Đánh án công nghệ cao

Thứ ba, 22/06/2021 22:18

Tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm mới, có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có tính ẩn danh cao với tính chất mức độ gây thiệt hại đặc biệt lớn. Chính vì vậy, để đấu tranh, triệt xóa loại tội phạm này đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ Công an phải nỗ lực hết mình, vừa am hiểu công nghệ thông tin vừa có nghiệp vụ vững vàng và có thể di chuyển nhiều địa điểm….

Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy CAH Nghi Lộc hội ý phá án lừa đảo qua mạng trong và ngoài tỉnh.

Phá án liên tỉnh

Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin thì loại tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng diễn ra ngày càng nhiều. Để đối phó với loại tội phạm này, CAH Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã cử đội ngũ cán bộ chiến sỹ dày kinh nghiệm tham gia đánh án.Chỉ trong thời gian ngắn, CAH Nghi Lộc đã triệt phá được 9 chuyên án lớn nhỏ trong và ngoại tỉnh. Bên cạnh việc tăng cường đấu tranh, triệt xóa các ổ nhóm tội phạm công nghệ, đơn vị đã tuyên truyền sâu rộng, giúp người dân nâng cao cảnh giác, tránh bị sập bẫy của những đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.

Theo tài liệu từ năm 2018 đến nay, CAH Nghi Lộc đã phá thành công 9 chuyên án lớn, nhỏ, khởi tố 9 vụ, bắt 20 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chứng minh số tiền mà các đối tượng lừa đảo của tất cả các bị hại trong cả nước là trên 50 tỷ đồng.

Điển hình, tháng 4-2018, CAH Nghi Lộc phá chuyên án 418L lừa đảo qua mạng internet, bắt 2 đối tượng tại Đà Nẵng gồm Phan Anh Tuấn (1997) và Hồ Văn Đức (1993) đều tạm trú xã Triệu Thương, H. Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) khi các đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng tại P. Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận thực hiện 11 vụ lừa đảo qua mạng, bị hại ở nhiều tỉnh trong nước và đã lừa được trên 1 tỷ đồng. Lực lượng Công an thu giữ 1 laptop, 1 máy tính bàn, 2 USB, 2 ĐTDĐ Iphone X, 1 xe máy, 1 dây chuyền vàng và 70 triệu đồng.

Để thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng, các đối tượng sử dụng các tài khoản giả mạo để giả bán hàng online. Khi có khách đặt mua hàng thì đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc trước vào nhiều tài khoản khác nhau. Đó là trường hợp của Lê Thị Lan Na (2001, trú xã Nghĩa Trung, H. Nghĩa Đàn, Nghệ An). Na đã lợi dụng dịch COVID-19 để rao bán khẩu trang giá rẻ với số tiền ít nhất là 300 ngàn đồng, nhiếu nhất là 7 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền cọc của các khách hàng chuyển vào tài khoản thì Na liền khóa facebook của mình, chặn tài khoản của bị hại, xóa tin nhắn và không gửi hàng theo yêu cầu. Băng thủ đoạn trên trong khoảng thời gian từ tháng 2-2019 đến thời điểm bị bắt giữ, Na đã thực hiện trót lọt trên 150 vụ lừa đảo khắp cả nước với số tiền trên 200 triệu đồng.

Cũng là chiêu trò lập tài khoản giả mạo để bán hàng online, trong tháng 7 và tháng 8- 2020, CAH Nghi Lộc chủ trì phối hợp với CAX Giao Thanh (H. Giao Thủy, tỉnh Nam Định) và CAX Sùng Phài (Công an TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) phá 2 chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng. Trong đó, bắt giữ đối tượng Lê Thị Trang (1997, trú xã Giao Thanh, H. Giao Thủy, Nam Định) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trang đã thực hiện trót lọt trên 30 vụ lừa đảo khắp cả nước với số tiền 465 triệu đồng. Còn đối tượng Trần Thị Ngọc (1997, trú tại TP Lai Châu) đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền của hàng trăm người trên cả nước với số tiền giao dịch hơn 3,5 tỷ đồng.

Bên cạnh việc lập các tài khoản ảo, lừa đảo qua mạng, các đối tượng còn lập các kênh Youtobe và tự nhận mình có khả năng “soi cầu”, phán đoán kết quả lô, đề chiếm đoạt tài sản của người có máu đỏ đen. Tháng 3-2021, CAH Nghi Lộc chủ trì, phối hợp Công an TP Vinh và CAH Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) phá thành công chuyên án, bắt giữ 8 đối tượng cùng trú tại Nghệ An sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của hàng ngàn bị hại khắp cả nước với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng.

Liên tiếp nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị triệt xóa cho thấy các đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp với thủ đoạn hết sức tinh vi, lừa đảo chiếm đoạt của bị hại khắp cả nước với lượng tiền rất lớn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Một số đối tượng dùng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bị CAH Nghi Lộc phát hiện, bắt giữ.

Bí quyết đánh án

Để triệt xóa một đường dây lừa đảo qua mạng không phải là điều dễ dàng bởi tội phạm công nghệ cao hết sức tinh vi, am hiểu công nghệ thông tin, có nhiều phương thức thủ đoạn để lừa đảo và qua mắt lực lượng chức năng. Để bắt giữ loại tội phạm này, CAH Nghi Lộc đã gặp phải nhiều khó khăn do là đơn vị cấp huyện nên không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, phương tiện, thiết bị phục vụ phá án. Mặt khác, để bắt giữ đối tượng ngoại tỉnh, lực lượng Công an phải điều tra trinh sát dài ngày trong khi kinh phí lại hạn hẹp. Các đối tượng sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng không chính chủ nên phải lần theo thông tin trên các thẻ ATM giả, cơ quan điều tra không xác định được cá nhân, tập thể nào là nạn nhân của vụ án, do thuê và mượn lại của người khác. Bên cạnh đó, can phạm và nạn nhân không tiếp xúc trực tiếp với nhau, thậm chí không có liên hệ nào dẫn tới không thể thu thập tố cáo của nạn nhân. Chứng cứ vật chất lại hạn chế, thường chỉ là thẻ tín dụng giả, tài khoản ngân hàng ảo. Quan trọng nhất là dữ liệu máy tính thể hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội thì đến nay chưa đương nhiên được coi là chứng cứ nếu không xử lý tốt bằng các biện pháp tố tụng. Khi tiến hành giải quyết vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, đối tượng vi phạm thường phạm tội có tổ chức và có yếu tố nước ngoài. Trong đó, có sự phân định cho nhau nhiệm vụ từng công đoạn của các đối tượng phạm tội hết sức chặt chẽ tạo nên một đường dây khép kín, triển khai kế hoạch phạm tội một cách nhanh chóng và bài bản. Các hacker thường sử dụng các dịch vụ internet miễn phí của nước ngoài như email, chat của Yahoo, Gmail... Vì đây là những dịch vụ không phải trả tiền và khai báo những thông tin thật nên đối tượng vi phạm đã lợi dụng sơ hở này để thực hiện hành vi phạm tội, để trục lợi hoặc phục vụ mục đích cá nhân. Vì vậy, việc xác định thủ phạm cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan điều tra.

Thiếu tá Nguyễn Đình Cường- Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy CAH Nghi Lộc cho biết, công tác đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ phải nỗ lực hết mình. Bởi đây là loại tội phạm mới, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động phạm tội chủ yếu trên không gian mạng nên tính ẩn danh cao khiến công tác truy vết rất khó khăn. Để đấu tranh với loại tội phạm này, các trinh sát không chỉ phải tinh thông công nghệ thông tin mà còn phải di chuyển nhiều địa điểm, liên hệ phối hợp với nhiều địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh với mức chi phí lớn. Song song với đấu tranh phá án, CAH Nghi Lộc cũng đã tăng cường tuyên truyền giúp người dân nhận biết các dấu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao và cách phòng chống với nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp, hệ thống loa truyền thanh các khối xóm, qua các đợt công tác ở cơ sở... Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ CAH Nghi Lộc cũng đã trực tiếp phối hợp với các cấp ủy, chính quyền giúp người dân nhận biết các hình thức của tội phạm sử dụng công nghệ cao như: đánh bạc qua mạng (cá độ bóng đá, lô đề, các trò chơi online có cược tiền…), lừa đảo qua mạng.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân - Phó trưởng CAH Nghi Lộc cho biết, các hành vi lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay là sử dụng mạng xã hội facebook và zalo làm phương tiện gây án. Các đối tượng thường hack facebook để chiếm quyền điều khiển, sau đó dùng facebook chiếm được nhắn tin cho người thân, bạn bè của nạn nhân để vay tiền. Một hình thức khác mà tội phạm sử dụng công nghệ cao thường áp dụng là giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện, làm giả các lệnh bắt gửi qua zalo để đe dọa các nạn nhân có dính líu đến buôn ma túy, rửa tiền và yêu cầu nạn nhân chuyển hết tiền vào tài khoản để điều tra. Hoặc các đối tượng phạm tội sẽ lập các facebook giả danh người nước ngoài, sau đó nhắn tin làm quen các phụ nữ nhẹ dạ để lấy lòng tin. Các đối tượng sẽ thông báo gửi quà từ nước ngoài về và phối hợp với đồng bọn yêu cầu nạn nhân gửi chi phí nhận quà. Một số đối tượng khác thì tìm các tài khoản facebook bán hàng online để lừa đặt mua hàng với số lượng lớn. Vì vậy, bên cạnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, CAH Nghi Lộc đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mắc phải các bẫy lừa của các đối tượng.  

DƯƠNG HÓA