Đẩy mạnh tuyên truyền các phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu

Thứ bảy, 01/10/2022 18:35
Chiều 30-9, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá chỉ tiêu cấp Căn cước công dân (CCCD), chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022. 
Công an TP Đà Nẵng đến tận nhà để làm CCCD cho người dân.
Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại TP Đà Nẵng, Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì tại điểm trực tuyến.

Tại Hội nghị, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã báo cáo tóm tắt triển khai Đề án 06/CP; đánh giá công tác cấp CCCD, Công tác đăng ký quản lý cư trú trong tình hình mới và công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022, đặc biệt là một số kết quả về làm sách dữ liệu, công tác cấp CCCD, bỏ sổ hộ khẩu và kết quả Bộ Công an làm việc với Bộ Y tế, các hội đoàn thể và trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị ngày 29-9-2022. Một số vấn đề nổi cộm cũng được đề cập như công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD còn gặp nhiều khó khăn do công dân đang tạm trú ngoài tỉnh, thành phố nơi thường trú và nhiều công dân thường xuyên di chuyển làm ăn, buôn bán ra khỏi địa phương không có nơi ở ổn định. Đối với công tác cấp định danh toàn quốc đã thu nhận gần 11 triệu hồ sơ. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên cả nước còn thấp, hồ sơ định danh được duyệt chỉ có khoảng nửa triệu tài khoản được kích hoạt. Về bỏ sổ hộ khẩu, theo quy định đến ngày 31-12-2022 sẽ tiến hành thay thế việc sử dụng hộ khẩu bằng các phương thức khác. Bộ Công an đề nghị các địa phương khẩn trương tuyên truyền để người dân nắm được việc sử dụng các phương thức thay cho sổ hộ khẩu, trang bị các thiết bị đọc chip, QR code, bãi bỏ các quy định thực hiện thủ tục hành chính phải xuất trình sổ hộ khẩu…

Tại Đà Nẵng, theo thống kê đã hoàn thành 100% việc cấp thông báo số định danh cá nhân, và cơ bản hoàn thành việc thu thập, cập nhật và làm sạch thông tin công dân trên hệ thống. Đối với thu nhận hồ sơ cấp CCCD, Công an TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu này như đến tận nhà người tàn tật, đau ốm, khó khăn để làm CCCD; huy động cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc vận động người dân làm hồ sơ đề nghị cấp CCCD; thực hiện tọa đàm về đẩy mạnh triển khai Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng… Đến nay, số nhân khẩu thường trú đủ điều kiện đã thu nhận hồ sơ CCCD đạt 91,6%.

Công an TP Đà Nẵng đến tận nhà để làm CCCD cho người dân.

Hội nghị cũng được nghe đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp triển khai Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 5-9-2022 quy định về định danh và xác thực điện tử và tiến độ sửa văn bản pháp lý liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022 và tham luận của Công an các đơn vị, địa phương liên quan đến Đề án 06/NĐ-CP và chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Công an các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp mã định danh điện tử cho mỗi người dân. Để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện Đề án 06, Thứ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng tham mưu cho chính quyền quyết liệt chỉ đạo thực hiện Đề án tại địa phương mình bằng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy.

Đối với vấn đề đảm bảo các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để công dân nắm về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị đến hết ngày 31-12-2022 và quy định của Luật Cư trú năm 2020 khi thực hiện các giao dịch dân sự, các thủ tục hành chính cũng như tính bảo mật thông tin của công dân trong sử dụng các phương thức thay cho Sổ hộ khẩu; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các phương thức, cách thức sử dụng thông tin công dân thay cho xuất trình sổ hộ khẩu. Đồng thời phối hợp các đơn vị tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan.

MAI VINH

7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu kể từ sau ngày 31-12-2022

1. Sử dụng Căn cước công dân gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú

2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ Căn cước công dân gắn chip

3. Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân

4. Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong CSDLQG về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự

5. Sử dụng ứng dụng VNeID

6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú

7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.