Đi qua thiên tai, người Đà Nẵng chung tay gửi ân tình ra đồng bào các tỉnh phía Bắc
Thấu hiểu những khó khăn, mất mát do thiên tai gây ra, cùng với Đảng bộ, Chính quyền, người dân Đà Nẵng đã có những việc làm thiết thực để góp sức người, sức của chia sẻ với đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Không quan trọng nhiều ít, quan trọng là hữu ích
Suốt 2 ngày ròng kể từ khi bão số 3 đi qua để lại cảnh tang thương tại các tỉnh phía Bắc, bà con hàng xóm trong khu phố trên đường Lý Văn Phức (quận Ngũ Hành Sơn) cùng nhau nấu bánh chưng, bánh tét để kịp gửi theo những chuyến xe nghĩa tình lên đường gửi đến đồng bào. Hoạt động do Câu lạc bộ (CLB) Xe bán tải TP Đà Nẵng khởi xướng được bạn bè gần xa hưởng ứng, tiếp sức, người góp công, người góp kinh phí. Anh Đào Đặng Công Trung, người tham gia chương trình cho biết, trong 2 ngày mọi người đã gói tổng cộng hơn 1.000 chiếc bánh chưng, bánh tét. Các thành viên chung tay thực hiện các khâu từ ngâm gạo nếp, làm nhân bánh, lau lá chuối, gói bánh, nấu và tìm cách để bảo quản lâu nhất. Theo anh Trung, sau khi xong mẻ bánh đầu tiên, các thành viên của CLB sẽ vận chuyển bánh đến các tỉnh phía Bắc để trao cho bà con nhân dân, các tình nguyện viên hoạt động trong vùng lũ. Trong ngày 10-9, CLB Xe bán tải Đà Nẵng đã xuất quân gồm 10 phương tiện với hơn 30 thành viên tổ chức chuyến thiện nguyện đầu tiên đến các tỉnh phía Bắc. Trong chuyến đi đầu tiên, CLB ưu tiên hỗ trợ xuồng hơi để thực hiện cứu hộ bà con vùng lũ. Nhu yếu phẩm sẽ được các đoàn tiếp theo vận chuyển ra sau. Cùng với việc tham gia nấu bánh chưng, anh Trung đã phát động đấu giá quả bóng kỷ niệm có được trong trận đấu giữa đội tuyển các ngôi sao Brazil và các ngôi sao Việt Nam. Quả bóng có chữ ký của các danh thủ vang bóng một thời của 2 đội tuyển quốc gia là kỷ vật, bất kể thu về nhiều hay ít, anh sẽ dành tặng hết cho bà con vùng lũ lụt với hi vọng nhân lên nhiều hành động đẹp, nhiều việc làm thiết thực chia sẻ cùng đồng bào.
Với kinh nghiệm ứng phó thiên tai của mình, người dân Đà Nẵng không tập trung quá nhiều cho một loại hàng hóa dẫn đến bão hòa, lãng phí mà phân kỳ để hỗ trợ theo từng giai đoạn của thiên tai. Khi chỗ này nấu bánh chưng, bánh tét, thì nhóm khác sẽ tập trung cho nhiệm vụ vận tải, cứu hộ, tặng nhu yếu phẩm, áo quần, tiền bạc sử dụng vào giai đoạn sau khi mưa lũ đi qua. Anh Đặng Ngọc Tiến, thành viên Đội cứu hộ SOS Đà Nẵng cho biết, các nhóm trong đội đã chia ra nhiều cánh để có thể hỗ trợ kịp thời, hiệu quả ở các địa phương. Vào ngày 9-9, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, đội đã hỗ trợ cưa cây, dọn đường cho trường học và các đường phố. Sau đó, cùng nhau về Hà Nội tập kết đồ đạc, lương thực, quần áo, áo phao, thuốc, mì, gạo, dầu gió, lương khô, nước lọc... để di chuyển đi Yên Bái. "Ai ở Đà Nẵng đều trải qua và thấu hiệu hậu quả nặng nề của thiên tai. Những lúc đó mình được cả nước chung tay chia sẻ, hỗ trợ. Bây giờ là lúc mà mình vừa thể hiện trách nhiệm công dân, cũng là gửi ân tình đến đồng bào mình. Có của thì góp của, không thì góp công sức, phương tiện đều quý”- anh Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, Đội xuồng hơi cứu hộ cứu nạn (CHCN) Đà Nẵng cho biết, Đội đã tập hợp 3 xe pickup, hơn 10 người hỗ trợ, 4 xuồng hơi gắn máy từ Đà Nẵng và ra Hà Nội nhận thêm xuồng từ Đội cứu hộ đường thủy PVC. Đội xuồng hơi CHCN Đà Nẵng chuẩn bị áo phao, xuồng hơi, các dụng cụ cho công tác CHCN. 2 đội sẽ hỗ trợ nhân dân Thái Nguyên và Yên Bái, tiếp thêm động lực để bà con vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn.
Trung thu không trọn vẹn nhưng đầy ân tình
Trong sáng 11-9, nhiều tổ dân phố ở Đà Nẵng thông báo xin “nợ” các cháu thiếu nhi đêm múa lân, phá cỗ Tết Trung thu để dành kinh phí gửi tiếp sức đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng mưa lũ. Thông tin này lập tức được nhân dân đồng tình ủng hộ dù trước đó đã đóng góp ít nhiều để mua quà tặng, tổ chức vui hội trăng Rằm cho con em mình. Ông Vũ Văn Quynh – Tổ trưởng tổ 26, phường An Khê, quận Thanh Khê cho biết, dù các hộ dân đã tham gia đóng góp kinh phí và lên kế hoạch tổ chức đêm hội cho con em, nhưng khi chứng kiến cảnh mất mát quá lớn của đồng bào một số tỉnh miền Bắc thì Ban điều hành Tổ dân phố thảo luận xin ý kiến của Chi bộ dừng tổ chức hoạt động vui chơi. Tổ sẽ cử người đến tận nhà tặng quà cho các cháu, còn kinh phí thuê múa lân và các hoạt động khác sẽ dành hết cho hoạt động quyên góp. “Chi phí cho một đêm hội trăng rằm tuỳ theo tổ dân phố, có thể hết 3-5 triệu. Nếu tất cả tổ dân phố trên toàn thành phố dùng khoản này để ủng hộ người dân vùng bão lũ sẽ tạo được nguồn lực lớn, lại rất ý nghĩa, có tính giáo dục. Khi nghe thông tin này, cả tổ đều hưởng ứng”- ông Quynh cho biết.
Lãnh đạo các quận huyện của TP Đà Nẵng cho biết, hiện Mặt trận các địa phương ghi nhận đề xuất của các tổ dân phố dừng kinh phí thuê múa lân, tổ chức phá cỗ Tết Trung thu để cùng chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào.
Các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng nhanh chóng thông báo thay đổi hình thức vui hội Tết Trung thu để vừa có nguồn lực ủng hộ người dân vùng bão lũ đồng thời giáo dục tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, dù thiên tai xảy ra vào đầu năm học mới, là thời điểm mà các gia đình vừa phải mua sắm sách vở, áo quần và một ít khoản đóng góp cho con, nhưng ngay sau khi phát động quyên góp ủng hộ, các em học sinh, phụ huynh và hội đồng sư phạm nhà trường đều hưởng ứng. Cách đây mấy ngày, trường đã lên kế hoạch thuê đội lân biểu diễn cho các em vui chơi Tết Trung thu nhưng hiện tại Ban Giám hiệu nhà trường thống nhất thay đổi. “Tự các em sẽ cùng nhau múa lân, tổ chức các hoạt động. Kinh phí thuê đội lân chuyên nghiệp 7 triệu đồng cùng các nguồn đóng góp của học sinh, phụ huynh và hội đồng sư phạm nhà trường sẽ được tập trung lại để ủng hộ qua Công Đoàn ngành Giáo dục. Nhà trường coi như “khất nợ” các em một hoạt động vui chơi tết Trung thu để lan toả phong trào “Trăng sáng soi việc tốt”, cùng nhau thắp lên ngọn lửa yêu thương giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai. Ban Giám hiệu cũng gửi lời cảm ơn đến chính các em và gia đình”- cô Hương chia sẻ.
Trước thiệt hại do bão số 3 gây ra, các đoàn công tác của lãnh đạo TP Đà Nẵng đã trực tiếp đến thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng 25 tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố cử nhiều đoàn công tác lên đường hỗ trợ các tỉnh, thành phố thu dọn, cắt tỉa, trồng lại cây xanh, ổn định cuộc sống người dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, các địa phương, sở ngành, cơ quan, trường học tổ chức cũng nhanh chóng vào cuộc huy động nguồn lực để sớm có những hỗ trợ thiết thực cho đồng bào vùng mưa lũ các tỉnh phía Bắc. Thấu hiểu hậu quả của thiên tai, người Đà Nẵng đang cùng nhau tiếp sức theo các giai đoạn bằng những việc làm, nguồn lực phù hợp, hữu ích nhất.
Bảo Nam