Đà Nẵng cho biết, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể phòng ngừa được bằng thực hiện tiêm vaccine phòng ngừa virus HPV và tầm soát định kỳ. Tuy nhiên, để xóa bỏ ung thư cổ tử cung cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. BV Ung bướu Đà Nẵng có đầy đủ nhân lực cũng như các phương tiện để tầm soát và điều trị tổn thương tiền ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, BV chú trọng công tác truyền thông, đưa thông tin đến gần hơn với người dân để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư cổ tử cung và các biện pháp phòng ngừa.

Theo báo cáo của Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN 2020, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ tư trong các ung thư thường gặp ở phụ nữ tại Việt Nam. Thống kê năm 2020, Việt Nam có trên 4.000 ca mắc mới và hơn 2.000 trường hợp tử vong mỗi năm do ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, hầu hết số ca tử vong trong ung thư cổ tử cung có thể phòng tránh được dựa vào việc sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư. Vào tháng 11-2020, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi hành động để xóa bỏ ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới vào năm 2030.

Ung thư vú là bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới trên thế giới và tại Việt Nam. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN 2020, hàng năm, trên thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng 680.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, 40% trường hợp ung thư có thể dự phòng, 30% được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ điều trị phù hợp. Việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng; giúp tỷ lệ điều trị thành công cao hơn.

Võ Văn Dũng