Đà Nẵng vị thế mới

Thứ hai, 28/03/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đã và đang khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. So với hồi mới giải phóng, 36 năm trước, nhiều người không dám tin thành phố bên sông Hàn  đã đổi thay mạnh mẽ như bây giờ. Điều gì đã làm nên sức mạnh diệu kỳ của Đà Nẵng?

 Không gian Đà Nẵng được mở rộng với tốc độ đô thị hóa cao nhất VN.
Ảnh: HẢI HẬU

Mới và lạ

Lâu lắm mới có dịp ngồi hàn huyên với thầy cũ từ ngoài Bắc ghé Đà Nẵng chơi. Trong lúc trà dư tửu hậu, thầy có nói một ý, tôi ngẫm đúng. Sở dĩ Đà Nẵng phát triển nhanh vì có cách làm chẳng giống ai. Tức “lạ”. Ngay như chuyện giải phóng đền bù, trong khi nhiều địa phương khác khá chật vật thì Đà Nẵng, bằng cách làm sáng tạo, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao trong dân đã giải quyết nhanh gọn. Bởi thế mà chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, không gian đô thị Đà Nẵng đã tăng gần gấp đôi so với suốt chiều dài hình thành, trở thành địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước. Rồi nữa, việc xây trung tâm hành chính tập trung của thành phố cũng chưa địa phương nào làm. Điều này vừa giúp tiết kiệm quỹ đất, lại giúp người dân, DN rút bớt thời gian, công sức khi giải quyết thủ tục. Thầy tôi bảo, tuy không ở Đà Nẵng, nhưng theo dõi báo chí, lâu lâu thấy cách làm “lạ” biết ngay của Đà Nẵng. “Lạ” không phải để “chơi trội”, mà để đạt hiệu quả tốt hơn. Chưa địa phương nào nghĩ ra và làm cái việc đào tạo lãnh đạo phường, xã như Đà Nẵng cả. Nó vừa thể hiện tư duy cởi mở, tin tưởng thế hệ trẻ của lãnh đạo thành phố đồng thời lại nâng chất cán bộ cơ sở lâu nay đang bị “chê”. Từ đây những người trẻ giỏi giang với cách làm đột phá, táo bạo sẽ có cơ hội cống hiến, khẳng định mình. Thậm chí, ngay cả cái cách xử lý các lô đất có chủ để hoang, gây ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng cũng rất độc đáo mà nhiều địa phương khác phải học tập. 

Cứ một thời gian trôi qua, Đà Nẵng lại có “cái mới” độc đáo. Gần nhất, là việc năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu toàn quốc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xa một chút là đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. Sự trẻ trung, năng động phát triển không ngừng của Đà Nẵng đã tạo cho thành phố mỗi ngày một vóc dáng mới với vị thế cao hơn. Nhiều người Đà Nẵng xa quê vài năm trở lại đã phải ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng. Thêm nhiều con phố khang trang, thêm những cây cầu kỳ vĩ bắc qua sông Hàn, những khu đô thị lấn biển, những tòa cao ốc thương mại sừng sững... Chính yếu tố mới và “lạ”: biết làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đà Nẵng đã tạo nên sự khác biệt, giúp TP tách ra guồng phát triển chung của khu vực để bứt phá mạnh mẽ.

  Không gian Đà Nẵng được mở rộng với tốc độ đô thị hóa cao nhất VN. Ảnh: L.H.A

Định vị tương lai

Đà Nẵng đã chọn dịch vụ chất lượng cao (CLC), công nghệ cao (CNC) là hướng đột phá trong thời gian tới. Điều này phù hợp với xu thế hiện nay đồng thời giúp khai thác tối đa lợi thế TP có được. Là điểm cuối tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây, cửa ngõ cảng biển, hàng không quốc tế, lại nằm giữa các di sản thế giới Huế - Hội An, Mỹ Sơn, đó là tiềm năng vô cùng lớn để Đà Nẵng phát triển dịch vụ CLC. Hàng loạt các khu resort ven biển, các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, bệnh viện, trường học... đang tiến hành xây dựng, là nền tảng vững chắc hiện thực hóa mục tiêu đó. Song song với phát triển dịch vụ CLC, Đà Nẵng cũng đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng xây dựng khu CNC nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và bứt phá. TS Trần Ngọc Ca- Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết, phát triển CNC của Đà Nẵng phải gắn tối đa với du lịch, dịch vụ cao cấp. Bởi, với tiềm năng sẵn có, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm dịch vụ cao cấp lớn, cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ cho toàn khu vực từ nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí đến các dịch vụ cảng, hậu cần, tiếp vận hiện đại (logistics). Tất cả các dịch vụ này đều đòi hỏi một nền tảng CNC phát triển. Không gian công nghệ phải là không gian sống và làm việc lý tưởng cho các nhà KH-CN, các chuyên gia về quản lý, đầu tư trong và ngoài nước. Trong điều kiện như vậy, Đà Nẵng sẽ có cơ hội để hợp tác, liên kết tốt hơn với các khu CNC khác trong khu vực theo hướng trao đổi chuyên gia, chia sẻ vật chất kỹ thuật dùng chung. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng GDP của Đà Nẵng trung bình 11%. Như vậy, theo TS Trần Du Lịch, nếu đạt mức tăng GDP 12% ổn định trong 10 năm tới, thu nhập của người dân sẽ đạt 5.000 USD/người/năm. Và, tới năm 2030, Đà Nẵng là một trong số những TP hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất Châu Á. Khi đó, cơ cấu kinh tế của TP sẽ như các nền kinh tế hậu công nghiệp với các ngành dịch vụ CLC giữ vai trò chi phối. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ lọt vào top 50 sống tốt của thế giới, là địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư và du khách.

Nếu Hà Nội mệnh danh là “TP Hòa Bình”, TP HCM là “Viên ngọc Viễn Đông” thì Đà Nẵng hướng tới “TP Hạnh phúc”. Đó là TP mà ở đó, môi trường sống trong lành, an ninh tốt, hệ thống dịch vụ CLC. Tất cả các yếu tố đó đang được TP tập trung phát triển từ bây giờ. Với nền tảng ấy, có thể nói, trong tương lai gần, cụm từ “TP Hạnh phúc” sẽ trở nên quen thuộc khi nói về Đà Nẵng.

Hải Hậu