Đáp ứng phòng chống dịch bệnh do mưa lũ, ngập lụt
Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Trị xảy ra 4 đợt mưa lớn trên diện rộng khiến lũ trên các sông Thạch Hãn, sông Hiếu,... lên rất nhanh, gây ngập lụt sâu và khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài ở nhiều địa phương làm phát sinh và tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do ngập lụt tại cộng đồng.
Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị tổ chức vệ sinh môi trường nơi làm việc. Ảnh: Bội Nhiên |
Ngập lụt do mưa lớn kéo dài ở nhiều địa phương đã làm vi sinh vật gây bệnh từ đất, bụi, rác cùng chất thải, cống thải, công trình vệ sinh, chuồng trại hòa vào nước khiến môi trường bị ô nhiễm và phát tán mầm bệnh, Ngập úng, nước đọng cũng tạo môi trường cho muỗi phát triển, nhất là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Cũng trong thời điểm này, xác động vật và gia súc, gia cầm lẫn vào rác thải làm tăng mật độ ruồi, nhặng là nguy cơ gây các bệnh tiêu chảy, lỵ, thương hàn; nguồn nước bị ô nhiễm, nguồn nước sạch sinh hoạt bị thiếu và điều kiện vệ sinh hạn chế làm phát sinh các bệnh ngoài da, bệnh do thức ăn bị nhiễm khuẩn và nhiễm độc. Đặc biệt, việc phải đi lại dưới mưa, ngâm mình trong nước lũ để lao động, dọn dẹp khiến nhiều người rất dễ mắc các bệnh cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, đau mắt đỏ,... Tại TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Đakrông, Gio Linh, Hướng Hóa đã ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết đồng thời ghi nhận trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh 8 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng.
Ngay trong và sau mỗi đợt mưa gây ngập lụt, Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các điểm nguy cơ, điều tra côn trùng ổ dịch cũ, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh ở những nơi ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết; phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm, phối hợp chính quyền và y tế cơ sở tuyên truyền và hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, thực hiện xét nghiệm 350 mẫu sàng lọc Covid-19. Hỗ trợ cộng đồng thực hiện vệ sinh môi trường và đảm bảo nước sạch, Trung tâm KSBT đã phối hợp chính quyền các cấp vận động người dân dọn vệ sinh theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm sạch đến đó và xử lý tốt nguồn phân, chất thải, xác súc vật; chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến huyện triển khai xử lý nước sinh hoạt, nước ăn uống của người dân tại các vùng bị ngập lụt trên địa bàn bằng phèn chua và Cloramin B hoặc thau vét, vệ sinh, khử trùng nguồn nước; thực hiện báo cáo thông tin về bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các hoạt động này gặp không ít trở ngại và khó khăn do một số địa phương bị ngập sâu và chia cắt, mưa lớn cản trở việc đi lại nên hạn chế việc tiếp cận giám sát, đánh giá tình hình dịch tễ và tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Môi trường bị ô nhiễm nặng sau ngập lụt, tổng lượng rác thải và xác súc vật trôi nổi nhiều, bùn non tồn đọng từng lớp dày trên các đường làng, ngõ xóm chưa được xử lý kịp thời. Ở một số vùng bị ngập sâu, nước chưa rút hết. Số xã, phường bị ngập lụt quá lớn và nhiều tuyến đường bị chia cắt cản trở việc huy động người tham gia tổng vệ sinh và khó tiếp cận để hỗ trợ vật tư, hóa chất xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước,... Các biện pháp ứng phó của Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị nhằm giải quyết những hạn chế này là tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương về công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; giám sát các chỉ số nguy cơ, vector truyền bệnh, phun hóa chất chủ động diệt côn trùng tại các vùng ô nhiễm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh; giám sát dịch tễ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện ca bệnh truyền nhiễm nghi ngờ đầu tiên, xử lý ngay các ổ dịch nhỏ với mục đích ngăn chặn sự lây lan và bùng phát dịch bệnh tiêu chảy, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, bệnh viêm đường hô hấp, cảm cúm, tay-chân-miệng, Covid-19 và bệnh bạch hầu; vận động nhân dân ăn chín uống sôi, dùng Cloramin B hoặc phèn chua khử trùng nước trước khi sử dụng và vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh và ao tù nước đọng quanh nhà;...
Trước, trong và sau các đợt mưa lũ, ngập lụt vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị không xảy ra trường hợp tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm và không ghi nhận trường hợp nào nghi nhiễm Covid-19. Chủ động triển khai các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh do mưa lũ, ngập lụt kéo dài và nỗ lực cùng cộng đồng khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập lụt của Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị đã, đang và tiếp tục phát huy hiệu quả kiểm soát, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
BỘI NHIÊN