“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đảm bảo trẻ em được tiêm vaccine sởi

Thứ hai, 24/03/2025 08:35

Theo Bộ Y tế, bệnh sởi tuy có dấu hiệu chững lại nhưng gia tăng cục bộ tại một số địa phương, nhất là ở những tỉnh, thành có di biến động dân cư nhiều, khu vực miền núi có nhiều đồng bào thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp...

Ảnh minh họa (trong ảnh: Ngành Y tế tích cực thăm khám, điều trị cho các trẻ mắc bệnh nghi sởi tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam).
Ảnh minh họa (trong ảnh: Ngành Y tế tích cực thăm khám, điều trị cho các trẻ mắc bệnh nghi sởi tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Phần lớn bệnh nhân chưa tiêm vaccine

Theo Bộ Y tế, đa số bệnh nhân sởi thuộc nhóm 9 tháng - dưới 15 tuổi (72,7%), trong đó hơn 95% chưa tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Bệnh chủ yếu ghi nhận tại các đô thị lớn nhưng có xu hướng lan đến các tỉnh miền núi. Dự báo dịch có thể giảm nhưng chưa dừng hẳn, cần thận trọng vì có thể xuất hiện nhiều ca sốt phát ban nghi sởi trên cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền núi và nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

Nhờ các biện pháp khoanh vùng, dập dịch và tiêm vaccine, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, từng bước hạn chế lây lan và bùng phát.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai chiến dịch năm 2024, 2025 đợt 1 cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng chiến dịch để đảm bảo hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 23/CĐ-TTg. Giao trách nhiệm chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng đảm bảo bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn, không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, tỷ lệ tiêm chủng thấp, tinh thần là phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Bố trí đủ kinh phí để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi; tăng cường truyền thông về phòng bệnh sởi.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục, thường xuyên đánh giá nguy cơ, xác định các khu vực nguy cơ cao để đề xuất các giải pháp ưu tiên phòng, chống dịch, các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng phù hợp với diễn biến thực tế, không để bùng phát dịch sởi.

Khẩn trương rà soát, đảm bảo đủ nhân lực hỗ trợ các địa phương nhất là nơi đang ghi nhận gia tăng bệnh sởi để triển khai hiệu quả tiêm chủng thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng chiến dịch cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi trên địa bàn, ưu tiên các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc sởi, linh hoạt các hình thức tiêm chủng phù hợp theo quy định.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; tăng cường truyền thông khuyến khích, vận động các gia đình, phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Thực hiện tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Ứng dụng mạng xã hội, thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật qua mạng xã hội, tăng cường hoạt động khám chữa bệnh từ xa, phân công bác sĩ có kinh nghiệm tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, đặc biệt ưu tiên cho các trạm y tế xã, y tế thôn bản ở khu vực vùng núi, đi lại khó khăn.

Kiểm soát lây nhiễm, hợp tác liên ngành phòng dịch

Ngành Y tế cần thực hiện tốt phân luồng khám bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế, chuẩn bị phương án ứng phó khi số ca nhập viện gia tăng. Đồng thời, đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa, phân công bác sĩ tuyến trên hỗ trợ y tế cơ sở, nhất là vùng núi, nơi đi lại khó khăn. Thực hiện tốt công tác khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, tăng cường vệ sinh trường lớp, phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch tiêm chủng, tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ.

Các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur giám sát dịch bệnh, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh để đánh giá nguy cơ, xác định khu vực trọng điểm, đề xuất biện pháp phòng dịch và triển khai tiêm chủng phù hợp; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tổ chức chiến dịch tiêm vaccine theo kế hoạch (Quyết định 905/QĐ-BYT, 909/QĐ-BYT), kịp thời phân bổ vaccine, giám sát và hỗ trợ thực hiện chậm nhất trong ngày 31-3.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ phối hợp với các Viện liên quan phân bổ vaccine để tiêm bù cho trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa đủ mũi, cũng như nhóm trẻ 6 - 9 tháng tuổi và 6 - 10 tuổi.

H.Q

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng phòng sởi, không để thiếu vắc xin

Trước tình hình dịch bệnh sởi đang tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương vẫn ghi nhận số ca mắc cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện ngày 15-3 yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi.

Quảng Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt phát ban nghi sởi

Ngày 12-3, ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, vừa ban hành công văn đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi

Cùng với việc cập nhật thường xuyên diễn biến bệnh sởi, tăng cường biện pháp phòng tránh, các trường học, ngành y tế ở Đà Nẵng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Sốt phát ban nghi sởi tái phát tại Nam Trà My

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam ghi nhận hàng trăm trường hợp sốt phát ban nghi sởi ở trẻ, đặc biệt ở huyện miền núi Nam Trà My. Sau khi bệnh bùng phát, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp phòng, chống, thế nhưng sau thời gian tạm lắng, những ngày qua nhiều trẻ em ở huyện Nam Trà My tiếp tục sốt phát ban, có trường hợp tử vong.