Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

Thứ năm, 11/08/2022 16:35
Từ nguồn vốn “mồi” (hỗ trợ) từ Chương trình Khuyến công (CTKC) của Nhà nước, năm 2021, Cty TNHH MTV Sản xuất & Thương mại Phúc Đạt Gia (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mạnh dạn huy động thêm nguồn vốn đủ 500 triệu đồng để đầu tư 2 dàn máy kéo thép liên hoàn sản xuất thép buộc dùng cho công trình xây dựng có sử dụng bê-tông cốt thép từ 6mm trước đây về 1mm.
Dây chuyền máy kéo thép liên hoàn sản xuất thép buộc của Công ty Phúc Đạt Gia có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình khuyến công của Nhà nước.
Dây chuyền máy kéo thép liên hoàn sản xuất thép buộc của Công ty Phúc Đạt Gia có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình khuyến công của Nhà nước.

Ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp này phấn khởi cho biết từ khi có 2 dàn máy kéo thép liên hoàn, không chỉ tiết kiệm nguyên liệu mà còn nâng cao đáng kể năng suất lao động. “Trước đây một ngày, một người lao động kéo máy đơn thì chỉ kéo được khoảng 2 tạ thép buộc nhưng bây giờ chỉ một người một ngày kéo ra tới 10 tấn thép buộc 1mm thành phẩm, năng suất tăng tới 10 lần, sản phẩm lại tốt hơn, rất được đối tác ưa chuộng, làm ra đến đâu hết đến đó”, ông Nguyễn Bá Tuấn chia sẻ thêm.

Trước đó, vào năm 2020, cũng từ nguồn vốn hỗ trợ từ CTKC của Nhà nước, Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Phát Tiến Hưng (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại sản xuất tôn nhựa PVC-ASA với chi phí đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng. Ông Đăng Nam Hưng, Giám đốc đơn vị này chia sẻ, từ khi đưa dây chuyền máy móc hiện đại vào hoạt động đến nay không chỉ gia tăng được năng lực sản xuất, tiết kiệm được chi phí nhân công mà sản phẩm tôn PVC-ASA thương hiệu Phát Tiến Hưng còn đạt chất lượng tốt hơn, đặc biệt là giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại ngoại nhập, đặc biệt là cạnh tranh được trên thị trường với các sản phẩm cùng loại trong nước sản xuất đến từ các tỉnh, thành khác.

Theo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí đầu tư cho CTKC trên địa bàn TP khoảng 66 tỷ đồng, trong đó, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương hơn 5 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của ngân sách TP hơn 6 tỷ đồng và phần kinh phí còn lại huy động từ nguồn vốn tự có, vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Từ nguồn kinh phí này, CTKC của TP đã triển khai được hơn 90 đề án, tập trung nhiều nhất vào hoạt động hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, CTKC của TP còn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm OCOP, v.v…

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, đánh giá: CTKC của TP trong giai đoạn 2016-2021 đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp TP, đặc biệt là tạo động lực giúp cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, cơ sở sản xuất (gọi tắt là doanh nghiệp) trên địa bàn TP mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến và công nghệ hiện đại để gia tăng năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, CTKC của TP còn góp phần giúp nhiều doanh nghiệp thụ hưởng chương trình này khắc phục được một phần khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra để khôi phục, duy trì và và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh CTKC, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 của lãnh đạo TP, ngày 9-8 vừa qua, Sở Công Thương TP đã tổ chức Hội nghị triển khai CTKC năm 2022. Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Thị Thúy Mai, cho biết: Trong năm 2022, UBND TP đã giao cho Sở triển khai CTKC với tổng kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp là 3,5 tỷ đồng. Hiện Sở đang triển khai đợt 1 gồm 10 đề án cho 11 doanh nghiệp trên địa bàn TP với kinh phí hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh việc thông tin, giới thiệu đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP về CTKC năm 2022, tại hội nghị này, Sở Công Thương TP còn giới thiệu đến các doanh nghiệp về Nghị quyết số 324 của HĐND TP quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm trên địa bàn TP. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết kế, mua sắm bao bì sản phẩm.

Tham dự hội nghị này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP hết sức phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Nhi – Giám đốc HTX nấm Nhơn Phước (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho biết, thời gian qua, HTX chưa đủ điều kiện để đầu tư về bao bì cho các sản phẩm của HTX sản xuất là cao nấm linh chi và rượu nấm linh chi. HTX nấm Phước Nhơn mong muốn CTKC nói chung, chương trình phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch nói riêng của TP hỗ trợ cho HTX có điều kiện đầu tư về bao bì sản phẩm để nâng tầm giá trị và tăng tính cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm của HTX.

Ông Lê Văn Nghĩa – Chủ cơ sở sản xuất rượu cần Phú Túc (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng), chia sẻ thêm: “Cơ sở chúng tôi sản xuất sản phẩm rượu cần truyền thống phục vụ du lịch. Tuy nhiên, qua thực tiễn và ý kiến đóng góp của nhiều du khách cho thấy bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa bắt mắt. Vì vậy, chính sách hỗ trợ tư vấn, thiết kế bao bì rất thiết thực để chúng tôi hoàn thiện sản phẩm hơn”.

PHÚ NAM