Đại học Đà Nẵng chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19

Thứ ba, 24/03/2020 19:00

Gần hai tháng qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cùng với cả nước, đội ngũ giảng viên, sinh viên chuyên ngành kỹ thuật thuộc ĐH Đà Nẵng đã trăn trở tìm ý tưởng để nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm nhằm giúp đơn vị chức năng (đặc biệt là ngành y tế) trong công tác theo dõi, chăm sóc, điều trị sức khỏe cho người bị cách ly; cũng như đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ...

ĐH Bách khoa-ĐHĐN- bàn giao robot vận chuyển thức ăn, thuốc men và các vật dụng cần thiết trong khu cách ly cho Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

Qua trao đổi PGS.TS Đoàn Quang Vinh- Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng, được biết, trước sự bùng phát và lây lan của đại dịch Covid-19, đội ngũ giảng viên của nhà trường nhận thức rất rõ trách nhiệm của một trí thức đối với cộng đồng xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ sự trăn trở đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn, đội ngũ giảng viên khoa Hóa của trường đã nghiên cứu, điều chế và đưa vào sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Dung dịch sát khuẩn này được điều chế, sản xuất theo thành phần và tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO. Kể từ đó đến nay, khoa Hóa đã điều chế và cung cấp miễn phí 250 lít dung dịch sát khuẩn cho các đơn vị trong và ngoài ĐH Đà Nẵng. Và mới đây nhất, từ lời đề nghị của Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, chỉ trong 5 ngày, các giảng viên khoa Cơ khí cùng 3 cựu SV giỏi của trường đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công robot thay người để vận chuyển, tiếp phẩm phục vụ thức ăn, thuốc và các vật dụng cần thiết đến tận các phòng cách ly.

Sáng 23-3, khi tiếp nhận món quà đầy ý nghĩa từ khoa Cơ khí và Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng bàn giao lại cho Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, TS.Bác sĩ Trần Đình Vinh- Giám đốc BV- xúc động bày tỏ: "Xin cho tôi được thay mặt toàn bộ cán bộ, công nhân viên của bệnh viện, đặc biệt là những người bệnh là sản phụ, em bé đang được theo dõi cách ly tại đây được hưởng thành quả nghiên cứu, sáng tạo của ĐHBK Đà Nẵng gửi lời cảm ơn chân thành đến quý thầy, trò nhà trường...". Cũng theo TS. Bác sĩ Trần Đình Vinh, robot do đội ngũ thầy, trò trường ĐHBK Đà Nẵng sáng tạo không chỉ giúp công tác điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh đang được cách ly tại bệnh viện được tốt hơn mà còn góp phần đảm bảo sự an toàn cho cả đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục và người bệnh. Ông Trần Đình Vinh cho biết thêm, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, của UBND TP, Bệnh viện Phụ sản-Nhi hiện đang tiếp nhận điều trị chăm sóc 20 trường hợp, trong đó có 16 trường hợp là bà mẹ đang mang thai thuộc diện F2 hoặc đi từ nước thuộc vùng dịch về và các em bé. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi một lượng nhân lực cũng như các khí tài, trang thiết bị, vật tư y tế rất tốn kém. Vì vậy, món quà này rất có ý nghĩa đối với bệnh viện cũng như người bệnh...

Trước lời cảm ơn chân thành đó, PGS.TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ tâm tư: "Trường ĐHBK là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật đồng thời cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của khu vực miền Trung- Tây nguyên. Với trách nhiệm xã hội của mình, nhà trường luôn trăn trở những vấn đề mà cuộc sống, xã hội đặt ra để cố gắng bằng nguồn lực, trí tuệ của mình tạo ra những sản phẩm phục vụ cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 này, đội ngũ giảng viên cùng các SV, cựu SV sẵn sàng tham gia, cùng chung tay với cộng đồng phòng chống đại dịch". PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết thêm, khi nhận được lời đề nghị từ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, nhà trường đã giao việc nghiên cứu, chế tạo robot để vận chuyển thức ăn, thuốc men, các vật dụng khác trong khu cách ly này cho khoa Cơ khí. "Thời gian là yếu tố rất quan trọng. Từ lúc triển khai đến khi bàn giao chưa đến 10 ngày, trong đó thời gian thực hiện chính chỉ có 5 ngày, còn lại do một số trang thiết bị, mạch phải đặt mua, chờ chuyển về mới thực hiện được. Bởi yêu cầu robot rất khắt khe về mặt vệ sinh, độ kín, chịu được sát trùng sau mỗi lần sử dụng. Robot này đã hoàn thành đúng theo yêu cầu bệnh viện đặt ra. Nhà trường có thể nâng cao, bổ sung thêm những tính năng nhất định cho robot vận hành được tốt hơn như: thực hiện hệ thống đo thân nhiệt từ xa để đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý không phải đo trực tiếp thân nhiệt cho người bệnh; hoặc một số tính năng khác", PGS.TS Đoàn Quang Vinh nói. Được biết, hiện một số thầy cô các khoa trong trường đang ấp ủ ý tưởng nghiên cứu chế tạo buồng sát khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như cho các bệnh viện có nhu cầu về sát khuẩn.

Trước đó, từ ý tưởng của GS.TSKH Bùi Văn Ga- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT- chỉ trong 3 ngày, hệ thống đo thân nhiệt từ xa đã được Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Đà Nẵng do ông làm Trưởng nhóm nghiên cứu sáng chế và đưa vào sử dụng. Điều đáng nói, kinh phí hoàn thiện hệ thống đo thân nhiệt từ xa này lại rất rẻ, chưa đến 10 triệu đồng. Ngay khi hệ thống đo thân nhiệt này được đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, có nhiều đơn vị đặt hàng thì GS.TSKH Bùi Văn Ga cùng nhóm nghiên cứu lại sẵn sàng chuyển giao công nghệ miễn phí cho bất kỳ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Các cơ quan, đơn vị trường học nào cần chế tạo giúp thì Nhóm nghiên cứu cũng sẵn sàng làm.

Với tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, bằng trí tuệ và tài năng của mình, đội ngũ trí thức ĐH Đà Nẵng đã, đang nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm để  giúp các ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; góp phần chung tay cùng với xã hội cố gắng đẩy lùi đại dịch. Từ  những sản phẩm  do đội ngũ trí thức ĐHĐN nghiên cứu, sáng tạo nên đã góp phần cùng cả nước lan tỏa tinh thần Việt Nam, tỏa sáng trí tuệ Việt Nam.

P.Thủy