Đắk Lắk: Số ca sốt xuất huyết tăng cao, người dân vẫn còn chủ quan

Thứ tư, 14/08/2024 08:50

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 13-8, toàn tỉnh ghi nhận 1.325 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Số ca bệnh gia tăng rất nhanh với nhiều ổ dịch trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần vệ sinh môi trường, nhà ở và khi có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Đắk Lắk liên tục tăng cao, xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố.

Bệnh SXH xuất hiện ở tất cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Các địa bàn ghi nhận số ca mắc bệnh cao là TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc, Ea Kar và Cư MGar. Trong đó, số trường hợp mắc bệnh nhiều nhất là TP Buôn Ma Thuột với 442 ca. Chỉ riêng trong tháng 7 và đầu tháng 8, thành phố ghi nhận hơn 300 ca mắc với 18 ổ dịch.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca SXH tại thành phố tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân do thời tiết tại địa phương khoảng một tháng qua mưa rất nhiều, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Công tác vệ sinh môi trường của các xã, phường triển khai chưa hiệu quả dẫn đến tỷ lệ muỗi, lăng quăng/bọ gậy còn cao tại các khu dân cư.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần vệ sinh môi trường, nhà ở và khi có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám.

Trung tâm Y tế thành phố đã triển khai xử lý, phun hóa chất chủ động; tổ chức vệ sinh môi trường tại các ổ dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp phun diện rộng lần 2 tại 4 tổ dân phố của phường Tân Hòa (nơi xuất hiện nhiều ổ dịch). Hiện, công tác phòng, chống dịch SXH tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ thiếu vật tư, hóa chất mà còn thiếu cả sự chủ động, tự giác của người dân. “Ý thức của người dân là vấn đề nan giải nhiều năm qua. Ngành Y tế nhiều lần tuyên truyền trên các hệ thống loa, đài, tivi; tổ chức lực lượng trực tiếp xuống hộ gia đình tuyên truyền về phòng, chống dịch… nhưng nhiều người còn coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Bên cạnh đó, nhiều người có quan điểm phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành mới là cách để giảm ca bệnh mắc SXH”- ông Đặng Ngọc Sơn cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc, dịch bệnh gia tăng đột biến dẫn đến thiếu các loại hóa chất phun chủ động, hóa chất xét nghiệm.

N.D