Đà Nẵng tạo nền tảng vững chắc để “khởi nghiệp đổi mới”

Thứ bảy, 03/12/2022 12:56
Lễ trao giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022” đã được tổ chức vào ngày 1-12 tại TP Hà Nội, trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh Việt Nam 2022 và kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA. Theo đó, TP Đà Nẵng đã đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022, hạng mục “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Như vậy, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã lập “hattrick” khi liên tục 3 năm liền được công nhận đạt giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” (các năm 2020, 2021, 2022).
Trải nghiệm thực tế ảo trong ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đại học Đông Á, TP Đà Nẵng ngày 25-11-2022.
TP Đà Nẵng được vinh danh tại buổi lễ.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trên cơ sở Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đà Nẵng đã ban hành 19 văn bản, cơ chế, chính sách, kế hoạch liên quan đến việc xây dựng đô thị đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Nghị quyết số 328/NQ-HĐND TP Đà Nẵng có nhiều điểm nổi bật hơn so với các nội dung của Quyết định số 844/QĐ-TTg như: Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các dự án tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp trong nước và quốc tế; tổ chức Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp thành phố. Đây là các nội dung có tác động lớn cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương. Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 02/TB-VPCP ngày 4-1-2022 về thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, giao “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan xem xét việc cho phép thành phố Đà Nẵng được áp dụng toàn bộ cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21-8-2020”. Việc cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng các cơ chế, chính sách theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh các chính sách dành riêng cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP Đà Nẵng cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tập trung hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ và các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn công nghệ. Được biết, đến nay, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 60 lượt doanh nghiệp với kinh phí hỗ trợ gần 8 tỷ đồng. Riêng về sở hữu trí tuệ, Đà Nẵng đang triển khai thực hiện 1 nhiệm vụ cấp quốc gia, 2 nhiệm vụ cấp thành phố, 2 nhiệm vụ cấp cơ sở và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đà Nẵng cũng đã bố trí nhà, đất để Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng quản lý, sử dụng làm nơi làm việc. Tổng diện tích sử dụng là: 1.336m2 để phục vụ hoạt động khởi nghiệp. Kỳ vọng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng sẽ là hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ, kết nối các dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã phê duyệt Đề án quản lý, vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) trong đó có Khu Không gian đổi mới sáng tạo được bố trí là 21.892,6m2.

Trải nghiệm thực tế ảo trong ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đại học Đông Á, TP Đà Nẵng ngày 25-11-2022.

Chuyển đổi số mạnh mẽ

Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được Đà Nẵng quan tâm triển khai thực hiện với rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Đơn cử là Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố (www.startupdanang.vn) gồm các thành phố trong hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung, các cơ sở dữ liệu, cơ chế chính sách, nơi diễn ra các hoạt động kết nối, hỗ trợ thông tin. Cùng với đó, một số giải pháp khác rất được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm như: nền tảng triển lãm ảo Vr360 hỗ trợ giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng nền tảng số Metaverse xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật số phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hỗ trợ gói data center, cloud, chia sẻ dữ liệu số, cơ sở dữ liệu chuyên gia… cho startup, giải pháp công nghệ thông tin cho các mô hình kinh doanh truyền thống, ứng dụng sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số, Cuộc thi khởi nghiệp liên quan chuyển đổi số như Fintech Innovation, Festival Sáng tạo trẻ, Hackathon online; Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên, Triển lãm trực tiếp các sản phẩm số, nền tảng số của startup như lễ ra mắt Làng Metaverse tại Đà Nẵng…

Trong ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức mới đây (25-11), Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tác trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Trong lộ trình phát triển chung của TP, Đà Nẵng luôn không ngừng nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự hình thành và phát triển mạnh mẽ các tổ chức hỗ trợ, cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại buổi lễ trao thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi số nói chung trong việc phát triển công nghệ thông tin trong đô thị thông minh nói riêng để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả, bền vững trong dài hạn". Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Lê Anh Tuấn