Đàm phán tương lai Libya thất bại

Thứ tư, 15/01/2020 12:22

Ngày 14-1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tướng Khalifa Haftar, Chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng đang kiểm soát miền Đông Libya, rời khỏi thủ đô Moscow mà không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 9 tháng xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong khi đó, tại Libya, các lực lượng miền Đông đang cố gắng giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli do chính phủ được quốc tế công nhận kiểm soát, tuyên bố lực lượng này “sẵn sàng và quyết tâm” giành chiến thắng. Các lực lượng miền Đông Libya đưa ra tuyên bố trên trang mạng xã hội facebook chính thức của mình, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Chính phủ Hiệp định quốc gia được LHQ công nhận tại Tripoli đã bị lực lượng của tướng Khalifa Haftar tấn công kể  từ tháng 4-2019. Ảnh: AFP

Thất bại cay đắng

Kể từ tháng 4-2019, GNA, nắm quyền tại thủ đô Tripoli, đã bị các lực lượng trung thành với vị tướng quyền lực Haftar, đặt trụ sở ở phía đông của quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này với các chính trị gia trung thành của ông, tấn công mạnh mẽ. Sau nhiều tháng xung đột, đàm phán bất thành, hai bên dự kiến sẽ đồng ý các điều khoản ngừng bắn có hiệu lực vào cuối tuần qua, làm tăng hy vọng chấm dứt cuộc chiến mới nhất đang nhấn chìm Libya kể từ sau cuộc nổi dậy giết chết nhà lãnh đạo lâu năm Muammer Gaddafi.

Các cuộc thảo luận về các điều khoản ngừng bắn giữa các lực lượng của tướng Haftar và chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được LHQ công nhận do ông Fayez al-Sarraj đứng đầu đã kéo dài trong 7 giờ vào ngày 13-1 ở thủ đô Moscow của Nga, nhưng cuối cùng là cả hai đã không thể đi đến một thỏa thuận mặc dù Moscow ghi nhận “tiến bộ nhất định”. Theo AFP, trong ngày 13-1, ông Fayez al-Sarraj đã ký vào văn kiện tổng kết kết quả đàm phán. Tuy nhiên, tướng Haftar đã yêu cầu kéo dài thời gian để cân nhắc về thỏa thuận này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, tối 13-1, tướng Haftar đề nghị cho thời hạn tới tận sáng hôm sau để xem xét lại hiệp định đã được người đứng đầu chính quyền được LHQ công nhận Fayez al-Sarraj ký, nhưng lại rời khỏi thủ đô Nga mà không ký kết.

Nỗ lực không ngừng của các bên

Các cường quốc phương Tây rất muốn ổn định Libya - nơi có trữ lượng dầu thô lớn nhất ở Châu Phi - vì lo ngại phiến quân Hồi giáo và những kẻ buôn lậu di cư sẽ lợi dụng sự hỗn loạn này.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán nhưng các bên đối địch ở Libya không gặp gỡ chính thức. Hãng thông tấn Interfax dẫn thông tin từ một thành viên của phái đoàn Nga cho biết, lãnh đạo các bên đối địch ở Libya không chính thức gặp nhau trong các cuộc đàm phán hòa bình gián tiếp tổ chức ở Moscow. Sáng kiến ngừng bắn cho Libya là của Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo đã  kêu gọi đình chiến ở Istanbul hồi tuần trước.

Một lệnh ngừng bắn mong manh đã có hiệu lực từ nửa đêm 12-1, nhưng Tổng thống Erdogan nhắc lại “sự cần thiết khẩn cấp” cho một thỏa thuận chính thức sau cuộc gặp với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Nga trong tuần qua, gặp gỡ người đồng cấp Putin, và kết quả là cả hai nhất trí tổ chức một hội nghị hòa bình cho Libya do LHQ bảo trợ. Berlin cho biết, hội nghị đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13-1 cũng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn “đáng tin cậy, lâu dài và có thể kiểm chứng”. Các nguồn tin ngoại giao cho biết, các nước cũng đang mở các cuộc thảo luận tại LHQ về việc thành lập một phái đoàn quan sát viên ở Libya để theo dõi lệnh ngừng bắn, tương tự như một sáng kiến hiện có ở Yemen.

Kể từ khi bùng nổ cuộc tấn công của tướng Haftar chống lại chính quyền ở Tripoli, hơn 280 thường dân và khoảng 2.000 phiến quân đã bị giết và 146.000 người Libya đã phải di dời, theo LHQ. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói với AFP: “Để ngừng bắn ở Libya, cần có một cơ chế thực thi và giám sát vô tư cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin”.

KHẢ ANH