Dạo chợ Tết ngày cận Tết

Thứ ba, 25/01/2022 15:58

Hằng năm, cứ tầm 18- 20 tháng Chạp, các chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng tấp nập kẻ mua, người bán. Nhưng năm nay, đã 22 tháng Chạp nhưng không khí mua bán tại các chợ truyền thống khá thưa thớt, khiến nhiều tiểu thương không dám "ôm hàng" vì sợ lỗ.

Đã 21,22 tháng Chạp nhưng trong đình chợ Đống Đa vắng khách vào mua hàng. Ảnh: P.T

Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống như Đống Đa, chợ Cồn, chợ Hàn…, đâu cũng nghe tiểu thương than ế ẩm. Một tiểu thương bán hàng điện tử chợ Cồn cho hay: "Trước khi có dịch, thường vào tầm này, chợ Cồn đông đúc người mua kẻ bán. Năm nay, do dịch nên sức mua giảm hẳn. Có ngày, ngồi từ sáng đến chiều chỉ có hai, ba khách hàng ghé vào xem hàng. Nhưng chẳng mua. Chưa có năm nào chợ Tết lại ế nhễ như năm nay". Mặt tiền chợ đã vậy, trong đình chợ càng ế hơn. Qua tìm hiểu, được biết, những ngày đầu tháng chạp, nhiều tiểu thương chợ Cồn bị F0 buộc chợ phải đóng cửa để vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Sau khi chợ mở cửa lại, dù đã thực hiện nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng khách vẫn ngại vào trong đình chợ để mua sắm. Tương tự, kể từ khi chợ Bắc Mỹ An có tiểu thương bị F0 buộc phải đóng cửa để làm vệ sinh, khử khuẩn, lượng khách vào chợ giảm hẳn. Một tiểu thương bán hàng bao bì ở chợ Bắc Mỹ An than thở: "Cứ  ba ngày chúng tôi phải bỏ tiền để xét nghiệm COVID-19, mà buôn bán ế ẩm thế này, thiệt khổ…".

Ngay như chợ Đống Đa, một trong những chợ được chị em nội trợ chuộng vì dễ mua bán - vào dịp cuối tuần những ngày giáp Tết thường trong tình trạng kẹt xe, nhưng năm nay vắng vẻ. Chị H- tiểu thương bán hàng thịt chợ Đống Đa nói, so với ngày thường, giá thịt trong những ngày gần đây có tăng tầm 10.000 đồng/ký. Tuy nhiên, do lượng khách vào bên trong chợ không nhiều nên dù đã 21, 22 tháng chạp, chị cũng chỉ lấy hàng như ngày bình thường vì sợ bán không hết. Không chỉ có hàng thịt cá, các mặt hàng đồ khô, quần áo, giầy dép, rau cũ quả cũng vắng người mua. Buôn bán ế ẩm nên chị V kinh doanh hàng rau củ quả trong đình chợ Đống Đa nghỉ về bán hàng tại nhà. Anh Cảnh, giữ xe chợ Đống Đa cũng cho biết sẽ trả lại bãi vì lỗ, không có tiền để trả phí thuê bãi. Anh cho hay, trước đây làm thợ sơn nước, mỗi ngày công cũng được 400-500 ngàn. Do dịch, anh nghỉ làm thợ sơn, đấu giá bãi giữ xe chợ Đống Đa với ý nghĩ thu nhập sẽ ổn định hơn. Nào ngờ, vì dịch, khách ngại vào chợ, khiến lượng xe gửi tại bãi giảm mạnh.

Trong các mặt hàng bày bán tại các chợ, bán chạy nhất có lẽ là hàng mã. Tuy nhiên, khách vào chợ mua hàng trực tiếp vẫn không nhiều, chủ yếu liên hệ đặt hàng qua điện thoại. Tiểu thương gói hàng rồi thuê xe ôm ship hàng về tận nhà. Chị Thanh Loan, khách hàng thường xuyên chợ Đống Đa cho hay: "Tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên tôi cũng ngại vào chợ. Nếu có vào thì mua nhanh. Cần mua gì thì liên lạc với tiểu thương để họ ship hàng về tận nhà cho mình".

Dù ế nhưng nhiều mặt hàng phục vụ Tết lại tăng giá. Đơn cử như hạt dưa Thanh Hương, năm ngoái tầm 130-150 ngàn đồng, năm nay lên đến 180- 190 ngàn đồng/ký, lại không có để mua. Mỳ tôm Omachi chua cay ngày thường tầm 175-185 ngàn đồng/thùng, giờ đã lên 210 ngàn đồng/thùng; mỳ lẩu Thái ngày thường 165 ngàn đồng/thùng giờ lên 175-180 ngàn đồng/thùng; thịt heo mông, vai ngày thường giá 100 ngàn đồng/ký, giờ lên thêm 10.000 đồng/ký, thịt bò cũng tăng lên 10.000 đồng/ký...

So với các chợ truyền thống, lượng người đến siêu thị để mua hàng Tết có phần đông hơn, nhưng sức mua vẫn không bằng so với những năm trước khi có dịch. Để thu hút khách hàng, nhiều siêu thị giảm giá một số mặt hàng. Đơn cử như siêu thị Big C, một số mặt hàng bánh kẹo giảm giá khá ấn tượng. Đơn cử, hộp bánh Oreo chưa giảm có giá 48.900 đồng/hộp, giảm còn 39.900 đồng; hộp bánh AFC từ 117.900 đồng giảm còn 71.900 đồng/hộp, bánh Lu tùy theo hộp to- nhỏ, giá cũng giảm đáng kể v.v. Đưa con đi mua sắm bánh kẹo Tết, chị Hoài Dung (Q. Cẩm Lệ) chia sẻ: "Mọi năm, tôi chờ đến cận Tết mới mua sắm. Năm nay dịch nên tôi tranh thủ mua sắm sớm để tránh đông đúc. Năm nay thu nhập giảm, tiền thưởng Tết cũng giảm, nên tôi chỉ mua sắm vừa đủ dùng. Siêu thị tổ chức chương trình giảm giá một số mặt hàng phục vụ tết nên cũng vừa túi tiền với khách hàng có thu nhập trung bình - khá như tôi".

Không riêng gì chị Dung, nhiều khách hàng khi được hỏi đều cho biết sẽ cắt giảm nhiều khoản mua sắm Tết để không bị… âm lương tháng 2. 

Qua thăm dò, nhiều tiểu thương ở các chợ hy vọng vào những ngày "nước rút", tình hình mua sắm sẽ khá lên. "Tôi đang nghe ngóng tình hình để gọi đặt hàng, chứ không dám đặt hàng trước, sợ lỗ vốn", một tiểu thương bán hàng trái cây mặt tiền đường chợ Đống Đa cho hay.

P.Thủy