Đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm: "Cú hích" phát triển kinh tế của Đà Nẵng

Thứ sáu, 27/03/2015 12:48

(Cadn.com.vn) - 40 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là 18 năm khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, bằng bản lĩnh, quyết tâm, sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng luôn thể hiện rõ khát vọng "hóa rồng", như lời tương truyền bao đời nay, rằng: Đà Nẵng được sinh ra bởi một quả trứng rồng. Cùng với sự phát triển rõ nét, mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, quãng thời gian ấy, ngành giao thông vận tải được TP xem như ngành mũi nhọn và là "cú hích" phát triển kinh tế, tạo ra một đô thị với bộ mặt trẻ trung, hiện đại, mà đáng nói nhất là sự đầu tư, xây dựng những dự án, công trình cầu, đường trọng điểm...

Mỗi cây cầu bắc qua sông Hàn đều tạo ra "cú hích" cho sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng.

Dấu ấn những công trình

"Tư lệnh " mới của ngành giao thông vận tải - ông Lê Văn Trung tâm sự: Khác xa hình ảnh của những năm trước giải phóng, về cơ bản, phương thức tổ chức hoạt động giao thông ở Đà Nẵng của ông cha ta chỉ dựa vào sông, biển, gió mùa để làm tăng thêm tốc độ và năng lực vận tải của con người; đường bộ chủ yếu là đường mòn, đường đất cho người đi bộ gánh gồng; trâu, bò, voi ngựa thồ kéo, thì hôm nay đây, Đà Nẵng đã khoác trên mình một cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại với những con đường lớn thênh thang, dài tít tắp; hàng loạt cây cầu nối đôi nhịp bờ vui.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã chọn phát triển hạ tầng giao thông làm bước đột phá, còn ngành GTVT vinh dự được TP giao nhiệm vụ triển khai và hoàn thành hàng chục công trình trọng điểm, có yêu cầu cao về kỹ thuật, kiến trúc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo những dấu ấn riêng, diện mạo mới. Lần lượt, các tuyến đường trục chính như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tri Phương, Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... và những cây cầu bắc qua dòng Hàn giang nối đuôi nhau ra đời, trở thành niềm tự hào của ngành GTVT nói riêng, chính quyền và nhân dân TP nói chung.

Còn nhớ, ngay sau khi trở thành TP trực thuộc T.Ư năm 1997, chính quyền Đà Nẵng đã chính thức phát lệnh khởi công xây dựng cầu quay Sông Hàn.    3 năm sau, hàng ngàn người dân đã nô nức kéo tới ngắm nhìn, chung vui ngày cây cầu khánh thành, đưa vào sử dụng. Công trình cũng chính là biểu tượng của Đà Nẵng từ ngày ấy tới nay, đánh dấu bước đột phá, "cú hích" đầu tiên về quy hoạch của TP trên con đường phát triển.

Tiếp đến, từ việc thực hiện Nghị quyết HĐND khóa VI năm 2001 về định hướng phát triển KT-XH, giao thương với các vùng lân cận, các cây cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Tuyên Sơn... nối đôi bờ sông Hàn cũng lần lượt ra đời. Kỷ niệm ngày giải phóng TP các đây 6 năm (29-3-2009), cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Tiên Sa cũng đưa vào sử dụng, trở thành “cánh tay” nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa, Trường Sa, làm đòn bẩy cho sự phát triển của TP trên đường vươn ra biển lớn.

Cũng trong ngày khánh thành cầu Thuận Phước, Đà Nẵng tiếp tục khởi công cầu Rồng với mức dự toán lên đến 1.500 tỷ đồng, nối đô thị trung tâm sang tuyến biển Sơn Trà. Rồi cầu Trần Thị Lý, một kiến trúc cầu độc đáo khác cũng hiện diện năm 2013 trước niềm vui bất tận của triệu người dân. Công trình đẹp, lạ, như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển với dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam, trở thành đòn bẩy kích thích hơn sự phát triển của TP đang phát triển năng động.

Giờ đây, trong không khí kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP và chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế lại hân hoan chào đón thêm một công trình trọng điểm mang điểm nhấn kiến trúc nữa đã hoàn thành - cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế. Sự ra đời của cây cầu không chỉ xóa đi cảnh ùn tắc giao thông của nơi này tồn tại bao đời nay, mà còn khiến cho cảnh quan của trục giao thông Tây Bắc được "lột xác".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Trung nói: Nhân dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng TP, thay mặt ngành GTVT, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP; đặc biệt là sự chia sẻ, đồng thuận của mỗi người dân, sự hăng say trên công trường của đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, công nhân đã góp sức cho sự hoàn thành của những công trình giao thông mang đậm dấu ấn của Đà Nẵng nhiều năm qua, tạo nên vóc dáng mới, đà phát triển mới cho TP.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT bày tỏ: Trong số những công trình trọng điểm của TP đã đầu tư xây dựng từ khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố Top 10 công trình và sự kiện tạo dấu ấn 40 năm của thành phố Đà Nẵng (1975 - 2015), trong đó có cầu Sông Hàn là cầu quay  hiện đại nhất; cầu Thuận Phước - cầu dây võng dài nhất Việt Nam; cầu Rồng - cầu thép dài nhất và Hầm đường bộ Hải Vân là hầm dài và hiện đại nhất Việt Nam.

Chẳng sai, không chỉ mang biểu tượng, dấu ấn riêng, những cây cầu hình thành trên Hàn giang đều đã trở thành niềm kiêu hãnh cho mỗi người dân, trở thành điểm tham quan của du khách gần xa, tạo sức lan tỏa cho sự phát triển kinh tế giữa các địa phương vùng ven đô thị... Sự ra đời mỗi cây cầu đã tạo ra bao khu dân cư mới, những vệt biệt thự, khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp đua nhau mọc lên, biến vùng đất Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn trước đây vốn dĩ hoang sơ, tạm bợ; những khu dân cư nham nhở bùn đất trở thành những khu dân cư đáng sống, muốn sống...

"Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều hộ dân khu vực Sơn Trà, được họ chia sẻ nhiều điều, mới thấy rằng, họ rất tự hào về sự ra đời, hiện diện của những cây cầu bắc qua sông. Mọi người ai cũng bảo rằng, thêm một cây cầu mới là một lần giúp cho Sơn Trà từ một địa phương thiếu đường, thiếu điện, thông tin liên lạc, cuộc sống khốn khó, dần dần trở mình thành “một nàng tiên cá" ven biển,  ven sông" - ông Trung nói.

Từ khi xuất hiện những công trình cầu độc đáo, Sơn Trà đã có thêm những con đường rộng lớn thênh thang, vắt qua những vách núi, tạo nên vẻ đẹp Sơn Trà quyến rũ đến nao lòng: Đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... nối khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà qua vệt bãi biển đẹp nhất hành tinh đến thắng Ngũ Hành Sơn.

Chỉ tính riêng tuyến đường Hoàng Sa huyết mạch, từ những ruộng cát cằn cỗi, trảng dương liễu hoang vu trước kia, nay đã có trên dưới 60 dự án du lịch ven biển, khu resort triệu đô san sát mọc lên, khiến nơi đây càng trở nên sầm uất. Việc hình thành dự án “vệt đường Bạch Đằng Đông”, khu đô thị Nam cầu Trần Thị Lý, dự án Đô thị sinh thái Hòa Xuân... với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã xóa đi sự khác biệt giữa các khu vực trong TP, đưa người ngư dân nhà chồ lên đất liền, biến các vùng ngoại thành thành những đô thị vệ tinh khang trang, hiện đại...

Cùng với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực, 40 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng thực sự khoác lên mình chiếc áo mới với những công trình, giao thông ấn tượng, độc đáo, tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, mang dấu ấn riêng của thành phố trẻ bên dòng Hàn giang... Sự phát triển đột phá ấy chính là những "cú hích" quan trọng, đưa TP Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiện đại nhất của miền Trung - Tây Nguyên.

Công Hạnh